Cà phê phin tại đất Mỹ

Đến khi Detroit thuộc bang Michigan (Mỹ) tuyên bố vỡ nợ, thành phố một thời là niềm tự hào của người Mỹ vì từng là cái nôi của ngành công nghiệp ô-tô nước này, thì mới hết “lạ tai” khi nghe doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã mua được cả thị trấn Buford, bang Wyoming cách đây hơn một năm. Nguyên nghiễm nhiên vừa là chủ vừa là thị trưởng của thị trấn khi bỏ ra 900.000 đô la để mua lại vùng đất này.

Đến nay mới hiểu được rằng không phải vì “chơi ngông” hay vì cái chức danh thị trưởng để anh ta tậu thôn phố ấy.

Càng lạ tai hơn nữa khi nghe rằng ông chủ trẻ này đã “khai sinh” lại thị trấn bằng cách chuyển tên cũ sang tên mới: Buford sẽ trở thành PhinDeli.

Nghe rằng bước khai phá khởi đầu của ông chủ thị trấn là kinh doanh cà phê rang xay có xuất xứ Việt Nam. Hóa ra cái tên mới cột cái từ quen thuộc “phin” trong “phin cà phê” với “deli” của từ tiếng Anh “delicious” có nghĩa là thơm ngon, tuyệt hảo!

Mua thị trấn Buford đã là một cách suy nghĩ khác, đổi tên thành PhinDeli là một cách làm lạ lùng, đưa cà phê rang xay của Việt Nam trở thành “đặc sản” của PhinDeli lại là một cách suy nghĩ và cách làm ngộ nghĩnh, lạ đời một cách thú vị.

Nghe nói Nguyên mua được thị trấn qua đấu giá chỉ trong vòng 11 phút! Nhưng để chọn nghề cà phê làm cho PhinDeli thành “làng nghề” sau này, tính ra ông chủ phải ấp ủ, chuẩn bị… ít nhất cả năm trời!

Nước Mỹ là thị trường cà phê lớn nhất thế giới. Nhưng, không phải vì thế mà người tiêu thụ dễ dàng chấp nhận tất cả. Là một nước tiêu thụ cà phê truyền thống với mỗi ngày 100 triệu lượt người uống cà phê, hàng năm người Mỹ chi chừng 4 tỉ đô la để nhập khẩu thức uống này, nên có thể nói được rằng người Mỹ là một trong những người tiêu thụ cà phê sành điệu nhất.

Trước khi các nhãn hiệu cà phê Việt Nam có mặt, đã có biết bao nhiêu thương hiệu cà phê cắm rễ sâu ở đấy, chỉ cần nghe đến cái tên không thôi cũng biết nó đáng giá trị hàng chục tỉ đô la! Mấy năm nay, nhiều tên tuổi, nhãn hiệu cà phê Việt Nam đã từng cố gắng chen chân vào thị trường Mỹ, nhưng xem ra không dễ thành công nếu không chọn một lối suy nghĩ, một cách làm khác!

Không riêng gì ở thị trường Mỹ, tại các thị trường tiêu thụ cà phê khác, để đứng được một nhãn hiệu cà phê, nói như ông Phạm Đình Nguyên, chủ của thị trấn PhinDeli, phải tốn rất nhiều tiền để tiếp thị, quảng cáo… mà chưa chắc đã thành công!

Cà phê phin tại đất Mỹ

Với những thị trường cà phê mới nổi như Nga, các nước Đông Âu hay Trung Quốc chẳng hạn, để mong khách hàng làm quen với cà phê hòa tan không thôi đã tốn không dưới vài trăm triệu đô la tiền tiếp thị, chứ đừng nói đến cà phê rang xay. Tuy cà phê hòa tan có hàng chục cấp loại, giá cả, nhưng cũng chỉ là thức uống công nghiệp, hương vị mang tính “cộng đồng” nhiều hơn. Cà phê rang xay ý vị hơn, người sành sỏi thích rang xay, vì cách uống loại cà phê này có cái riêng hơn là uống hòa tan.

Tôi thích tên mới của thị trấn do ông Phạm Đình Nguyên làm chủ và thích luôn cái lối nói rất thực tế, biết “ăn xem nồi ngồi xem hướng” chứ không khoe mẽ, như rằng để quảng bá thương hiệu PhinDeli thì chỉ có cách đổi tên thị trấn để ai qua lại uống một ly cà phê rang xay Việt Nam, đem cái hương ấy đi xa để tỏa thơm giùm.

Mua thị trấn Buford đã là một cách suy nghĩ khác, đổi tên thành PhinDeli là một cách làm lạ lùng, đưa cà phê rang xay của Việt Nam trở thành “đặc sản” của PhinDeli lại là một cách suy nghĩ và cách làm ngộ nghĩnh, lạ đời một cách thú vị.

Mong cho PhinDeli ăn nên làm ra, toại ý toại nguyện, để không chỉ giữ ông chủ của thương hiệu cà phê này ở trọn đời cái thị trấn ấy, mà còn rải hương và tiếng thơm cà phê Việt Nam lan tỏa khắp nước Mỹ.

Nguồn Dùng hàng Việt