Linh hoạt như cà phê Việt

Trong khi Starbucks không thể đi ngược lại giá trị truyền thống chỉ vì một thị trường như Việt Nam thì các thương hiệu nội địa lại tỏ ra linh hoạt hơn bao giờ hết. Họ sẵn sàng ứng phó nhưng luôn biết đánh trúng thói quen uống cà phê của người Việt.

Hoàn toàn im lặng trước sự đổ bộ của Starbucks, song mới đây, Highlands Coffee bất ngờ công bố thay đổi chiến lược. Theo đó, toàn bộ chuỗi cửa hàng Highlands Coffee (gồm 62 cửa hàng trong nước và 20 cửa hàng ở nước ngoài) đã lần lượt được thay đổi hình ảnh, với thiết kế và logo mới.

Theo ông David Thái, Tổng giám đốc Công ty VTI (đơn vị sở hữu Highlands Coffee), sự thay đổi này nằm trong kế hoạch phát triển ra thị trường nước ngoài, nhằm đáp ứng những nhu cầu mới của khách hàng. Cửa hàng mẫu tại Diamond Plaza (TP.HCM) là hình ảnh mới của toàn bộ cửa hàng Highlands Coffee trong và ngoài nước trong thời gian tới. “Chúng tôi vẫn là một thương hiệu Việt Nam cho người Việt, nhưng sẽ thu hút tất cả những vị khách nước ngoài yêu thích cà phê và món bánh mì đặc trưng của Việt Nam”, ông David Thái nói.

Linh hoạt như cà phê Việt

Các thương hiệu cà phê nội địa biết đánh trúng thói quen uống cà phê của người Việt

Trước đây, Tập đoàn Jollibee (Philippines) đã chi 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hồng Kông của VTI. Để có vốn đầu tư cho chiến lược mới, Jollibee đã đồng ý cho VTI vay thêm 35 triệu USD với lãi suất chỉ 5%/năm, thanh toán trong năm 2016.

Tương tự, ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia tư vấn thương hiệu, đồng thời là người sáng lập chuỗi cà phê Passio cũng mang rất nhiều tâm trạng khi phải cạnh tranh với Starbucks. “Sự xuất hiện của họ cho thấy, thị trường đang tăng trưởng nhanh, nhưng cũng có thể đe dọa đến sự sống của bất cứ thương hiệu cà phê nào. Passio có cách làm riêng của mình và với mức giá hợp lý, chúng tôi không cạnh tranh trực tiếp với Starbucks. Hơn thế, có nhiều điểm về chiến lược của họ mà chúng tôi cảm thấy không đảm bảo chắc chắn cho sự thành công”, ông Hoàng nói.

Nhắm đến phân khúc khách hàng rộng hơn với giá bình dân, Passio muốn thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt và tạo nên sức mạnh cho cà phê Việt. Ngoài ra, Passio chọn nguyên liệu đạt chuẩn từ các vùng nguyên liệu phong phú của Việt Nam và áp dụng một quy trình rang xay đúng chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng. Hiện chuỗi cà phê Passio đã sở hữu 13 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Dự kiến cuối năm nay, Passio sẽ nâng tổng số cửa hàng lên 20.

Trong 1 giờ đồng hồ, số lượng ly cà phê bán ra của của Passio nhiều hơn gấp 5 lần so với các cửa hàng của đối thủ. Tuy nhiên, quan trọng không phải là số lượng, mà là cung cách phục vụ lẫn thói quen tiêu dùng của người Việt là thích được phục vụ, hơn là tự lấy cà phê và trả tiền ngay khi chưa dùng thức uống.

“Những thói quen tưởng chừng rất nhỏ, nhưng đối với người Việt Nam là một điều lớn lao và đây dường như là lợi thế của doanh nghiệp cà phê nội”, ông Nguyễn Khánh Trung, Giảng viên Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, người từng nhiều năm làm lãnh đạo của Cà phê Trung Nguyên chia sẻ.

Nguồn Dùng hàng Việt