Điện thoại Việt: Đấu nhau trong hồi hộp

Thị trường điện thoại thương hiệu Việt phát triển giống như một đám rau mầm. Đất màu mỡ, hạt giống được gieo xuống chen nhau mọc lên xanh mướt, nhưng chỉ sau một cơn mưa, hầu hết bị gãy rạp.

Những tham vọng to lớn của các nhà sản xuất điện thoại Việt trong phân khúc giá rẻ đã phá sản sau khi các hãng lớn như Nokia, Samsung cũng tấn công phân khúc này.

Ông Carl Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc Mobiistar thừa nhận: “Chỉ cần các hãng lớn nện một phát là các hãng Việt Nam có thể ra đi. Bằng chứng là sau mưa, thị trường đã thanh lọc, chỉ còn vài nhà sản xuất”.

Đối đầu trực tiếp

Câu chuyện phát triển của các thương hiệu Việt khá gian nan, họ vừa phải chiến đấu chống lại sức ép từ những ông lớn, vừa phải tranh giành chút thị phần còn sót lại.

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy cuộc chiến giữa 2 thương hiệu điện thoại Việt là Mobiistar và Qmobile đang diễn ra gay gắt. Điều này dễ hiểu, vì họ cùng chọn một nhóm đối tượng khách hàng, cùng thị trường, cùng dòng sản phẩm do đó đối đầu trực diện là điều tất nhiên.

Về sản phẩm, ai cũng biết điện thoại thương hiệu Việt đều được gia công ở Trung Quốc, 2 thương hiệu này cũng không ngoại lệ. Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc An Bình Tel, cho rằng doanh nghiệp trong nước nắm 70% phần hồn của chiếc điện thoại, còn phần cứng gia công ở Trung Quốc.

Chính 70% phần hồn này là chỗ để 2 thương hiệu Việt này cạnh tranh nhau, đặc biệt là khi họ chuyển sang đẩy mạnh dòng điện thoại thông minh.

Khi Q-Mobile mở đầu trào lưu Qsmart với những sản phẩm như Qsmart S53, S12, S15, S21... thì Mobiistar cũng nhanh chóng cho ra mắt những dòng máy tương tự với màn hình lớn, 2 sim, cấu hình cao để cạnh tranh như Mobiistar Touch Lai 502, 504, Mobiistar Touch kem 350, 425.

Cả 2 nhà sản xuất này đều tích cực tìm kiếm những điểm khác biệt để cạnh tranh nhau. Q-Mobile có Qstore, Mobiistar có Mobiistore đều chú trọng vào tính bản địa để xây dựng những ứng dụng, games phù hợp. Mobiistar còn chứng tỏ quyết tâm theo đuổi cuộc chiến dài hơi khi xây dựng chi nhánh ở Thâm Quyến để kiểm soát chất lượng.

Về giá, dù đưa ra những sản phẩm cấu hình cao, chip mạnh, nhiều tính năng đột phá như xem phim 3D không cần kính nhưng những sản phẩm của 2 nhà này chỉ quanh quẩn ở mức giá dưới 5 triệu đồng, bằng phân nửa so với những dòng tương tự của thương hiệu lớn.

Về thị trường, 2 hãng này cũng có chung chiến lược khi thời gian đầu cả 2 đều tập trung khai thác những thị trường ngách như nông thôn, các thành phố nhỏ, nơi mà những đại gia chưa lấy hết thị phần.

Nhưng khi dòng điện thoại cơ bản không còn đất sống, họ chuyển sang trào lưu smartphone thì 2 nhà này đồng loạt tập trung vào thị trường thành thị, phân phối trong những chuỗi bán lẻ hiện đại.

Về hệ thống phân phối, cả 2 nhà sản xuất này đều có lợi thế vì trước khi tự sản xuất điện thoại di động, họ đã có sẵn mối quan hệ nhờ làm nhà phân phối trước kia.

Ông Kha, Mobiistar, chia sẻ: “Mỗi tháng, tôi đều ngồi xe đò xuống các tỉnh để chăm sóc đại lý phân phối để có hướng kinh doanh, sản phẩm thích hợp”. Đến nay, Mobiistar và Qmobile đã có hơn 5.000 đại lý. Mỗi hãng tiêu thụ được khoảng 100.000 chiếc/tháng.

Mặt trận chính sắp tới: smartphone giá rẻ

Cuộc cạnh tranh này sẽ còn kéo dài, bởi cả 2 đều nhận thấy tiềm năng vẫn còn. Thị trường di động Việt nửa đầu năm chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của các dòng smartphone giá thấp.

Trong tháng 6 và 7, điện thoại thông minh giá rẻ đã tăng 10% về doanh số tại Thế Giới Di Động. Đại diện chuỗi này cũng dự đoán xu hướng smartphone giá rẻ sẽ tăng trưởng nhiều hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện 7 tháng đầu năm 2013 đã đạt gần 4,46 tỉ USD, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân khúc cao cấp đã bão hòa, trong khi hàng nhập khẩu lại chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc (chiếm 3,12 tỉ USD). Điều này cho thấy có sự đóng góp mạnh từ những dòng điện thoại thông minh thương hiệu Việt được gia công từ Trung Quốc đưa về.

Mặc dù có ý kiến cho rằng điện thoại giá rẻ càng làm càng lỗ nhưng đây lại là nguồn sống cho các hãng điện thoại Việt. Phía Q-Mobile cho biết mặc dù smartphone chỉ chiếm 20% trong tổng số điện thoại của hãng nhưng doanh thu chiếm đến 60%.

Còn Mobiistar cho biết số lượng điện thoại thông minh chiếm tới 80% doanh thu của họ. Tuy nhiên, các dòng smartphone Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt từ những nhà sản xuất lớn khác là Samsung, Nokia, LG... khi họ cũng tranh thủ thời điểm này liên tục tung ra những sản phẩm giá ngày càng rẻ.

Có lẽ chính vì vậy mà ông Kha, Mobiistar, khiêm tốn: “Chúng tôi đặt mục tiêu vừa tầm, lợi nhuận ít thôi và cố bám theo mức tăng trưởng chung của thị trường”. Còn ông Minh, An Bình Tel, đã không còn nói nhiều về tham vọng đấu với Nokia như trước.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn