Khát vọng “thủ phủ càphê toàn cầu”
Những ý tưởng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên có người cho là hay, có người bảo là “dị”. Khi ông đi đâu cũng nói về ý tưởng tạo lập tại Việt Nam một “thủ phủ càphê toàn cầu”, không ít người đến giờ vẫn cho ông Vũ quá ảo tưởng muốn làm nên kỳ tích.
Ý tưởng được ông Vũ mở đầu bằng dự án Bảo tàng cà phê thế giới, với quyết tâm đưa những hiện vật và tinh hoa văn hoá thuộc về càphê trên khắp thế giới về “thủ phủ”.
Mang tài sản cà phê thế giới về thủ phủ
Bảo tàng càphê thế giới Jens Burg, một trong những điểm du lịch đặc sắc của thành phố Hamburg (Đức), đã thật sự cuốn hút ông Vũ bởi sự phong phú, đa dạng chủng loại, kiểu dáng, phong cách của hơn 10.000 vật dụng liên quan đến càphê qua nhiều thời kỳ lịch sử và văn hoá trên thế giới. Ông tha thiết có được tài sản vô giá này, bỏ hơn ba năm thuyết phục người chủ bảo tàng này nhượng lại.
Quyết tâm theo đuổi đến cùng, khát vọng của Trung Nguyên đã khiến Jens Burg tin tưởng ông gặp đúng người “sống vì cà phê” kế tục bảo tàng. Tháng 9.2010, hơn 10.000 hiện vật bảo tàng càphê của Jens Burg đã về đến Việt Nam và được đưa về làng càphê Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuột – thủ phủ càphê. Những hiện vật được sắp xếp theo một hành trình phát triển của cà phê thế giới từ thuở sơ khai và bảo tàng càphê thế giới đã ra mắt trong lễ hội Cà phê năm 2011. Ông Vũ cho biết sẽ tiếp tục thu thập thêm các hiện vật liên quan đến càphê trên thế giới, để từng bước hoàn thiện mô hình bảo tàng cà phê thế giới.
Khát vọng từ làng
“Thủ phủ càphê toàn cầu” là một công trình lớn mà ông Vũ xác định: Trung Nguyên dù có khát vọng lớn cũng không thể một mình xây dựng. Thế nhưng, nếu không đặt những viên đá đầu tiên thì mãi sẽ không có công trình lớn.
Làng cà phê Trung Nguyên ra đời vào năm 2008. Không giải thích nhiều, ông Vũ và những người tâm huyết với dự án cứ chăm chút ngày càng nhiều cho làng càphê Trung Nguyên, để trước mắt nó trở thành nơi hội tụ những người mê càphê trong nước và nước ngoài, là nơi mà khách du lịch sẽ đến tìm hiểu về những gì liên quan cà phê.
Du khách rất thích không gian thoáng mát, cảnh vật lạ mắt ở đây, đặc biệt đến thủ phủ cà phê muốn chụp hình với cây cà phê thì làng cà phê Trung Nguyên thoả được cho khách thấy sắc thái cây cà phê ở mỗi tháng khác nhau: có mùa hoa nở trắng, có mùa trái chín đỏ cây.
Đến năm 2011, khi bảo tàng cà phê thế giới mở cửa cho khách tham quan những hiện vật quý, làng cà phê càng thu hút hơn. Ai cũng muốn xem bảo tàng có gì mà ông Vũ phải mất nhiều công sức và tiền bạc để được ông Jens Burg chuyển nhượng. Có xem mới thấy người có công sưu tập đã giúp cho mọi người được dịp nhìn thấy chiếc máy nghiền càphê thô sơ nhất bằng tay từ thời xa xưa, máy pha cà phê hơi nước đời đầu, chiếc cối dùng để giã cà phê cổ nhất ở Ethiopia, những chiếc ấm đựng cà phê bằng đồng, bằng bạc sản xuất từ năm 1.700, túi da dê ủ ấm càphê, những bộ ly tách cùng với những chiếc máy pha cà phê được chế tạo từ nhiều thời kỳ khác nhau thể hiện cà phê ngày xưa là sản phẩm xa xỉ... Chiếc cân tiểu li Hy Lạp như minh chứng cà phê thời xưa là hàng quý, phải cân đong từng lượng nhỏ.
Trong bảo tàng không thể thiếu hình ảnh cà phê Việt Nam. Một không gian trưng bày những chiếc gùi, dụng cụ sản xuất cà phê của người Tây nguyên; bộ sưu tập đồ pha chế cà phê trong đó có những chiếc phin lọc cà phê đầu tiên bằng sứ được chế tạo từ đầu thế kỷ 19, sau đó cải tiến bằng nhôm, thiếc… rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
Làng cà phê còn cho khách thưởng lãm những cách pha chế và phong cách thưởng thức cà phê khác nhau ở một số quốc gia như Ethiopia, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ… và của người Êđê Việt Nam.
Để có một “thủ phủ càphê toàn cầu” thật sự
Không nói ra, nhưng mong ước “thủ phủ cà phê toàn cầu” ở Việt Nam chắc cũng có trong nhiều người. Tuy nhiên, một làng cà phê, một bảo tàng cà phê thế giới, cộng với việc ông Vũ tuyên bố sẽ mang càphê Trung Nguyên chinh phục cả thế giới cũng chưa đủ khiến người ta nhìn nhận “thủ phủ cà phê toàn cầu” tại Việt Nam. Buôn Ma Thuột có là đô thị loại một hay thành đô thị trung tâm vùng Tây nguyên cũng không thể tiến tới ước mơ ấy nếu cả ngành cà phê Việt Nam không vượt qua những yếu kém hiện nay.
Trong khi “thủ phủ cà phê toàn cầu” còn ở xa trong tương lai thì những thương hiệu cà phê thế giới đang tấn công vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Việt Nam chỉ còn thành tích xuất thô hạt cà phê, xuất khẩu sản phẩm càphê chế biến chưa nhiều, hình ảnh thương hiệu cà phê tầm toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có.
Khát vọng chinh phục để thế giới nhìn nhận “thủ phủ cà phê toàn cầu” ở Việt Nam chắc chắn không thể chỉ ở làng cà phê. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang tranh thủ sự ủng hộ của những học giả, nhà kinh tế, cả chính trị gia trên thế giới đối với mục tiêu toàn cầu của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn để có thể làm nên những kỳ tích cho cà phê Việt Nam là kết nối được những đôi tay cùng giơ cao vì thương hiệu cà phê Việt Nam của chính những người Việt Nam trồng, chế biến, kinh doanh càphê qua chính chất lượng cà phê, sự phát triển cà phê bền vững từ trồng, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, xây dựng thương hiệu.