Đối thoại với Đặng Lê Nguyên Vũ

Được sự sắp xếp chu đáo của cán bộ Phòng Truyền thông của Trung Nguyên, tôi đến gặp Đặng Lê Nguyên Vũ vào một sáng cuối tuần nắng nhẹ. Chuyện diễn ra cũng khá bất ngờ, mới chiều thứ 6 tôi có contact của Trung Nguyên thì sáng thứ 7 cuộc gặp đã được setup. Tôi cũng chưa biết trước chủ đề của buổi gặp mặt, chỉ biết được hẹn đến để “uống café Trung Nguyên và nói chuyện với Đặng Lê Nguyên Vũ !”.

Do thời gian chuẩn bị quá ngắn, tôi chật vật suy nghĩ xem cần phải nói gì với Đặng Lê Nguyên Vũ vào sớm mai. Thành ra tối hôm trước khi gặp, tôi nằm thao thức đến gần 2h sáng. Mục đích của tôi là chuẩn bị… “viên đạn cuối cùng”. Dĩ nhiên, “viên đạn” này không phải để “bắn hạ” Đặng Lê Nguyên Vũ mà là những gì tôi cần phải nói với Doanh nhân này cho cuộc gặp mặt lần đầu tiên.

Đến văn phòng của Trung Nguyên, cô tiếp tân mặc áo dài truyền thống nồng ấm hướng dẫn tôi lên phòng làm việc của Đặng Lê Nguyên Vũ. Căn phòng làm việc của Doanh nhân này được trang trí giản dị, có nhạc dịu nhẹ và những chồng sách cao ngất, đủ thể loại. Trong đó phải kể đến các đầu sách best sellers như “Từ tốt đến vĩ đại”, “Xây dựng để trường tồn”, “Châu Á thần kỳ”, “Insight: Encouraging Aha! Moments for Organizational Success”, “The Starbucks Experience”…

Đối thoại với Đặng Lê Nguyên Vũ

Sau cái bắt tay welcome thật chặt là… loạt đạn cối !

Khi tôi còn chưa kịp sử dụng “viên đạn” của mình thì Đặng Lê Nguyên Vũ đã chủ động nã một loạt đạn hạng nặng. Kết quả của “loạt đạn” này là tôi có những trang giấy chi chít chữ, gạch chân, khoanh tròn, chữ to chữ nhỏ đủ cả.

Trong gần 3 giờ nói chuyện, tôi tiếp nhận được nhiều thông tin mới mẻ, cũng như confirm lại một số thông tin mà tôi bị “nhiễu sóng” bởi một số trang báo mạng. Ngoài ra, Doanh nhân này còn “cao hứng” show cho tôi xem một số tài liệu chưa được công bố ra bên ngoài, có tài liệu thì Đặng Lê Nguyên Vũ đọc lướt qua ý chính, có tài liệu thì tôi chỉ được xem… trang bìa! Bằng một lối nói chuyện đầy cảm hứng, những cái nhướng mày và cú phát tay vào không khí, tôi có thể nói là Đặng Lê Nguyên Vũ máu lửa hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thấy trên media.

Đối thoại với Đặng Lê Nguyên Vũ

Đặng Lê Nguyên Vũ cười “tươi rói”. Bên cạnh là Hoa hậu Hương Giang.

Tay đấm thách đấu

Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ chuyện từng diễn ra trong phòng họp kín của Trung Nguyên: “Buổi họp 22 người mà hỏi anh em dám làm Thương hiệu toàn cầu, dám chinh phục người tiêu dùng Mỹ, dám thách đấu Starbucks không? Thì chỉ có 2 người nói: Dám!”

20 người còn lại ngần ngại nói “Dám” cũng có logic vì họ hiểu rằng đối thủ của họ là ai. Nhìn vào bảng so sánh hai tay đấm để biết đối thủ của Trung Nguyên lớn thế nào.

Nếu xét theo luật boxing thì chắc chắn trận so găng này sẽ không được phép tiến hành vì 2 đối thủ thuộc 2 hạng cân quá chênh lệch. Nhưng vì sao tay đấm Trung Nguyên vẫn dám thách đấu với đương kim vô địch?

Vì Trung Nguyên hiểu rằng: khi thách đấu, họ có quyền hy vọng (dù là mong manh) để tước đai vô địch của market leader và mang về vinh quang. Còn nếu họ không dám thách đấu, mãi mãi vinh quang thuộc về đối thủ. Đó là một kết thúc mà “ông bầu” Đặng Lê Nguyên Vũ hoàn toàn không trông đợi.

Người Philippine tự hào có tay đấm Pacquiao (là tay đấm hay nhất trong lịch sử quyền anh Châu Á), người Ukraine tự hào có anh em nhà Klitschko (thống nhất tất cả các đai vô địch hạng nặng IBO, IBF, WBO, WBA, WBC). Vậy, người Việt Nam cũng quyền hy vọng vào tay đấm Trung Nguyên.

Câu hỏi: Nhưng điều quan trọng là nếu thắng trận, thì những ai đang đặt cược vào tay đấm Trung Nguyên sẽ được gì? -Trả lời: Được 2 thứ!

1. Giá trị vật chất: tạo ra 5 - 6 triệu việc làm và tăng hơn 800% giá trị cho ngành cà phê Việt Nam (mang lại giá trị 20 tỷ USD/năm cho ngành cà phê Việt Nam trong 15 năm tới so với xuất phát điểm là 2,4 tỷ USD xuất khẩu năm 2011).

2. Giá trị tinh thần: Việt Nam tự hào sở hữu đai “Thương hiệu toàn cầu” đầu tiên.

Đây có khả năng sẽ là kịch bản: Trung Nguyên sẽ phải lãnh nhận những cú đấm trời giáng từ market leader. Máu sẽ đổ trên sàn đấu nhưng Trung Nguyên vẫn đứng dậy. Tay đấm người Việt Nam ra sức đáp trả nhưng market leader vẫn còn quá khỏe. Liên tiếp lãnh nhận các cú đấm, Trung Nguyên lảo đảo và hoàn toàn ngã gục bởi cú “uppercut” sấm sét từ nhà vô địch. Cuộc chơi những tưởng đã an bài thì tay đấm người Việt Nam choàng dậy và tung ra tuyệt chiêu “Cú đấm cuối cùng”... Trận so găng tầm vóc toàn cầu kết thúc.

Lý giải về những vụ “ẩu đả” trên truyền thông

Khi bạn tìm hiểu thông tin về Trung Nguyên hay Đặng Lê Nguyên Vũ, bạn dễ dàng nhận ra có 2 luồng thông tin hoàn toàn trái chiều nhau. Cùng một sự việc nhưng có nhóm người nhận định dưới góc độ tốt và có nhóm bình luận bằng những lời bài phán. Nhưng nguyên nhân là vì sao? Vì sao lại có sự khác biệt quá lớn trong góc nhìn như vậy? Để lý giải căn cơ của vấn đề, tôi đề xuất cách tiếp cận là dùng insight (sự thật ngầm hiểu) để giải thích.

Insight của nhóm người “không hiểu” Trung Nguyên:

Doanh nghiệp sinh ra là để tìm kiếm lợi nhuận. Trung Nguyên không lo tranh thị phần, “đụng” đến những vấn đề vĩ mô như đề xuất Quy hoạch chỗ này, thay đổi chỗ kia, rồi “dính” đến các vấn đề của xã hội. Làm thế để làm gì?

Insight của Trung Nguyên:

Trung Nguyên không chỉ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Trung Nguyên muốn viết nên lịch sử, muốn tạo ra câu chuyện thần kỳ cho ngành cà phê Việt Nam. Trung Nguyên chỉ có thể làm được bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của Chính phủ, của xã hội để tiến hành tái quy hoạch và tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho nông sản Việt Nam. Đó là lý do vì sao Trung Nguyên cần phải “đụng” đến các vấn đề vĩ mô.

Bạn thấy đấy: Họ nghĩ khác nhau. Đơn giản là vậy. Insight khác nhau dẫn đến không hiểu nhau và “ẩu đả” xảy ra. Những gì mà chúng ta thấy trên các trang báo mạng chỉ là hiện tượng, và gốc rễ của vấn đề là 2 nhóm sở hữu 2 insight khác biệt. Ở đây chúng ta không phán quyết ai đúng ai sai, chỉ có sự khác nhau trong tư duy mà thôi (dĩ nhiên là trừ những bài viết bài phán Trung Nguyên “có chủ ý”).

Đối thoại với Đặng Lê Nguyên Vũ

Đặng Lê Nguyên Vũ: “Tôi buồn phiền”

Khi càng đến gần cuối buổi gặp, tôi nhoài người về phía trước, không take note nữa mà muốn lắng nghe những chia sẻ cuối cùng của Đặng Lê Nguyên Vũ (đến lúc này tôi đã “doping” 3 ly café Trung Nguyên). Doanh nhân này vẫn còn say sưa chia sẻ những kế hoạch, dự định mà Trung Nguyên đang theo đuổi. Trong đó, Trung Nguyên có kế hoạch truyền cảm hứng sống đến hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam.

Bên cạnh những dự định, những kế hoạch thì Đặng Lê Nguyên Vũ cũng tâm sự nhiều ưu tư: “Tôi buồn phiền vì…”. Đó là khoảng lặng của người lãnh đạo. Những ưu tư buồn phiền đó không chỉ đến từ các mục tiêu của Trung Nguyên đã vượt khỏi khuôn khổ của một doanh nghiệp thông thường, mà còn vì Trung Nguyên đã lãnh nhận quá nhiều đòn roi của dư luận (mà không ít trong số đó xuất phát từ những động cơ cạnh tranh thiếu lành mạnh). Các kênh truyền thông thường ngày từ một công cụ tuyên truyền hữu hiệu, thì nay trở thành “lưỡi dao bẩn” cứa vào cơ thể Trung Nguyên. Đó là nỗi oan ức của một Doanh nghiệp làm ăn có đạo đức và là nỗi buồn của người làm kinh doanh chân chính.

Tiếng nói của Steve Jobs

Đối thoại với Đặng Lê Nguyên Vũ

Khi bạn lớn lên, bạn có xu hướng nghĩ rằng: thế giới này là đã là như thế rồi, và việc của bạn chỉ là sống hết cuộc đời mình trong cái thế giới ấy. Cố gắng để không va vào tường quá nhiều. Cố gắng để có một gia đình tử tế, để sống vui vẻ, và tiết kiệm ít tiền.

Nhưng đó là một cuộc sống quá giới hạn. Cuộc sống có thể rộng lớn hơn thế rất nhiều một khi bạn khám phá ra một sự thật đơn giản rằng: Tất cả mọi thứ xung quanh mà bạn gọi là cuộc sống, đều được tạo nên bởi những người không hẳn đã thông minh hơn bạn. Và bạn có thể tạo sự thay đổi, bạn có thể gây ảnh hưởng, bạn có thể làm ra những thứ mà người khác sẽ sử dụng.

Một khi bạn nhận ra được điều đó, bạn sẽ không còn là chính mình như ngày hôm qua.

Steve Jobs' Vision of the World

Trung Nguyên mới chỉ là một chàng trai 16 tuổi đời. Và có thể Trung Nguyên cũng đã nhận ra được một sự thật đơn giản rằng cậu ta sinh ra không phải chỉ để thỏa mãn “giấc mơ con”, mà giấc mơ Thương hiệu toàn cầu mới là nơi mà chàng trai trẻ ngỏ lời hẹn ước. Không ai có thể đoán chắc được kết quả, nhưng dám đặt mục tiêu lớn, dám lãnh nhận thách thức và sự trừng phạt của đối thủ, để rồi vẫn bước lên phía trước thì tôi nghĩ: người em Trung Nguyên này đích thực là một chiến binh mang trong mình Trái tim quả cảm.

Nguồn I.A.M Vietnam