Doanh nhân, người khơi nguồn cảm hứng

Khi mới kinh doanh, hầu hết doanh nhân khởi nghiệp từ một công ty quy mô nhỏ. Với khởi đầu ấy, họ nhìn vào các công ty lớn rồi mong muốn một ngày công ty của mình cũng lớn mạnh như vậy. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã biến đổi rất nhanh.

Đó là một thực tế mà trong cuộc chơi toàn cầu doanh nghiệp phải tự nhận thức được. Bản chất của hoạt động kinh doanh là doanh nghiệp luôn luôn bị cạnh tranh. Do vậy, người chủ doanh nghiệp phải tự hỏi tồn tại như thế nào? Cạnh tranh bằng cách gì, phát triển ra sao?


Ông Phan Quốc Công- Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Hàng gia dụng quốc tế (ICP)

Dù ở trong tình huống nào, phương châm của tôi luôn là: Lấy sự xoay trở để thắng quy mô và lấy sự sáng tạo thắng kinh nghiệm. Trên thực tế, công ty lớn rất khó linh hoạt bằng công ty nhỏ, do quy mô và khả năng sẵn sàng ứng biến, thay đổi nhanh của loại công ty này. To quá có thể tạo ra sức ì. Nhỏ, nhưng dám sáng tạo, dám đổi mới sẽ có cơ hội cạnh tranh và phát triển. Đã đến lúc cộng đồng doanh nhân cần nghĩ sâu xa hơn về cách chúng ta biến đổi. Tôi thích dùng từ “biến đổi” hơn “thay đổi”, bởi biến đổi là biến chuyển, hàm ý sự linh hoạt, tính liên tục. Như đã biết, doanh nghiệp nhỏ thường bắt đầu những bước đi chập chững được chắp cánh bởi ước mơ. Khi lớn dần, sẽ xuất hiện nhiều ước mơ khác, nhưng doanh nhân hiếm khi tham khảo ý kiến, học hỏi kinh nghiệm từ người xung quanh. Việc tham khảo rất cần thiết, vì nó giúp doanh nghiệp hoạch định rõ ràng hơn các mục tiêu, cách thực thi chiến lược và tránh được sai lầm.

"Lấy sự xoay trở để thắng quy mô và lấy sự sáng tạo thắng kinh nghiệm."

Sự biến đổi của môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp tiếp cận cái mới từ bên ngoài, đón nhận các cơ hội để nâng công ty lên tầm cao mới. Doanh nghiệp có ước mơ là tốt, song chưa đủ. Họ cần có khả năng chia sẻ ước mơ, hợp tác để cùng đạt mục tiêu. Đây chính là năng lực thực thi trong kinh doanh. Trong mọi quan hệ hợp tác, tôi quan niệm các đối tác phải cùng đạt được trạng thái “win- win” (hai bên cùng thắng), có vậy quan hệ mới bền chặt. Giống như hai cái cây chụm vào nhau cùng lớn vậy.

Từ kinh nghiệm của Công ty ICP, tôi thấy rằng, trong từng giai đoạn mỗi doanh nghiệp phải là người tích cực sáng tạo, tự làm mới bản thân mình để thích nghi với môi trường kinh doanh mới. “X-men” là minh chứng. Trước khi sản phẩm này ra đời rất ít người nghĩ có thể bán dầu gội cho nam giới. Nhưng “X-men” đã làm được.

Các doanh nhân phải là người khơi nguồn cảm hứng cho đội ngũ của mình để cùng đổi mới. Quyết định khó nhất là truyền được cảm hứng thay đổi cho nhân viên. Chỉ có thể hiện thực hóa điều này khi từng cá nhân nhìn thấy sự thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của mình và tin tưởng.

Nguồn Doanh Nhân Online