Khi cùng nhau, không gì là không thể

Đặng Lê Nguyên Vũ thuộc lớp doanh nhân trẻ mang trong mình những hoài bão, ước vọng lớn lao. Không chỉ muốn Trung Nguyên vươn tầm thế giới, vị lãnh đạo của công ty kinh doanh cà phê hàng đầu Việt Nam này còn muốn xây dựng một Việt Nam hùng cường. Để thực hiện ước vọng ấy, 16 năm qua, trong hành trình phát triển Trung Nguyên ông đã dành đến 95% quỹ thời gian để đi tìm những nguyên lý cho sự phát triển bền vững. Và ông hiểu rằng, không gì khác hơn là phải xây dựng một quốc gia với tinh thần khởi nghiệp, mà ở đó những người trẻ sẽ là lực lượng kế thừa, quyết định mọi thứ. Và từ năm 2003 đến nay, ông đã dành một nguồn kinh phí không nhỏ xây dựng các chương trình cho thanh niên. Mới đây, ông đã cùng với Alphabooks chuyển ngữ và phát hành cuốn Quốc gia khởi nghiệp (Start-up Nation) nhằm giúp người Việt giải mã hiện tượng Israel, từ đó khởi động tâm thế và tinh thần kiến quốc khởi nghiệp của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, ông nói:

Có một số câu hỏi mà tôi luôn trăn trở, chưa tìm được câu trả lời. Đó là tại sao có người thành công – kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu – nước ngoài? Tại sao Việt Nam mình vẫn mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành một quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người khác làm được sao ta không làm được? Tại sao nước khác làm được sao nước ta không làm được?…

Khi cùng nhau, không gì là không thể

Trước những câu hỏi thời đại, tôi đã thao thức nhiều ngày đêm, tìm hiểu qua nhiều sách vở, tham vấn nhiều nhân vật ảnh hưởng, nghiên cứu nhiều quốc gia và mục sở thị nhiều cảnh đời… Tôi thấy có nhiều quốc gia, dân tộc cần phải được điển cứu để rút ra nguyên lý thành công phổ quát cho Việt Nam. Và Israel là dân tộc không thể bỏ qua trên hành trình này.

* Và đó là lý do khiến ông quyết định đưa sách Quốc Gia Khởi Nghiệp về Việt Nam và trao cho các bạn trẻ?

- Có thể nói, đây là một cuốn sách đặc sắc kể nhiều câu chuyện vượt trội của con người và đất nước Israel. Sách đã phần nào trả lời những câu hỏi mà tôi đã trăn trở nhiều năm nay.

Tôi may mắn hơn một số người khi có cơ hội đi thực địa Israel. Nỗi niềm đau đáu trong tôi là vì sao, bằng cách nào mà một dân tộc chỉ với khoảng 14 triệu dân (8 triệu dân trong nước và 6 triệu kiều bào Do Thái ngoài lãnh thổ) lại sản sinh ra vô số các chủ nhân của giải Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị – kỹ nghệ đại tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới? Làm thế nào mà một dân tộc hai nghìn năm vong quốc lại có thể chi phối hành tinh? Làm thế nào mà một quốc gia với chừng ấy dân số với chỉ 65 năm tuổi là có thể làm chủ được cuộc chơi, luôn nắm thế thượng phong trước khối thù địch tôn giáo hơn 359 triệu người bủa vây?

Israel có tài nguyên thiên nhiên bằng không, hai phần ba diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi, sỏi đá cằn cỗi, nước ngọt thiếu trầm trọng… Nghịch cảnh như vậy, điều kiện thiếu đất – thiếu nước – thiếu người như vậy mà họ vẫn luôn tự chủ. Điều đáng suy ngẫm là diện tích nước ta lớn hơn Israel khoảng 12 lần, dân số đông hơn 11 lần và tài nguyên thiên nhiên gấp bội Israel nhưng GDP đầu người lại kém hơn họ đến 23 lần. Thậm chí, chúng ta còn gián tiếp nhận viện trợ từ quốc gia này… Tôi cứ luôn trăn trở về điều này. Tại sao trong điều kiện như thế như họ làm được mà ta không làm được?

Khi cùng nhau, không gì là không thể*Vậy phải chăng, so với Israel, Việt Nam thiếu nhiều thứ khác?

- Theo tôi, Việt Nam tuyệt nhiên không thiếu một một điều kiện nào để trở thành một cường quốc. Một quốc gia đi lên chỉ có 5 yếu tố cơ bản, đó là vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên – hạ tầng (sông, biển, khoáng sản, rừng…), dân số, văn hóa và thiết chế. Trong 5 yếu tố này, ba yếu tố đầu tiên của ta thật là tuyệt vời. Phải chăng yếu tố chúng ta thiếu chính là sức mạnh tinh thần, nhất là tinh thần quật cường và đoàn kết trong thời bình?

Trên thực tế, người Việt dường như hài lòng, tự mãn, thiếu hoài bão, thiếu khát khao, thiếu tinh thần ảnh hưởng, chinh phục, khám phá, không có tinh thần doanh nhân. Không những thế, người Việt mình thiếu tính kế thừa, khả năng thực thi thì kém… Người Việt có tính sáng tạo nhưng là sáng tạo khi đã bị dồn vào đường cùng. Phải công nhận là người Việt thông minh nhưng do không được nuôi dưỡng liên tục nên không phát huy được.

Tôi có giấc mơ Việt Nam hùng mạnh, có tầm ảnh hưởng thế giới. Việt Nam có đầy đủ điều kiện để làm chuyện đó. Vấn đề là người Việt có dám nghĩ đến điều đó hay không? Có muốn làm hay không và có biết cách làm chuyện đó hay không?

* Có phải vì giấc mơ này mà 17 năm qua ông đã thực hiện nhiều chương trình dành cho lớp trẻ?

- Đúng vậy. Tôi luôn tâm niệm là phải xây dựng một thế hệ trẻ tôn trọng giá trị sáng tạo có trách nhiệm và thế hệ doanh nhân mới với một hoài bão (chinh phục và ảnh hưởng) và 3 tinh thần (sáng tạo, chiến binh, doanh nhân). Chúng tôi cũng đã hiện thực hóa điều này bằng nhiều chương trình cụ thể như “Sáng tạo vì thương hiệu Việt” năm 2003, “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam” năm 2003, thành lập Quỹ “Khơi nguồn sáng tạo” hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2005, khởi động diễn đàn “Nước Việt ta nhỏ hay không nhỏ” và “Ngày hành động vì nước Việt vĩ đại” năm 2005 cùng nhiều chương trình khác đồng hành với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kiến quốc. Chúng tôi đã và đang trao 100 triệu cuốn sách, đầu tiên là cuốn “Nghĩ giàu làm giàu từ sự kiện Ngày hội Sáng tạo vì khát vọng Việt 23/11/2012 cho thanh niên… Sắp tới đây, Trung Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện một chuỗi các hoạt động bổ ích, thiết thực khác dành cho thanh niên nhằm tiếp tục cài đặt tâm thế, trao công thức thành công và hiện thức hóa ước mơ của các bạn trẻ. Trong đó, việc trao cho các bạn trẻ cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” là khởi động tâm thế và tinh thần khởi nghiệp kiến quốc cho lớp trẻ – đối tượng quyết định sự phát triển của đất nước.

Bài học thành công từ Israel rất đáng để chúng ta học hỏi. Hiện nay, trở thành một doanh nhân khởi nghiệp là chuẩn mực trong xã hội Israel. Rõ ràng văn hóa đóng vai trò “sinh tử” trong phát triển quốc gia, bên cạnh tầm nhìn của giới tinh hoa, ý thức hệ, thể chế vĩ mô và chiến lược thực thi, được kích xúc bởi văn hóa khởi nghiệp. Tôi nghĩ rằng, sở dĩ quốc gia Israel hùng cường, ảnh hưởng lớn như vậy bởi họ có được một hoài bão với ba tinh thần chiến binh, doanh nhân và sáng tạo.

"Văn hóa đóng vai trò “sinh tử” trong phát triển quốc gia, bên cạnh tầm nhìn của giới tinh hoa, ý thức hệ, thể chế vĩ mô và chiến lược thực thi, được kích xúc bởi văn hóa khởi nghiệp."

* Và sau chừng ấy năm theo đuổi giấc mơ lớn, dù ít hay nhiều, chắc hẳn những việc làm của ông cũng đã mang đến những kết quả bước đầu?

- Đây là tiến trình. Bắt đầu chỉ là những cá nhân đơn lẻ như Trung Nguyên và sau đó đã có sự hưởng ứng của Đoàn Thanh niên… nhưng để có kết quả phải có sự cộng hưởng của toàn xã hội. Tôi chỉ là một người xới vấn đề. Như cuốn sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu các bạn trẻ trên toàn quốc. Chúng tôi cũng làm việc với Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam để chuyển thành hệ thống, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp kiến quốc cho mấy chục triệu thanh niên…

Tôi hy vọng khởi nghiệp sẽ thành chính sách quốc gia. Vì chỉ có tinh thần doanh nhân, tinh thần kinh doanh mới mang đến một dân tộc hùng mạnh được. Dù khởi nghiệp bất cứ lĩnh vực nào nhưng nếu không có tinh thần này thì cũng không thành công. Chúng ta phải tìm mọi cách để khắc phục và cổ động tinh thần này một cách mạnh mẽ nhất. Làm sao để nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh. Dạy từ trong bụng mẹ là phải biết có tinh thần doanh nhân. Nhưng đừng quan niệm kinh doanh là buôn bán, lường gạt, gian thương… Như vậy là không đúng. Những doanh nhân chân chính khác lắm. Đừng nhìn vào kinh doanh theo kiểu chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến những mục tiêu khác.

Tôi cho rằng, muốn quốc gia hùng mạnh, độc lập, có tầm ảnh hưởng thế giới thì phải kiến tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp và nuôi dưỡng tinh thần này. Và điều này phải đưa vô chính sách quốc gia và hệ thống giáo dục quốc gia.

* Và ông nghĩ, khi nào ước mơ của ông sẽ thành hiện thực?

- Tôi nghĩ, nếu làm giỏi cũng phải mất 20 năm. Và một khi thế hệ tôi vẫn chưa làm được thì sẽ có nhiều thế hệ kế tiếp thực hiện. Vì, người khác làm được thì ta làm được, nước khác làm được thì Việt Nam làm được và còn làm tốt hơn thế. Khi cùng nhau, không gì là không thể!

* Xin cảm ơn ông và chúc cho giấc mơ về một Việt Nam hùng mạnh sẽ thành hiện thực!

Nguồn Trung Nguyên