Hành trình 10 năm G7 – Bản đồ dẫn lối thành công
Vào những năm đầu thế kỷ 21, tại Việt Nam – một quốc gia vẫn còn thuần nông và đang hướng đến xây dựng nền kinh tế công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trong bối cảnh các thương hiệu toàn cầu đã đến đây từ trước đó và bành trướng thế lực của mình, hàng hóa của họ len lỏi xâm lấn ở hầu hết các ngõ ngách khiến cho những mặt hàng do chính những người Việt sở hữu vốn con non trẻ, yếu ớt không có nhiều cơ hội để cạnh tranh trực tiếp, hoặc luôn là lựa chọn sau cùng, hoặc là mặt hàng dành cho tầng lớp bình dân không có điều kiện.
Cà phê Trung Nguyên – một trong những thương hiệu Việt lúc bấy giờ vẫn còn non trẻ về tuổi đời, non yếu về kinh nghiệm và nhỏ nhoi về tiềm lực tài chính, nhưng với khát vọng, tính sáng tạo, lòng quả cảm cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng đã dám đối mặt với đối thủ là thương hiệu toàn cầu đã có mặt ở Việt Nam hơn 100 năm. Lúc đó, cộng đồng truyền thông đã ví von cuộc chiến này là một cuộc chiến không cân sức giữa người tí hon và gã khổng lồ. Nghiễm nhiên, họ cho rằng đây là cuộc chiến mà chiến thắng chắc chắn thuộc về kẻ mạnh.
Tuy nhiên, với sức mạnh nội lực cộng với khát vọng vươn lên, cà phê hòa tan G7 nhanh chóng chiếm thị phần cao trong phân khúc cà phê hòa tan, được người dùng ưa thích và tin dùng. G7 vươn ra thế giới và có mặt tại các siêu thị lớn của hơn 60 quốc gia, là sản phẩm tiêu biểu được quốc gia lựa chọn phục vụ trong các sự kiện trọng đại mang tầm quốc tế như hội nghị thượng đỉnh WEF, ODA,Asem…. Cuối năm 2011, cà phê G7 chính thức vươn lên đứng đầu thị phần tại Việt Nam sau 8 năm ra đời.
Điều gì đã giúp G7 có được thành công vượt bậc, điều gì đã khiến cho một thương hiệu toàn cầu gần trăm năm tuổi từ thái độ thờ ơ coi thường đã nhanh chóng tập hợp tất cả các nguồn lực và sức mạnh, thậm chí đi thuê các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để nghiên cứu sản phẩm G7 để tìm ra công thức thành công? Điều gì đã biến G7 trở thành một biểu tượng của tinh thần không gì là không thể, biến cái không có thành hiện thực?
“Nếu bạn có khát vọng và niềm tin vào sự thành công là bạn đã đạt được 50% của thành công, 50% còn lại phụ thuộc vào những gì bạn tích góp được trên đường đời”, đó là lời phát biểu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Giám đốc Công ty Trung Nguyên – lúc khơi mào cuộc chiến.
Trung Nguyên với khát vọng mạnh mẽ, quyết tâm cao độ và niềm tin không thể lay chuyển vào thành công. Những người lãnh đạo cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi và tìm ra bí quyết không thể sao chép cho sản phẩm cà phê rang xay đặc biệt. Song song đó, với phương thức tiếp cận khách hàng độc đáo đầy tính sáng tạo, cà phê Trung Nguyên nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc và được cộng đồng yêu mến.
Không muốn dừng lại với dòng sản phẩm đặc trưng mang tính địa phương và chỉ cạnh tranh với các thương hiệu địa phương, lúc bấy giờ doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ xưởng cà phê Trung Nguyên và cộng sự đã ngày đêm nghiên cứu nhằm tìm ra năng lực cốt lõi để thực hiện khát vọng toàn cầu.
Ông đã tìm ra năng lực cạnh tranh theo từng cấp độ: Năng lực cạnh tranh quốc gia đối với quốc tế chính là Cà Phê; Năng lực cạnh tranh cốt yếu của tỉnh Đắk Lắk là Cà phê Buôn Ma Thuột; Năng lực cốt yếu của Trung Nguyên là Đam mê và Sáng tạo để từ đó, chỉ với số với máy móc vẫn còn thô sơ, nhà xưởng nhỏ hẹp ông đã tập trung mọi sức mạnh hiện có của mình để cho ra đời sản phẩm cà phê hòa tan mang tên G7. Ngoài ra, sự sáng tạo cộng với sự am tường địa phương khi đưa các bí quyết Phương Đông về văn hóa, truyền thống, sinh hoạt…tích hợp vào sản phẩm, không chỉ giúp điều hòa âm dương mà còn giúp mạnh khỏe cả về thể lực, trí óc, tinh thần.
“Một ý tưởng hay quyết định đời người”
Khi đã xác lập được mục tiêu và tìm thấy năng lực cốt lõi để thực hiện khát vọng, điều tiếp theo cần thiết chính là lập nên một kế hoạch khả thi và những chương trình, hoạt động thu hút được sự quan tâm của đối tượng tiêu dùng. Thời đó, chỉ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá thô sơ, nhân sự ít ỏi, sự phổ biến về sản phẩm chưa rộng khắp, để đối đầu với một Tập đoàn toàn cầu, một câu hỏi lớn được đặt ra: Làm sao để có kế hoạch chiến thắng khả thi? Trước tình hình đó Đặng Lê Nguyên Vũ và cộng sự đã nghiên cứu khá nhiều bài học lịch sử, thực tiễn thị trường, sự chia sẻ của nhiều giới tinh hoa …Trong số đó là bài học áp dụng “Chiến tranh nhân dân”, sử dụng cộng đồng làm nền tảng & có các bước đi hợp lý : Từ Không đến Có – Từ rộng tới sâu; Lấy Yếu thắng Mạnh – Lấy ít địch nhiều; Từ Miền núi xuống Đồng Bằng – Từ Nông thôn lên Thành Thị – Từ Việt Nam ra quốc tế.
“Không có sáng tạo, không có thành công”
Cuộc chiến bắt đầu diễn ra vào ngày 23/11/2003 tại Dinh Thống Nhất với chiến dịch thử mù diện rộng có sự tham gia của hàng chục nghìn người giữa G7 và đối thủ nặng ký. Ngoài sức tưởng tượng, G7 đã giành chiến thắng vẻ vang với tỷ lệ lựa chọn chiếm đến 89% so với 11% của đối thủ. Mặc dù đây là điều không ai tiên lượng, giới chuyên môn cũng tỏ ra bất ngờ nhưng họ cũng nhanh chóng tỏ ra hoài nghi với một sản phẩm vừa tung ra thị trường trước đó không lâu. Gã khổng lồ tỏ ra thờ ơ và cho rằng trận chiến bại kia chỉ là ngoại lệ. Tuy nhiên, đó là điểm đầu tiên đánh dấu cho những bước dài thành công của G7 trên con đường chinh phục người tiêu dùng.
Hiện tại, khi đã trở thành sản phẩm cà phê hòa tan đứng đầu thị trường Việt Nam, G7 không chỉ phát triển mở rộng mà còn phát triển về chiều sâu thông qua những hoạt động bên ngoài dành cho những người tiêu dùng sản phẩm. Theo nghiên cứu thị trường cho thấy 3 đối tượng thường xuyên sử dụng Cà phê G7 bao gồm: những người yêu nước – luôn ưu tiên chọn thương hiệu Việt khi tiêu dùng sản phẩm, những người tri thức – cần năng lượng để khơi dậy tiềm năng sáng tạo, những người hoạt động mạnh mẽ – cần năng lượng để bù đắp phần năng lượng tiêu hao và phát huy khả năng con người. Hiểu rõ đối tượng tiêu dùng, am tường địa phương cũng như nung nấu bao khát khao cháy bỏng, G7 mang trong mình sứ mệnh phát triển tương lai không chỉ riêng khẳng định vị thế của mình mà còn vì một tương lai phát triển bền vững thông qua những chương trình, hành động thiết thực như: Hành trình vì khát vọng Việt, 100 triệu cuốn sách hay Cùng Trung Nguyên tôi chúc Việt Nam…
“Khi cùng nhau, không gì là không thể”
Không lâu sau ngày chính thức khơi mào cuộc chiến tại Dinh Thống Nhất, với mục tiêu phụng sự cộng đồng, trong hành trình của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ và cộng sự luôn luôn xem sự hỗ trợ, ủng hộ từ cộng đồng cùng với sự kết nối chuỗi giá trị cà phê, kết nối toàn cầu, kết nối mọi giới đóng vai trò không thể thiếu để cà phê hòa tan G7 nhanh chóng chiếm thị phần cao trong phân khúc cà phê hòa tan, khiến ai ai cũng yêu thích mùi hương không thể chối từ của G7 và dần chinh phục được những thị trường khó tính hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hơn hết là khát khao vươn lên của một nhóm nhỏ đã đưa sản phẩm trở thành biểu tượng của Việt Nam khi G7 là sản phẩm tiêu biểu được quốc gia lựa chọn phục vụ trong các sự kiện trọng đại mang tầm quốc tế như hội nghị thượng đỉnh WEF, ODA, ASEM hay xuất hiện độc quyền trên các chuyến bay của Vietnam Airline…
Trong hành trình G7, không tự mãn trước thành công hiện tại mà những người sản xuất luôn cố gắng cải tiến sản phẩm một cách tích cực hơn để đáp ứng sự thay đổi gu thưởng thức liên tục của khách hàng. Với nhịp độ bình quân mỗi năm cho ra đời 3 nhãn hàng và hàng chục mẫu mã cà phê mới giúp đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đó luôn là thách thức khó khăn mà nhãn hàng G7 nói riêng và Trung Nguyên nói chung vẫn đang duy trì thực hiện.
Con đường đưa một thương hiệu Việt Nam như G7 đi xa sẽ là con đường đơn độc và gặp nhiều khó khăn nếu không có sự chung tay của người tiêu dùng, giới truyền thông, giới tinh hoa trí thức và cộng đồng những người yêu và đam mê cà phê. Với tuổi đời non trẻ 10 năm trong hành trình 17 năm của Trung Nguyên những con người Trung Nguyên với khát vọng cháy bỏng, tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, tinh thần chiến binh đã không ngừng thực hiện những ý tưởng đột phá, mới mẻ, thách thức mọi khó khăn đã đưa G7 tiếp tục giữ vững vị thế của mình, trở thành một điển hình tiêu biểu của thương hiệu Việt trong cuộc chiến không cân sức với các thương hiệu toàn cầu. Hành trình thành công của G7 vẫn đang tiếp tục với mục tiêu trước mắt là thị trường rộng lớn Hoa Kỳ và trở thành thương hiệu toàn cầu vào một ngày không xa…
Chúng tôi làm được - Các bạn sẽ làm được