2013: Còn đó những anh cả

Có những doanh nghiệp Việt đã có một năm 2013 rực rỡ, với những thành tích có thể nói là diệu kỳ.

Kinh tế Việt Nam năm 2013 đã khép lại với tăng trưởng GDP ước tính khoảng 5,42%, tuy không đạt kế hoạch mục tiêu đề ra là 5,5% song đã cao hơn năm 2012. Những người lạc quan cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã vượt đáy, bắt đầu quá trình hồi phục. Trong khi đó, đối với cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin dường như vẫn chưa thể trở lại khi môi trường kinh doanh, chính sách và điều hành vĩ mô chưa có sự cải thiện nhiều. Tuy nhiên, trong những bộn bề trước ngưỡng cửa 2014 của doanh nghiệp, câu chuyện mà chúng tôi muốn nhắc đến không phải là một sự u ám. Thực tế đã cho thấy rằng, nền kinh tế vẫn còn nhuốm màu đen, nhưng không phải mọi con đường đều bị bịt kín.

Công nghệ: FPT trở lại

2013 có thể nói là năm đầy sóng gió đối với tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, FPT. Tập đoàn này đã chịu tác động lớn từ chuyển giao lãnh đạo đến thay đổi của cổ đông lớn. Tuy vậy, với nhiều hợp đồng lớn ký kết vào cuối năm, đặc biệt là các hợp đồng đến từ 2 thị trường trọng điểm Nhật và Singapore, ông Trương Gia Bình và các cộng sự nhìn chung đã có một năm chèo lái con tàu FPT về đích đúng hẹn (FPT xếp vị trí 28 trong Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam do NCĐT bình chọn).

Số liệu lũy kế trong 11 tháng đầu năm 2013 cho thấy FPT đã đạt 24.927 tỉ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 93% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.200 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, với tốc độ tăng trưởng này, FPT được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 27.975 tỉ đồng, vượt 4% so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Đạt được thành tích này là điều hoàn toàn không dễ đối với đội ngũ lãnh đạo của FPT khi trong năm qua con tàu chứa 15.000 con người này đã nhiều lúc chòng chành trước sóng lớn.

Đó là vào đầu tháng 9, một trong những cổ đông lớn nhất của FPT là Orchid Capital Investment của tỉ phú Richard Chandler bất ngờ thoái toàn bộ hơn 29 triệu cổ phiếu, tương đương 10,65% vốn điều lệ của FPT. Và trước đó, vị trí Tổng Giám đốc (CEO) của Tập đoàn cũng được chuyển giao cho một công thần thuộc thế hệ F1, ông Bùi Quang Ngọc, một động thái cho thấy FPT vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm thế hệ lãnh đạo trẻ và năng động hơn.

Tuy vậy, trong cái rủi có cái may, việc Orchid thoái vốn khỏi FPT không những không làm doanh thu FPT bị ảnh hưởng mà trái lại, cổ đông thay thế vị trí của Orchid là một trong những quỹ đầu tư quốc gia thuộc dạng tầm cỡ thế giới: GIC. Với sự có mặt của GIC, vốn thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore, dường như vị thế của FPT tại thị trường đặc biệt quan trọng này đã được nâng lên khá nhiều. Bằng chứng là chỉ 1 tháng sau, công ty con FPT Software đã giành được hợp đồng trị giá gần 1 triệu đô-la Singapore cho một dự án của Chính phủ nước này.


Đó là những tín hiệu tốt cho FPT để bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới với tham vọng lớn hơn nhiều so với quá khứ. Trong chu kỳ tăng trưởng mới này, FPT đã đặt cược vào 3 công nghệ thời thượng là đám mây (cloud), công nghệ di động (mobility) và dữ liệu lớn (big data) để vươn tới tầm thế giới. Đội ngũ của ông Trương Gia Bình muốn đạt cột mốc 2 tỉ USD doanh thu trong 3 năm tới và lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu thế giới vào năm 2024.

Khả năng vượt thử thách của FPT thật khó để có thể nói trong một vài câu ngắn gọn, bởi quá trình phát triển của FPT là cả một chặng đường dài từ trước đó. Tuy nhiên, có thể tạm đúc kết điều họ đã làm được bằng lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trương Gia Bình tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2014 – 2015: Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?”: “Chỉ khi doanh nghiệp có tư duy bền vững, xây khả năng cạnh tranh trên những gì mình có và trên chính đam mê của mình thì mới có thể vững vàng trước thử thách. Càng khó, bản lĩnh càng cần phải sáng. Và muốn đi đường dài thì hãy tập trung vào nền tảng”.

Một từ nền tảng nghe rất đơn giản, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng xây dựng được. Theo giới quản trị, nền tảng của một công ty được chống đỡ bởi 3 cột trụ chính: Hệ thống, Hoạt động kinh doanh và Nguồn lực. Và một công ty gọi là vững mạnh thì cả 3 chân đều phải vững chắc, vì 3 chân này không đứng độc lập mà tác động qua lại.

Công nghiệp: Hiện tượng Hoa Sen

Cũng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ có nền tảng tốt, nhưng theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen, sự tăng trưởng mạnh mẽ của họ là dựa trên nền tảng của chuỗi 5 lợi thế cạnh tranh cốt lõi. Đó là quy trình sản xuất kinh doanh khép kín, tạo ra các sản phẩm chất lượng quốc tế với chi phí thấp nhất. Thứ hai là hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; là thương hiệu mạnh, thân thiện và hướng đến cộng đồng. Ngoài ra, theo ông Vũ, hệ thống quản trị và văn hóa doanh nghiệp đặc thù, cùng với sự tiên phong trong đầu tư công nghệ mới cũng tạo ra lợi thế cho Hoa Sen.

Chính những nền tảng này đã giúp Hoa Sen hoàn thành niên độ tài chính 2012 - 2013 vững vàng ở vị thế số một trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tôn mạ tại Việt Nam với trên 40% thị phần. Năm 2013, doanh thu của tập đoàn này đạt 11.772 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 580 tỉ đồng, tăng gần 60% so với niên độ trước và vượt kế hoạch 45%.

Bên cạnh những lợi thế cốt lõi, có thể thấy rằng một chiến lược quan trọng tạo ra mức tăng trưởng trên chính là xuất khẩu. Năm 2013, mảng xuất khẩu chiếm 45% tổng doanh thu của Tập đoàn.

Theo ông Vũ, chiến lược này nhằm tăng cường đầu ra cho hoạt động sản xuất, cũng như hạn chế ảnh hưởng của việc sụt giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2014.

Tham vọng của Hoa Sen còn lớn hơn nữa khi họ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, một trong những dự án có quy mô lớn nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực tôn thép. Trước mắt, dự kiến một loạt dây chuyền sản xuất của nhà máy này sẽ lần lượt đi vào hoạt động trước tháng 9.2014.

Vinamilk đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3.354 tỉ đồng trong tổng doanh thu 23.369 tỉ đồng, tương đương hơn 14%.

Tiêu dùng: Vinamilk, Masan vững tiến

Chiến lược hướng ngoại của Hoa Sen có lẽ là điều tất yếu trong thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối cùng của rất nhiều những hiệp định thương mại quốc tế, mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Hội nhập là điều chắc chắn; các ông chủ doanh nghiệp Việt chỉ có thể lựa chọn tư thế hội nhập như thế nào: chủ động hay bị động.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao trong năm qua Vinamilk, ông lớn của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam (xếp vị trí thứ hai trong Top 50), đẩy mạnh hơn bao giờ hết các hoạt động thương mại cũng như đầu tư ra nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Vinamilk đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3.354 tỉ đồng trong tổng doanh thu 23.369 tỉ đồng, tương đương hơn 14%.

Các khoản đầu tư nước ngoài cũng liên tục được Vinamilk công bố. Công ty này vừa tăng vốn đầu tư từ 12,5 triệu đô-la New Zealand lên 14,4 triệu đô-la New Zealand, tương ứng 19,3% vốn cổ phần của dự án Công ty Miraka Limited tại New Zealand. Tổng vốn đầu tư của nhà máy này hiện ở mức 148 triệu đô-la New Zealand. Mới nhất, Vinamilk cũng tuyên bố sẽ chi 7 triệu USD để mua cổ phần công ty sữa của Mỹ là Driftwood Dairy nhằm mở rộng thị phần tại đây từ năm 2014.

Không chỉ nhắm vào các thị trường phát triển, có truyền thống tiêu dùng sữa, Vinamilk cũng cho thấy một hướng đi mới khi công bố giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Angkor Dairy Products có vốn đầu tư trên 420 tỉ đồng tại Campuchia, trong đó Vinamilk nắm giữ 51% cổ phần.

“Trong kinh doanh, nếu ngừng lại và thấy thỏa mãn tức là đang thụt lùi”, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, nói.


Một ông lớn khác trong ngành hàng tiêu dùng là Masan Consumer (đứng thứ 35 trong Top 50) cũng đã có một năm 2013 khá mỹ mãn, với nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Dù lợi nhuận từ công ty liên kết là Ngân hàng Techcombank giảm đến 84% nhưng công ty mẹ Masan vẫn có thể yên tâm nhờ kết quả kinh doanh khả quan đến từ hoạt động chính là hàng tiêu dùng. Trong năm qua, Masan vẫn tiếp tục theo đuổi câu chuyện tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt là tập trung xây dựng nền tảng cho ngành hàng đồ uống.

Tháng 7.2013, Masan công bố cơ cấu quản lý mới qua việc thành lập Masan Consumer Holding gồm 2 công ty con là Masan Consumer và Masan Consumer Ventures. Masan Consumer sẽ tiếp tục nắm giữ các hoạt động cốt lõi như mì ăn liền, gia vị, cà phê, nước khoáng. Trục còn lại sẽ nắm giữ các khoản đầu tư vào nông nghiệp và sản phẩm bia. Sự thay đổi này giúp Masan dễ dàng tập trung nguồn lực cho lĩnh vực hàng tiêu dùng mà họ đang gặt được nhiều quả ngọt.

Báo cáo tài chính quý III/2013 của Masan cho thấy, doanh thu của ngành hàng gia vị đã tăng đến 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở lĩnh vực mì gói, thị phần của Masan tăng lên mức 30% (gần 10% trong riêng quý III/2013) nhờ tung ra các phẩm mới phủ kín tất cả các phân khúc. Ngành hàng mới là cà phê cũng đạt mức tăng trưởng 8%.


Khai phá và chiếm lĩnh thị trường đồ uống đang được Masan xác định là mục tiêu trọng tâm trong năm 2014.nhờ tung ra các phẩm mới phủ kín tất cả các phân khúc. Ngành hàng mới là cà phê cũng đạt mức tăng trưởng 8%.

Mới đây, Masan đã thành lập bộ phận chuyên biệt cho ngành hàng đồ uống là Masan Beverage với nhiều nhân sự giàu kinh nghiệm trong ngành. Sở hữu phần lớn cổ phần ở 2 tên tuổi đầu ngành là Vinacafe Biên Hòa và Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan sẽ kết hợp với hệ thống phân phối rộng lớn hơn 176.000 điểm bán để khuynh đảo thị trường này. Khai phá và chiếm lĩnh thị trường đồ uống đang được Masan xác định là mục tiêu trọng tâm trong năm 2014.

Xuất khẩu: Cú lội ngược dòng của Minh Phú

Bên cạnh câu chuyện về những doanh nghiệp thành công bất chấp giai đoạn khủng hoảng, năm 2013 cũng chứng kiến những nỗ lực “vượt lên số phận” của những ông chủ doanh nghiệp trong các ngành ít thuận lợi hơn. Minh Phú là một trường hợp như vậy.

Năm 2013, doanh thu của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú đạt 520 triệu USD, bằng doanh thu của 5 công ty trong top đầu ngành tôm cộng lại, tăng trưởng đến 40% so với năm 2012. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Văn Quang đã không giấu tham vọng phấn đấu đạt 1 tỉ USD vào năm 2020.

Bản thân ông Quang cũng thừa nhận con số doanh thu này là một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục bởi chỉ một năm trước tình hình kinh doanh của Minh Phú hết sức khó khăn. Đối tác xuất khẩu bị phá sản, hàng bị trả lại không có đầu ra, một phần tôm nguyên liệu gặp dịch bệnh chết hàng loạt, doanh thu giảm nghiêm trọng.

Năm 2013, rút kinh nghiệm dịch bệnh năm trước, Minh Phú quyết định giảm ao nuôi, tăng nhập khẩu tôm nguyên liệu với giá rẻ hơn và thu mua từ nông dân về chế biến. Ông Quang cũng nhanh chóng giải quyết bài toán đầu ra bằng cách đi tìm khách hàng mới tại châu Âu và kết nối với khách hàng Nhật.

Để tạo mối liên kết sâu hơn với thị trường Nhật, đồng thời tăng vốn để phát triển, Minh Phú đã phát hành cổ phiếu và bán 30% vốn của công ty con là Minh Phú Hậu Giang cho Công ty Mitsui của Nhật. “Chỉ từ nguồn vốn của Nhật, Minh Phú đã yên tâm đầu tư vào những chiến lược hiện tại và sắp tới”, ông Quang nói.

Bất động sản: VinGroup bội thu

Trong khi đó, với lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn VinGroup (đứng thứ 22 trong Top 50) là trường hợp điển hình nhất của sự “miễn nhiễm” với khủng hoảng. Đầu tiên là sự kiện khai trương Royal City, trung tâm thương mại dưới lòng đất lớn nhất châu Á. Dù kinh tế đìu hiu, khu trung tâm thương mại hạng sang rộng mênh mông của ông Phạm Nhật Vượng vẫn đông nghịt khách và trở thành một điểm sáng hiếm hoi với thị trường bất động sản phía Bắc. Mới đây, VinGroup lại tiếp tục khai trương Vincom Mega Times City, siêu trung tâm thương mại thứ hai trong chuỗi hệ thống Vincom Mega Mall.

Không chỉ khai trương liên tục nhiều dự án khủng, trong lúc các doanh nghiệp bất động sản nợ đầm đìa thì kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của VinGroup đã gây choáng váng với lãi sau thuế hơn 6.000 tỉ đồng, tăng 311% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả đối với tập đoàn bất động sản này. Kể từ khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, doanh nghiệp luôn đói vốn thì tháng 10.2013, VinGroup công bố đã hoàn thành việc đàm phán và ký kết hợp đồng vay hợp vốn quốc tế trị giá 100 triệu USD. Với khoản vay này, VinGroup trở thành công ty bất động sản đầu tiên tại Việt Nam tiếp cận thành công thị trường cho vay hợp vốn quốc tế. Trước đó, VinGroup cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi quốc tế, huy động 100 triệu USD vào năm 2009. Năm 2012, một lần nữa VinGroup tiếp cận thành công thị trường trái phiếu chuyển đổi với đợt phát hành trị giá 300 triệu USD.

Tập đoàn của ông Vượng cũng là một trong những doanh nghiệp bất động sản hiếm hoi được các tổ chức quốc tế rót vốn trong năm qua. Tháng 5.2013, Quỹ Đầu tư Warburg Pincus ký thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD mua 20% cổ phần của Vincom Retail, công ty sở hữu, quản lý và phát triển danh mục trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

“Sự thành công trong lần huy động vốn này đã khẳng định sự sẵn sàng hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế dành cho các công ty hoạt động hiệu quả ở Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinGroup, nói.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư