CEO McDonald’s đến tìm hiểu thị trường Việt Nam

Đến Việt Nam nhân sự kiện McDonald’s Đa Kao trở thành cửa hàng thứ 10.000 trong chuỗi cửa hàng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi (APMEA), ông Don Thompson, Chủ tịch và là Tổng giám đốc điều hành (CEO) cho biết mình đã đến Việt Nam để nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường này trước khi mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên.

Ông Don Thompson đã dành nửa tiếng đồng hồ để trao đổi với báo giới về lần quay trở lại Việt Nam này.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên ông đến Việt Nam, mà trước đó đích thân ông đã bay đến Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu về thị trường này cho các quyết định của mình?

- Ông Don Thompson: Lần gần đây nhất đến Việt Nam, tôi đã dành ra 5 ngày ở TPHCM và một vài nơi nữa ở Việt Nam để tìm hiểu nhiều thứ. Tôi dựa vào các nghiên cứu, dữ liệu khác nhau, từ kinh tế vĩ mô cho đến các nghiên cứu về nhận diện thương hiệu, khả năng người tiêu dùng chi trả cho các sản phẩm của McDonald’s…

Ông Don Thompson. Ảnh: Phạm Thái

Trước khi bước vào một thị trường mới, công tác nghiên cứu rất quan trọng. Mặc dù có một đơn vị của tập đoàn chuyên đảm nhận việc nghiên cứu thị trường mới làm điều này nhưng công ty nhận quyền ở Việt Nam là Good Day Hospitality đã có một đội ngũ từ truyền thông, marketing, phát triển dự án… đã làm việc rất tốt và phối hợp với chúng tôi cùng nhìn ra những cơ hội thị trường.

Ông có thể cho biết về kế hoạch mở rộng hệ thống McDonald’s ở Việt Nam?

- McDonald’s vào Việt Nam là để phát triển hệ thống, nhưng cân nhắc và quyết định mở thêm bao nhiêu cửa hàng sẽ do nhóm các nhà quản lý của McDonald’s Việt Nam và của vùng APMEA cùng xem xét và quyết định. Để quyết định mở một nhà hàng mới chúng tôi cần phải xem xét chuỗi cung ứng, tổ chức huấn luyện nhân sự cho đến vấn đề xây dựng nhà hàng đó.

Ông nhận định như thế nào về thị trường Việt Nam?

- Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của chúng tôi, tốc độ tăng trưởng của thị trường tương thích với cơ sở hạ tầng mà chúng tôi phải phát triển để phục vụ khách hàng tốt. Tôi xin khẳng định McDonald’s vào thị trường Việt Nam là để phát triển.

Việc McDonald’s có mặt tại Việt Nam lần này là một sự kiện mang tính biểu tượng, một cột mốc đánh giá việc chúng tôi đã tiến đến những đất nước, thị trường mới, có những khách hàng mới. McDonald’s có xuất phát điểm ở Mỹ, đến nay đã có mặt ở hơn 120 thị trường nhưng ở Việt Nam không có McDonald’s Mỹ mà có McDonald’s Việt Nam, Trung Quốc có McDonald’s Trung Quốc, Malaysia thì có công ty của nước đó điều hành McDonald’s Malaysia.

Kết quả kinh doanh của McDonald’s gần đây có sự sút giảm, đâu là lý do ông lựa chọn vào thị trường Việt Nam vào thời điểm này?

- Nhìn lại những năm cuối thập kỷ 90 là những năm McDonald’s chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và kéo dài đến đầu những năm 2000. Nhưng sau đó chúng tôi nhìn ra vấn đề và quyết định không tập trung vào chiến lược tăng trưởng và mở rộng thị trường, xây thêm cửa hàng nữa mà quyết định tập trung vào củng cố lại những hệ thống cửa hàng đã có để năng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Quyết định này có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tập đoàn. Vài năm gần đây chúng tôi mới mở thêm cửa hàng ở một vài thị trường mới. Nhưng đối với chúng tôi, trải nghiệm của khách hàng tại các cửa hàng McDonald’s như thế nào mới là điều quan trọng nhất.

Có mặt tại sự kiện, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc công ty bánh kẹo ABC cho biết, McDonald’s Việt Nam đã làm việc với ABC về vấn đề cung cấp bánh cho các cửa hàng thuộc hệ thống này. Trong tháng 3 này công ty ông sẽ nhập khẩu dàn dây chuyền thiết bị làm bánh hamburger từ Mỹ để có thể đáp ứng yêu cầu của McDonald’s Việt Nam. Ông Lực cho biết hiện nay công ty ông đang cung cấp toàn bộ lượng bánh hamburger cho các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng ở Việt Nam như KFC, Burger King, Lotteria… Mặc dù vậy, McDonald’s hiện đang đòi hỏi nhà cung cấp bánh này nhiều điều kiện còn ngặt nghèo hơn. Do vậy, công ty ông phải nhập mới dây chuyền thiết bị sản xuất.

Nguồn Kinh Tế Sài Gòn