Tiền chưa mua được người tài

Trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do Anphabe kết hợp với Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen công bố giữa tháng 2.2014, các doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 10%.

Đặc biệt, chỉ có Vinamilk và Vietcombank là 2 đại diện Việt Nam góp mặt trong top 10. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nổi bật khác xuất hiện trong danh sách này là Viettel, Hoa Sen Group, VNG và Techcombank. Có khá nhiều doanh nghiệp lớn trong nước nhưng vẫn chưa lọt được vào bảng xếp hạng nói trên. Vì sao?

Hãy nhìn vào trường hợp của Vinamilk. Đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, Vinamilk là một trong số ít những doanh nghiệp trong nước không những đạt doanh thu khủng mà còn được người lao động đánh giá rất cao ở vai trò nhà tuyển dụng. Năm 2013, công ty này đạt doanh thu hơn 31.000 tỉ đồng, tăng 16,2% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế năm ngoái của Vinamilk cũng đạt hơn 6.400 tỉ đồng, tăng 11,86% so với năm 2012.

Vinamilk là 1 trong 2 đại diện Việt Nam lọt vào top 10 trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.

Không chỉ vậy, Vinamilk còn là nhà tuyển dụng hấp dẫn hàng đầu Việt Nam trong mắt người lao động. Theo khảo sát nói trên, công ty với gần 5.000 nhân viên này được đánh giá cao ở 4 tiêu chí quan trọng gồm lương thưởng phúc lợi, cơ hội thăng tiến, chất lượng lãnh đạo và danh tiếng doanh nghiệp.

Rõ ràng, lương thưởng phúc lợi là một trong số các yếu tố quyết định tạo nên khác biệt trong chính sách nhân sự của doanh nghiệp. Đây cũng là lợi thế thường được các công ty nước ngoài tận dụng để thu hút người tài khỏi các doanh nghiệp trong nước. Ở Vinamilk, công ty này cũng dùng chính sách lương thưởng nhưng để hút người tài từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Từ lâu nay, chính sách thu hút nhân sự tại doanh nghiệp sữa số một Việt Nam này đã hướng đến lực lượng chuyên nghiệp xuất thân từ các công ty đa quốc gia. Đây là những người đã được đào tạo kỹ năng quản trị hiện đại, là sự bổ sung hiệu quả cho nhân sự hiện tại của Công ty. Đương nhiên, để thuyết phục được người giỏi làm cho mình thì lương thưởng và phúc lợi cũng phải tương xứng.

Lương thưởng phúc lợi là một trong số các yếu tố quyết định tạo nên khác biệt trong chính sách nhân sự của doanh nghiệp.

Thu nhập của ban lãnh đạo và người lao động Vinamilk hiện ở mức cao và cạnh tranh so với mặt bằng chung lương thưởng tại Việt Nam. Ví dụ, tiền lương thưởng của thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành công ty này năm 2012 là 56 tỉ đồng. Nếu trừ đi thù lao của hội đồng quản trị ở mức xấp xỉ 4 tỉ đồng thì 8 thành viên ban điều hành có quỹ lương và thưởng lên đến gần 52 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, chương trình phát hành cổ phiếu thưởng ESOP của Vinamilk dù bị phủ quyết 2 lần vào năm 2012 và 2013, nhưng người lao động tại đây vẫn được hưởng lợi từ ESOP trong giai đoạn 2007-2011 khi giá trị cổ phiếu tăng mạnh qua nhiều năm. Khi cạnh tranh trong ngành sữa trở nên gay gắt như hiện nay, rõ ràng việc Vinamilk duy trì chế độ lương thưởng hấp dẫn để thu hút người tài và tăng hiệu suất làm việc của người lao động là điều đáng được khuyến khích.

Không chỉ có lương cao thưởng nhiều, mà chính sách nhân sự ở Vinamilk cũng hướng đến việc xây dựng lực lượng kế thừa cho Công ty. Ngay từ năm 1993, Vinamilk đã ký hợp đồng dài hạn với Đại học Công nghệ Sinh học Ứng dụng Moscow đưa con em cán bộ công nhân viên sang học những ngành chuyên biệt, như công nghệ sữa hay tự động hóa quy trình sản xuất… Ngoài ra, con em cán bộ công nhân viên đậu đại học hoặc đang học tại các đại học chính quy, học lực giỏi, có nhu cầu về làm tại Vinamilk, Công ty cũng sẽ đài thọ chi phí đưa các em sang học chuyên ngành tại Nga.

Bên cạnh việc hỗ trợ con em trong ngành, Vinamilk còn tuyển sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các đại học tại TP. HCM đưa đi học chuyên ngành ở nước ngoài. Thông qua chính sách thu hút nhân tài được thực hiện bài bản, Vinamilk đã không những đào tạo được đội ngũ kỹ sư chuyên ngành sữa giỏi mà còn “vô tình” xây dựng được một thương hiệu nhà tuyển dụng ấn tượng trong mắt người lao động.

Sẽ có ý kiến cho rằng đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như Vinamilk, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng sẽ thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác. Đúng là vậy, nhưng vì sao chỉ có mỗi một mình Vinamilk tạo được ấn tượng đẹp trên thị trường tuyển dụng trong khi Việt Nam không hề thiếu doanh nghiệp đạt doanh thu và lợi nhuận khủng như công ty sữa này?

Theo bà Nguyễn Tâm Trang, Phó Chủ tịch Nhân sự Unilever Việt Nam, công ty đứng đầu danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất do Anphabe và Nielsen công bố, thì doanh nghiệp đạt doanh thu và lợi nhuận cao không hề đồng nghĩa với việc sở hữu thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh.

“Đúng là những công ty lớn sẽ có lợi thế về mặt truyền thông, nhưng khá nhiều trong số đó đã không lọt vào danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam lần này. Điều này cho thấy tài chính chưa phải là yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng. Điều quan trọng nhất là tâm huyết của những người lãnh đạo trong việc tạo ra môi trường tốt nhất cho người lao động. Đối với doanh nghiệp quy mô còn khiêm tốn, khó dàn trải ngân sách, hãy xác định lợi thế của mình để có thể tập trung đầu tư và thu hút nhân tài một cách hiệu quả nhất”, bà Trang chia sẻ.

Trên thực tế, thương hiệu nhà tuyển dụng là một khái niệm còn khá mới mẻ và không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn nhận được tầm quan trọng của việc này.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư