Asus và cuộc chơi smartphone

Mặc dù Asus tiết lộ sẽ tham gia sân chơi smartphone từ trước đó nhưng phải đến đầu năm 2014, tại triển lãm điện tử tiêu dùng diễn ra tại Mỹ, những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của hãng mới xuất hiện. Trong khi giới công nghệ bàn tán, đánh giá và dành nhiều thiện cảm cho sản phẩm mới của Asus, thì vị Chủ tịch Jonney Shih lại phát đi thông điệp mới tới các nhân viên: “Thay đổi hay là chết”.

Smartphone hay là chết?

Asus đạt tổng doanh thu 1,33 tỉ USD trong tháng 12/2013, góp phần làm tổng doanh thu quý 4/2013 tăng 6,28% so với cùng quý năm 2012, lập kỷ lục mới về doanh thu quý. Tại Việt Nam, Asus là một trong hai thương hiệu máy tính xách tay tiêu dùng có thị phần lớn nhất năm 2013 (chiếm 20,4% tính theo doanh số bán ra). Về máy tính bảng, Asus cũng nằm trong top 2 tablet Android trên thị trường (chiếm 13,2% thị phần). Đại diện của Thế Giới Di Động cho biết, doanh thu từ việc bán các sản phẩm của Asus tại hệ thống siêu thị này trong năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014 cũng rất khả quan, liên tục tăng trưởng cao hơn thời điểm trước. Hiện Asus vẫn là công ty điện tử với sản phẩm chủ lực là các dòng máy tính. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường máy tính cá nhân trên toàn cầu đã có những chuyển biến không mấy tích cực. Theo hãng nghiên cứu IDC, doanh số máy tính cá nhân trên toàn cầu trong quý 3/2013 đã sụt giảm tới 9,5% so với cùng kỳ năm 2012 và là quý sụt giảm thứ 6 liên tiếp. Một số tên tuổi lớn như Sony đã phải bán đi bộ phận sản xuất máy tính do không thể kinh doanh hiệu quả.

Đối thủ đồng hương của Asus là Acer cũng đang phải “vật vã” với cuộc sinh tồn của mình khi doanh số liên tục sụt giảm. Cụ thể, quý 4/2013 hãng này đã phải chịu khoản lỗ hoạt động là 274,39 triệu USD, trong đó bao gồm 44 triệu USD tiền lỗ và các chi phí liên quan đến lượng nguyên vật liệu còn tồn kho. Đây đã là quý thứ ba liên tiếp hãng sản xuất máy tính Đài Loan không có lợi nhuận. Trong bối cảnh chung đó, muốn tồn tại Asus cần phải tìm ra cho mình một hướng đi mới và smartphone chính là sân chơi lý tưởng nhất. Tín hiệu vui cho Asus là bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của ngành smartphone trên toàn cầu vẫn đạt trung bình khoảng 40%/năm (theo PhoneArena). Thế nhưng đối thủ lớn từ Trung Quốc là Lenovo sau khi liên tục sụt giảm doanh số ở mảng máy tính cá nhân cũng nhảy vào sân chơi smartphone này. Lenovo đã bỏ ra 2,91 tỉ USD để thâu tóm Motorola Mobility từ Google (năm 2013) và đang kỳ vọng sẽ bán được 50 triệu smartphone trong năm tài chính 2013 (kết thúc vào cuối tháng 3/2014), tăng 67% so với năm ngoái.

Kỳ vọng top 3

Asus bày tỏ tham vọng sẽ nằm trong Top 3 thương hiệu smartphone Android tại Việt Nam, nhanh chóng chiếm 10% thị phần ngay trong năm đầu tiên có mặt trên sân chơi này. Theo nguồn tin riêng của Doanh Nhân, sẽ có khoảng 400.000 sản phẩm được đưa ra thị trường Việt Nam ngay trong đợt bán hàng đầu tiên. Kế hoạch của Asus là sẽ đưa smartphone đến hơn 2.000 cửa hàng, đại lý trên khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước ngay trong quý đầu tiên. Để đạt được mục tiêu đó, ông Jeff Lo, Tổng Giám đốc Asus Việt Nam cho biết, hãng đã mất 2 năm để triển khai dự án di động. Việc đầu tiên là hoàn thành sản phẩm, sau đó được thẩm định bởi các nhà mạng chuyên nghiệp như AT&T. Trước đó, từ năm 2003 nhà sản xuất máy tính này đã bắt đầu dự án điện thoại bằng việc hợp tác với Garmin Ltd. để cho ra mắt chiếc điện thoại Android Garmin – Asus Nuvifone A10. Gần đây, Asus đã thử nghiệm với sản phẩm Padfone (kết hợp máy tính bảng với chức năng smartphone cho người dùng). Tại Việt Nam, Thế Giới Di Động là đơn vị duy nhất được Asus lựa chọn để bán thử sản phẩm này. Theo đại diện của đơn vị này, Padfone mặc dù chưa tạo được đột phá nhưng đã bắt đầu có sự tăng trưởng.

Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, sẽ là thị trường trọng tâm của Asus trong việc phát triển smartphone và đại diện công ty tiết lộ, mức giá ở Việt Nam sẽ thấp hơn so với các nước khác để phù hợp với túi tiền của người dùng.

Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, sẽ là thị trường trọng tâm của Asus trong việc phát triển smartphone và đại diện công ty tiết lộ, mức giá ở Việt Nam sẽ thấp hơn so với các nước khác để phù hợp với túi tiền của người dùng. Mục tiêu của Asus trong giai đoạn đầu khi tham gia sân chơi này không phải doanh thu mà là chiếm thị phần. Do đó, những chiến dịch marketing tại các điểm bán hàng, trên mạng xã hội sẽ được đầu tư phát triển. Đối với các đại lý, Asus sẽ tận dụng khu vực bán hàng đã có của thương hiệu này và áp dụng chính sách kiểm soát giá bán lẻ đến người tiêu dùng (tức các đại lý trong hệ thống sẽ phải thống nhất áp dụng mức giá bán lẻ đề xuất để có sự cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại mọi trên cả nước).

Cơ hội nào cho Asus?

Chiến lược của Asus là vậy, nhưng hãng điện tử này có đạt được mục tiêu đề ra hay không là một câu chuyện khác. Đại diện một số siêu thị điện thoại lớn tại Việt Nam khi được hỏi đều nhận định, các sản phẩm của Asus ban đầu khi ra mắt sẽ tạo được hiệu ứng tốt do giá thành vừa phải, máy có cấu hình cao và nhiều tính năng. Hãng nghiên cứu thị trường GFK dự báo, trong năm 2014 thị trường smartphone Việt Nam sẽ có thêm 14,2 triệu người dùng mới và đây chính là cơ hội cho Asus. Trên thực tế, miếng bánh smartphone không thực sự dễ ăn với những người đến sau như Asus, bởi theo công ty phát triển trình duyệt web Opera, Samsung vẫn đang là bá chủ tại thị trường smartphone Việt Nam (chiếm khoảng 27% thị phần), kế tiếp là Sony (16%). Nokia đang nuôi tham vọng tái chiếm thị trường này, với việc sản xuất hàng loạt các thiết bị chạy hệ điều hành Window Phone và đặc biệt đã cho ra mắt smartphone Android. Với ưu thế của mình, các chuyên gia nhận định Nokia hoàn toàn có thể cạnh tranh với LG, HTC để vươn lên vị trí top 3.

Ông Đặng Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng điện thoại của Thế Giới Di Động, nhận định ngay trong thời điểm ban đầu ra mắt Asus chưa thể tác động nhiều đến thị trường. “Asus sẽ lấn sân những sản phẩm cùng phân khúc của các hãng điện thoại Trung Quốc đang kinh doanh hiện nay”, ông Hiểu Em nhấn mạnh. Cùng quan điểm này, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống siêu thị Mai Nguyên cho rằng, Asus có cơ hội vươn lên nhưng cuộc cạnh tranh trên thị trường smartphone hiện nay giữa các tên tuổi lớn đang diễn ra hết sức gay gắt, nên khả năng vươn lên Top 3 smartphone Android của Asus rất khó xảy ra. Theo ông Nguyên, hiện nay tại hệ thống siêu thị này tất cả các dòng sản phẩm Nokia vẫn đang bán chạy nhất (chiếm 21%), tiếp theo là HTC (17%), Samsung và Sony (8%), Apple (7,5%).

Muốn đạt được mục tiêu lọt vào Top 3, ông Hiểu Em cho rằng Asus cần có chính sách marketing – truyền thông dài hạn cho mảng mobile để tạo sự nhận biết của khách hàng, kèm theo đó là giá thành hợp lý nhiều chính sách hậu mãi và ưu đãi tốt.

Nguồn Doanh Nhân Online