Thương hiệu của nước

Thương hiệu của nước

Ngày 22/3 hằng năm là Ngày Nước thế giới (World Water Day) cũng chính là động lực để các doanh nghiệp hướng đến nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá.

Nếu bạn hay tưởng tượng thì giờ là lúc chứng kiến những điều mình tưởng tượng đã trở thành hiện thực. Đó là việc những nhà máy hoàn toàn không có nước thải công nghiệp, những khối nước bẩn, độc hại nay có thể tái sử dụng 100% để tưới cây, thậm chí để uống...

Xin nhắc lại là 100% chứ không phải 90%! Thăm nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao, ngoài ấn tượng về sự hiện đại của nhà máy sản xuất, kiểm tra thử chip hiện đại, khách còn ấn tượng với những thảm cỏ, hàng cây xanh mướt đi cùng hệ thống tưới tự động trên một diện tích rộng tới 90.000m2.

Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam Sherry S. Boger khoe rằng nước tưới cỏ tại nhà máy là từ nước thải tái chế. Nhà máy thiết lập hệ thống tái sử dụng nước cho phép tái sử dụng 100% lượng nước thải công nghiệp, giúp tiết kiệm được gần 200m3 nước sạch mỗi ngày, tương đương gần 74 triệu lít nước mỗi năm, bằng lượng nước của 400 hộ gia đình dùng mỗi năm.

Tại Việt Nam, những dự án hoàn trả nước sạch như Intel được nhiều doanh nghiệp triển khai trong những năm qua. Chẳng hạn, Coca-Cola thực hiện dự án tài trợ gần 6 tỷ đồng "Nước sạch cho cộng đồng", hay dự án "Live Positively", bao gồm những hoạt đđộng trọng tâm như bao bì bền vững, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

Ông Basil Sidky, Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của Coca-Cola Đông Nam Á, cho biết: "Nước là thành phần tất yếu của cuộc sống và của mỗi cộng đồng phát triển bền vững. Tại Việt Nam, chúng tôi xử lý 100% nước thải để tái sử dụng và từng bước giảm lượng nước sử dụng trong sản xuất.

Chúng tôi nỗ lực hướng tới mục tiêu "cân bằng về nước", hoàn trả nước sạch về cho thiên nhiên và con người nhiều hơn lượng nước chúng tôi đã dùng trong sản xuất và sản phẩm". Tính trung bình, phải mất 2,43 lít nước để sản xuất được 1 lít nước giải khát.

Vì thế, những hãng sản xuất nước giải khát lớn như Coca-Cola hay Pepsi đã phải đối mặt với những chỉ trích của cộng đồng vì đã làm cạn kiệt nguồn nước, phá hủy môi trường...

Thậm chí, người dân Ấn Độ còn gọi hai hãng nước ngọt này là "những kẻ cướp nước" và tẩy chay sản phẩm của hai hãng này nếu vấn đề không được giải quyết. Vì thế, những dự án về nước và phát triển bền vững của Coca-Cola không chỉ là sự phản ứng với dư luận xã hội mà thực sự hướng đến một tầm nhìn sản xuất, kinh doanh bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng.

Trong một lần đề cập đến vấn đề kinh doanh, Ben Cohen, người sáng lập thương hiệu kem Ben & Jerrys (Mỹ), cho rằng: "Kinh doanh là lạm dụng cộng đồng, lạm dụng nhân công và lạm dụng môi trường". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mọi mô hình kinh doanh "lạm dụng" này đều phải trả giá đắt khi bị người tiêu dùng tẩy chay.

Nước là biểu tượng của sản xuất bền vững và là một phần hình ảnh quan trọng cho xu hướng "thương hiệu xanh" đang được người tiêu dùng cả thế giới hướng đến.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, có khoảng 1 tỷ người trên thế giới đang lâm vào tình trạng thiếu nước sạch, tỷ lệ này sẽ tăng hơn 30% trong không đầy hai thập niên tới nếu con người không có các biện pháp chống lại việc lãng phí nguồn nước.

Vì thế, các hoạt động liên quan đến bảo vệ nguồn nước được các thương hiệu khai thác như một phần của chiến lược xây dựng thương hiệu và sản phẩm gắn với phát triển bền vững, thực thi trách nhiệm xã hội.

Những thương hiệu toàn cầu như Coca-Cola, P&G hay Unilever tiêu thụ một khối lượng lớn tài nguyên và có khả năng ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng trên quy mô toàn cầu phải là những doanh nghiệp đi đầu trong thực thi trách nhiệm xã hội.

Nước là biểu tượng của sản xuất bền vững và là một phần hình ảnh quan trọng cho xu hướng "thương hiệu xanh" đang được người tiêu dùng cả thế giới hướng đến.

Chẳng hạn, Unilever thiết lập Quỹ Tiết kiệm 1 tỷ mét khối nước sạch cho Việt Nam thể hiện cam kết giảm một nửa lượng nước liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm của Unilever trước năm 2020.

Trong khi đó, Erik Joule, Phó chủ tịch kinh doanh và thiết kế toàn cầu của thương hiệu Levis, phát biểu: "Chúng tôi thật sự xem công việc thiết kế như một phần không thể thiếu trong vòng tuần hoàn, làm sao để đảm bảo sự giảm thiểu các tác động lên môi trường".

Đây là lý do Levis tung ra dòng sản phẩm Water

Ở Việt Nam, theo báo cáo của UNICEF, có hơn 3 triệu trẻ em không được tiếp cận nguồn nước sạch, 90% trẻ em tử vong vì liên quan đến nước ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém.

Vì vậy, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) phối hợp cùng Công ty P&G Việt Nam mới đây cũng thực hiện chương trình "Nước uống sạch cho cộng đồng" nhằm hướng dẫn người dân xử lý nước đúng cách và trữ nước an toàn thông qua việc sử dụng sản phẩm bột lọc nước P&G Purifier of Water.

Theo ông Emre Olcer, Tổng giám đốc P&G Việt Nam, chương trình cung cấp hơn 20 triệu lít nước sạch cho hơn 36.000 người dân và trẻ em tại 4 huyện của tỉnh Quảng Trị trong năm 2014 nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh do thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt trong mùa bão lũ, với tổng giá trị dự án là 4,5 tỷ đồng.

Những sản phẩm thời trang thân thiện môi trường, những chai nước thể hiện ý thức hoàn trả nước sạch cho cộng đồng... khẳng định một điều: Những nhãn hiệu lớn (hoặc muốn lớn) sẽ không bao giờ đứng ngoài những vấn đề chung của thế giới.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn