Thị phần mì gói: Chạy “marathon” giành nhau

Trước sự thâm nhập của Nissin, động thái chuẩn bị tung hàng của Kinh Đô, hay cạnh tranh gay gắt từ các "đại gia" bán lẻ sôi động, thị trường mì gói lại hứa hẹn một cục diện mới cho cả người cũ và người mới.

Thị trường mì gói những tưởng đã bão hòa, bởi thế "chân vạc" gồm: Vina Acecook, Masan và Asia Food chi phối, kiểm soát. Thời hoàng kim của mì gói, với mức tăng trưởng "nóng" trên 20%/năm đã qua và khó có khả năng trở lại khi năm 2013, mì gói chỉ tăng trưởng ở mức 5%, một phần do tác động của tăng trưởng kinh tế chung, khiến tiêu dùng các mặt hàng (trong đó có mì gói) giảm, một phần do thị trường này đã bão hòa. Có điều lạ, dù tăng trưởng toàn ngành sụt giảm, nhưng xem ra nó vẫn là "miếng mồi" được nhiều "thợ săn" nhòm ngó.

"Át chủ bài tung chiêu"

Đại diện các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Maximark, Lotte Mart cho biết, có khoảng 60 nhãn hiệu mì, bún ăn liền đang phân phối tại siêu thị, trong đó phần lớn là sản phẩm sản xuất trong nước. Tại Co.opmart, có khoảng 60 nhà cung cấp mì ăn liền, với gần 500 mã hàng. Trong đó, tỷ lệ hàng nội địa chiếm 95%, thuộc về những thương hiệu như Vina Acecook, Masan, Asia food hay Vifon.

Thành lập từ năm 1993, hoạt động chính thức từ năm 1995, đến nay Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook – có vốn đầu tư từ Nhật Bản) đang là thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mì gói, với 51,5% và sở hữu hơn 20 nhãn hiệu mì.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng Marketing Vina Acecook cho biết, hiện nhãn hiệu tiêu thụ mạnh nhất của doanh nghiệp vẫn là Hảo Hảo, Hảo 100, Đệ Nhất, Lẩu Thái. Phân khúc sản phẩm trung bình, với mức giá từ 2.500- 5.500 đồng chiếm đa số, các sản phẩm mì vị chua cay được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Đồng thời, năm 2013 Vina Acecook tăng vốn thêm 10 triệu USD, đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất mì ăn liền, tại TP. HCM, với quy mô, công nghệ thuộc loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Sau Vina Acecook, Masan Consumer, sở hữu 16,5% thị phần ngành hàng mì ăn. Trong khi Vina Acecook tập trung vào những sản phẩm tầm trung, giá rẻ. Masan lại tập trung vào nhãn hàng thuộc phân khúc cao cấp và phổ thông: Omachi và Kokomi… Hay Asia Foods với các sản phẩm chính là mì ăn liền, cháo ăn liền và phở ăn liền ("Gấu Đỏ", "Hello", "Vifood" và "Hảo Hạng"…). Trong đó, có dòng sản phẩm Hello đánh dấu việc Asia Food tham gia phân khúc mì cao cấp và chiếm 12,1% thị phần hiện nay.

Mặc dù, một thời gian dài tập trung cho xuất khẩu nên Vifon bị mất thị phần, nhưng cũng đã kịp nhận ra và quay về để giành lại lợi thế. Cuộc cạnh tranh trong ngành mì ăn liền ngày càng trở nên khó kiểm soát. Do có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc thị trường mì "bình dân", khiến cho khu vực này trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt._Vì vậy, để giảm áp lực cạnh tranh, cũng như tạo ra sản phẩm mới, Vifon đã và đang nhắm đến nhóm các sản phẩm từ gạo như bún, phở, bánh đa cua… và đã thực sự làm chủ được công nghệ sản xuất các mặt hàng này.

Thêm vào đó, Vifon đang là doanh nghiệp duy nhất có công nghệ sản xuất các loại súp như thịt hầm, riêu cua…; có thế mạnh về các loại gia vị tương ớt, lắc rắc, bột canh… nên khả năng cạnh tranh khá tốt và "đe dọa" đến thị phần của đối thủ.

"Thợ săn" xuất hiện

Tuy thị trường mì gói hiện nay đang nghiêng về Vina Acecook, Masan và Asian food, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn cơ hội cho các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, tháng 3/2011, tập đoàn mì hàng đầu Nhật Bản – Nissin đã gia nhập thị trường Việt Nam, bằng việc thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Nissin Việt Nam. Một nhà máy sản xuất mì gói có diện tích hơn 60.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 41 triệu USD, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu khác. Đầu năm 2013, thị trường mì ăn liền Việt Nam xuất hiện một dòng sản phẩm mới khá đặc biệt: mỳ không chiên Nissin.

Cùng với đó, Tập đoàn Kinh Đô cũng đã tuyên bố sẽ tham gia thị trường này. Do sản xuất mì gói dễ, nên khi Kinh Đô "bước chân" vào sẽ có một cách nhất định cũng như có chiến lược riêng. Theo kế hoạch, Kinh Đô tung hàng từ cuối năm 2013, nhưng họ phải dừng lại vì còn một số yếu tố chưa chín mùi. "Thị trường bị ke kẹt không có nghĩa thị trường đó không còn cạnh tranh. Bởi ở Việt Nam, thị trường mì gói phân khúc cực kì đa dạng, cao cấp chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản; còn phân khúc hơi cao chỉ có Omachi hay Cung Đình và chủ yếu vẫn đang tập trung ở phân khúc trung bình và thấp", ông Phan Văn Minh, Phó tổng giám đốc Kinh Đô miền Bắc nói.

Không ai biết được kết cục ai sẽ là "thủ lĩnh" của thị trường mì gói, vì cục diện vẫn đang thay đổi hàng ngày.

Bên cạnh đó, cuộc chạy đua giành thị phần mì gói không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất mì, các nhà bán lẻ cũng "nhảy vào" khai thác với nhãn hàng riêng, theo thương hiệu của siêu thị. Đặc biệt, nhà bán lẻ lại có lợi thế là thường nắm trong tay các số liệu về thị trường, sức mua và thị hiếu tiêu dùng, nên khai thác hàng nhãn riêng vào đúng dòng sản phẩm đang tiêu thụ mạnh nhất.

Những nhãn hàng này sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp, giá rẻ hơn ít nhất 5-10%. Chẳng hạn, nhóm hàng mì gói, mì chua cay hiện đều có trong danh sách nhãn riêng của nhiều siêu thị. Như Big C đang bán mì tôm chua cay nhãn riêng Wow, với giá chỉ 2.200 đồng/gói, một thùng 30 gói giá 65.000 đồng…

Không ai biết được kết cục ai sẽ là "thủ lĩnh" của thị trường mì gói, vì cục diện vẫn đang thay đổi hàng ngày. Bởi những động thái, chiến lược riêng biệt của từng doanh nghiệp nó giống như vận động viên chạy marathon, đang nỗ lực để đến đích, người về đầu tiên mới là người chiến thắng.

Nguồn Dùng hàng Việt