"Cuộc đua" mì ăn liền: Mới chỉ bắt đầu

Bên cạnh thị trường tiêu thụ nội địa vẫn còn khả năng phình to, xuất khẩu đã và đang là hướng đi của nhiều (doanh nghiệp) DN mì lớn để mở rộng thị trường, tìm kiếm giá trị gia tăng.

Ông Hoàng Cao Trí - Phó tổng giám đốc Vina Acecook chia sẻ: "Chiến lược xuất khẩu của Vina Acecook khác với nhiều DN xuất khẩu mì ăn liền trên thế giới. Chúng tôi chọn hướng đi đầu tiên là ở đâu có người Việt, ở đó có mì ăn liền VN. Từ cái nền đó, chúng tôi đến Mỹ, Australia, Canada, Hàn Quốc, Pháp, Đức… và rồi lan tỏa đi các thị trường toàn cầu và hướng đến xuất khẩu phục vụ cho số đông, tăng dần doanh số".

* Thực ra nếu căn cứ theo cách thức ở đâu có người Việt, ở đó có mì ăn liền, thì cơ hội tăng doanh thu, tăng kim ngạch xuất khẩu mì ăn liền của ngành mì Việt sẽ không lớn, cho dù người Việt trên thế giới có mặt ở khắp mọi nơi. Vina Acecook nghĩ sao về điều này?

- Chúng tôi chỉ bắt đầu với sự am hiểu và tôn trọng khẩu vị ẩm thực Việt. Sau đó thì để phát triển tốt hơn, chúng tôi điều chỉnh sản phẩm xuất khẩu theo từng thị trường, từ xu hướng ẩm thực, văn hóa, khẩu vị, thậm chí đến mẫu mã, bao bì… Đây cũng là điều đương nhiên bởi có những thị trường mà quốc gia đó sẽ chấp nhận một hàm lượng của một thành phần ghi trên bao bì, nhưng lại cũng có những thị trường không chấp nhận; hoặc có quốc gia thì lại có luật quy định riêng về việc ghi nhãn hàng hóa… Chính vì vậy, Vina Acecook đã phải đa dạng hóa sản phẩm trong khuôn khổ cố gắng không quá 100 sản phẩm cho các thị trường. Như vậy cũng là để hạn chế giá thành tăng cao khi mỗi một thị trường lại có những sản phẩm riêng biệt.

Ông Hoàng Cao Trí - Phó tổng giám đốc Vina Acecook

* Cái khó, rào cản lớn nhất của xuất khẩu sản phẩm thực phẩm công nghệ từ Việt Nam sang các nước khác là gì, theo ông?

- Ở góc độ của Vina Acecook nhìn ra thị trường, tuy mình đã có thời gian sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực 20 năm, nhưng nhận diện lại thì VN nói chung vẫn đang là một quốc gia chậm chân hơn so với nhiều quốc gia khác, điều đó khiến ngành mì ăn liền cũng khó có điều kiện tốt khi thâm nhập quốc tế.

Cái khó thứ hai là khi đi tìm, chọn và phát triển thị trường, các nhà tổ chức sản xuất kinh doanh đều phải có năng lực sản xuất, khả năng nghiên cứu thị trường, có sản phẩm để chào hàng mà các sản phẩm đó phải đáp ứng được các quy định về luật ghi nhãn hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuế quan và cả nhu cầu, khẩu vị của người tiêu dùng tại thị trường đó.

Thứ ba, tìm nhà phân phối cũng là một khâu rất quan trọng và không dễ dàng. Phải có được nhà phân phối tốt mới phối hợp với nhà sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường tốt. Cùng với đó, tùy thuộc chiến lược xuất khẩu của DN mà việc phối hợp, và hỗ trợ marketing tới đâu để sản phẩm tiếp cận được tới người tiêu dùng, tạo cầu nối để tương hỗ cho mối quan hệ giữa nhà sản xuất - phân phối - người tiêu dùng.

Cuối cùng, trên thị trường quốc tế, có rất nhiều DN mì lớn và không phải chỉ có DN mình là bán buôn. Sức cạnh tranh với các DN đi trước cũng là vấn đề.

Tuy nhiên, một khi đã xác định xuất khẩu của ngành thực phẩm công nghiệp nói chung, ngành mì ăn liền vẫn đang còn cơ hội lớn, khi thị trường mì ăn liền thế giới chỉ tính riêng trong khu vực Asean đã có 11 quốc gia đứng ở Top 15 nước tiêu thụ lớn nhất, với sức tiêu thụ mỗi quốc gia bình quân hàng nghìn tỷ gói mì/ năm, thì việc chấp nhận thách thức và vượt qua mọi rào cản vẫn sẽ là câu chuyện mà bất cứ nhà tổ chức sản xuất, kinh doanh nào muốn phát triển lớn mạnh, đều phải thực hiện, phải quyết tâm đầu tư.

* Cuối cùng, có lợi thế rõ rệt nào cho ngành mì ăn liền Việt Nam khi xuất khẩu quốc tế, thưa ông?

- Hiệp định Asean sẽ có hiệu lực vào năm 2015 tới đây sẽ giúp ngành xuất khẩu khu vực lợi thế về thuế và người tiêu dùng được hưởng lợi khi giá cả sản phẩm không cộng thuế hoặc cộng thuế thấp. Hơn nữa, mì ăn liền tuy không phải “sinh ra” tại VN nhưng đã được người Việt đón nhận rất lâu, khẩu vị và văn hóa ẩm thực của người Việt cũng nổi tiếng trên thế giới nên đó cũng là một lợi thế khi tiếp cận và tiếp biến cùng khẩu vị của người tiêu dùng thế giới.

Cùng với đó, bên cạnh mì ăn liền, Vina Acecook đang nỗ lực tận dụng lợi thế nông nghiệp Việt Nam, với các sản phẩm mì gạo được chế biến từ gạo, để đưa ra thị trường bên ngoài. Dự kiến năm 2014, chúng tôi sẽ sản xuất mì gạo với doanh thu chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng doanh thu. Gạo đã và đang là thực phẩm được nhiều thị trường tiêu dùng trên thế giới lựa chọn nên tin rằng các sản phẩm mì gạo, bún gạo, miến gạo… của Việt Nam cũng sẽ được người tiêu dùng quan tâm.

* Xin cảm ơn ông!

Cơ và hội của DN Việt

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) đặt tại Osaka Nhật Bản cho biết, Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 4 với mức tiêu thụ 5,1 tỷ gói mì, chỉ sau Trung Quốc - Hồng Kong, Indonesia và Nhật.

Với một mức tiêu thụ cao như vậy, thị trường mì ăn liền Việt Nam liệu đang có nguy cơ bão hòa?

Theo báo cáo của một công ty dẫn đầu thị trường mì ăn liền nội địa những năm qua, tuy thị trường mì ăn liền ở các khu vực đô thị Việt Nam đang có phần chững lại, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu ở các khu vực ngoại ô và nông thông vẫn tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn, ước khoảng 60% của toàn ngành. “Đó là một cơ hội cho những DN sản xuất mì ăn liền không sử dụng duy nhất chiến lược giá mà còn kết hợp và đặt lên hàng đầu vấn đề về chất lượng. Cũng là cơ hội để người tiêu dùng thể hiện quyền lực, sự được tôn trọng trong khẩu vị và lựa chọn của mình đối với các sản phẩm mì ăn liền họ được cung ứng hàng năm”, báo cáo cho biết.

Hiện nay, trên thị trường ngành mì ăn liền Việt Nam, đã và đang có sự góp mặt của những DN mì hàng đầu Nhật Bản – nơi sản sinh công nghệ mì ăn liền từ những năm 1950 của thế kỉ trước. Vina Acecook là DN mì đến từ Nhật Bản hiện diện, gắn bó lâu dài nhất với thị trường VN những năm qua. Và DN này cũng không bỏ lỡ cơ hội chiếm miếng bánh và duy trì thị phần lớn nhất trên thị trường, đạt tới hơn 50%, nhờ sự gắn bó có tính lịch sử (xét về mặt mở cửa thị trường của cả nền kinh tế đến mặt hội nhập kinh tế theo xu hướng mới).

Thị trường mì ăn liền Việt Nam liệu đang có nguy cơ bão hòa?

Ngoài Acecook, một đại gia ngành mì cũng có kinh nghiệm lâu năm ở nước Nhật và đang chiếm thị trường đông dân nhất thế giới – Trung Quốc – mì Nissin, nay cũng đã vào Việt Nam. Masan Consumer thuộc tập đoàn Masan tuy có thị phần còn khiêm tốn hơn nhiều so với Vina Acecook, cũng đã nhanh chân bứt lên so với nhiều DN tư nhân. Vifon, Miliket và nhiều nhãn hàng mì có tên và không tên khác, tất cả đều góp sức cung ứng cho một thị trường đang có sức tiêu thụ không nhỏ.

Nếu nói Việt Nam đang có tổng tiêu thụ mì ăn liền đạt 5,060 tỷ gói/ năm, con số này sẽ khiến thị trường… phát hoảng. Thế nhưng nếu chia trên đầu người, 50 gói mì ăn liền/ đầu người/ năm lại không phải là con số lớn. Hiện nay, tuy tốc độ tăng trưởng dân số của VN đang chững lại nhưng quy mô dân số vẫn đang tiếp tục phình to. Quy mô dân số năm 2015 ước đạt khoảng 93 triệu dân. Đây là một tốc độ tăng có ý ý nghĩa tích cực xét ở góc độ tiêu thụ sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt sản phẩm thực phẩm công nghiệp giá thấp và dễ thay thế các bữa ăn chính như mì ăn liền, vốn đang là lựa chọn của tất cả các thành phần dân cư không phân biệt giàu, nghèo, thu nhập cao hay thu nhập thấp.

Vì vậy, nói thị trường mì ăn liền Việt Nam đã bão hoà sẽ không hẳn đúng. Đặc biệt, nếu đặt Việt Nam trong bối cảnh cả thị trường mì ăn liền thế giới đang có khoảng 100 tỷ sản phẩm mì ăn liền khác nhau, thì sức tiêu thụ và sự đa dạng của thị trường Việt vẫn còn nhiều cơ hội để ganh đua. Ít nhất, dù sức tiêu thụ khó vượt qua Trung Quốc bởi quy mô dân số, ngành mì ăn liền Việt Nam đang còn cửa “thi thố” với hai nước còn lại trong cùng khu vực.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn