Q-mobile trôi về đâu?

Từ vị trí top 3 về thị phần điện thoại di động giá rẻ tại Việt Nam, hiện giờ Q-mobile đang ở đâu trong bảng xếp hạng?

Cuối tháng 3 vừa qua, Q-mobile đã thực hiện các cuộc gặp mặt khách hàng tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng số khách mời gần 80 đại lý phân phối. Tại những cuộc gặp này, ban lãnh đạo của Q-mobile đã chuyển tải một thông điệp mới tới các đại lý của mình: “Thách thức 2014 – Q-mobile tay chơi số 1 điện thoại phổ thông”.

Tay chơi hay tay mơ?

Được thành lập từ năm 2003, nhưng phải 5 năm sau Q-Mobile mới chính thức ra mắt thương hiệu điện thoại của riêng mình, tập trung vào phân khúc bình dân giá rẻ. Hai năm sau, vào năm 2010, kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu GFK cho thấy, ở phân khúc điện thoại di động phổ thông giá thấp tại Việt Nam (dưới 2 triệu đồng), Q-mobile đứng ở vị trí thứ 3 (chiếm 13% thị phần, sau Nokia và Samsung), thậm chí có thời điểm thương hiệu này vượt lên vị trí thứ 2 khi chiếm tới 20% thị phần. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, thành công mà Q-mobile có được tại thời điểm đó là nhờ bên cạnh những nỗ lực marketing phát triển thị trường, thì yếu tố may mắn chiếm vị trí không nhỏ. Bởi lẽ lúc ấy các “ông lớn” như Nokia, Samsung vẫn chưa mấy quan tâm đến “miếng bánh” thị trường điện thoại di động giá rẻ.

Ảnh: Trần Việt Tuấn

Sau thời kỳ hoàng kim, Q-mobile nhanh chóng rời khỏi vị trí top 3 do các “ông lớn” bắt đầu để mắt đến phân khúc thị trường này. Để tồn tại, Q-mobile buộc phải chọn cho mình một hướng đi khác. Năm 2011, hãng này trình làng chiếc điện thoại thông minh S10 và tham vọng dòng sản phẩm này sẽ tạo nên sức bật mới về mặt kinh doanh cho công ty. Nhưng vào thời điểm đó, khi chia sẻ với Doanh Nhân về doanh thu năm 2011, người đứng đầu Q-mobile, dù không đưa ra con số cụ thể, phải thừa nhận rằng: “Ảm đạm”.

Hơn 1 năm sau, vào tháng 8/2012, Q-mobile ra mắt mẫu điện thoại thông minh hoàn toàn mới là Q-smart, với 3 dòng sản phẩm chiến lược là S12, S18, S22 và chính thức nhập sân smartphone, chủ yếu tập trung vào phân khúc giá rẻ (từ 1-3 triệu đồng). Gần đây nhất, vào những ngày cuối cùng của năm 2013, Q-mobile cho ra mắt dòng điện thoại thông minh Dream với thông điệp mới: “Dám mơ ước”. Với mức giá hơn 5 triệu đồng cho một sản phẩm thuộc dòng Dream, Q-mobile đang muốn thử sức mình ở một sân chơi mới: phân khúc smartphone tầm trung. Một nguồn tin riêng của Doanh Nhân, đồng thời là đối tác kinh doanh của Q-mobile, cho biết hãng điện thoại này đang đặt kỳ vọng rất lớn vào Dream. Q-mobile hoàn toàn có lý khi đặt cược vào smartphone, bởi theo số liệu của GFK, từ 2/2013-1/2014, trong khi mặt hàng điện thoại phổ thông của Q-mobile giảm 18,7% về mặt số lượng và 14,1% về mặt giá trị thì số lượng điện thoại thông minh mà hãng này tiêu thụ được trong khoảng thời gian trên tăng 34,8% so với 12 tháng trước đó, về giá trị tăng 35,6%.

Thực tế không như mơ

Với những gì đang diễn ra trên thị trường, có vẻ như Dream đang khiến cho giấc mơ của Q-mobile lùi xa hơn một chút. Đại diện một số nhà phân phối điện thoại của Q-mobile cho biết, tốc độ bán Dream chậm, tỷ trọng doanh số khá thấp. Nguyên nhân chính là do dòng sản phẩm này thật sự không có nhiều sự cạnh tranh về giá so với các dòng sản phẩm khác trên thị trường. Một số đại lý của Q-mobile cho biết, phần lớn khách hàng sau khi được tư vấn về Dream đều quay sang các sản phẩm có cùng mức giá của Nokia, Samsung, LG, HTC… dù tính năng và cấu hình của Dream cao hơn hẳn.

Quay trở lại với chiếc smartphone đầu tiên của Q-mobile là S10. Lý do chiếc điện thoại này chưa thực sự được thị trường đón nhận một phần là giá khá cao (hơn 4 triệu đồng) so với các thương hiệu tên tuổi khác cùng phân khúc.

Còn quá sớm để khẳng định Q-mobile có thành công hay không với dòng sản phẩm Dream do sau Tết sức mua của thị trường thường kém hơn, nhưng một số chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu Q-mobile có ý định đi vào phân khúc smartphone cao cấp hơn thì nên tính toán kỹ, bởi với khoảng 4 triệu đồng trở lên người tiêu dùng thường hay lựa chọn những sản phẩm có tên tuổi hơn. Theo số liệu của GFK, tính tới tháng 1/2014, trên thị trường smartphone, Samsung vẫn là thương hiệu được ưu chuộng nhất, chiếm 35,5% thị phần, tiếp đến là Nokia với 24,2% và Apple là 13,8%.

Giá rẻ – thế mạnh của Q-mobile

Sau thời kỳ hoàng kim, Q-mobile nhanh chóng rời khỏi vị trí top 3 do các “ông lớn” bắt đầu để mắt đến phân khúc thị trường này. Để tồn tại, Q-mobile buộc phải chọn cho mình một hướng đi khác.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng Q-mobile vẫn có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển trên thị trường smartphone, bởi phân khúc này vẫn có sức hút rất lớn với người tiêu dùng. Theo số liệu của GFK, từ 2/2013 – 1/2014, mảng điện thoại thông minh có mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với 12 tháng trước đó, đạt 211,7 triệu USD. Đáng chú ý là nếu tính về doanh số thì thị phần của Samsung – thương hiệu được yêu thích nhất – đã bị giảm gần 8 điểm phần trăm so với 12 tháng trước đó.

Ông Đặng Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng điện thoại của Thế Giới Di Động, nhận định, thế mạnh của Q-mobile chính là các dòng smartphone giá rẻ (từ 1-3 triệu đồng). Hiện Q-mobile đang đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông marketing, nhưng ông Hiểu Em cho rằng Q-mobile là một thương hiệu đã được nhiều người biết đến nên việc tìm cách để có được mức giá cạnh tranh nhất là điều mà Q-mobile nên làm trong lúc này, thay vì phải làm nhiều chương trình quảng cáo tốn kém.

Mặc dù thị phần điện thoại phổ thông của Q-mobile trong năm qua có dấu hiệu sụt giảm, nhưng một số đại lý của hãng này cho biết họ vẫn tiêu thụ rất tốt sản phẩm này (Q-mobile hiện đang sở hữu 3 dòng điện thoại cơ bản là LIM, C và Q với mức giá rất thấp, dưới 1 triệu đồng). Đơn cử như tại FPT Shop, dòng điện thoại cơ bản LIM đang được bán chạy nhất tại đây. Hiện Q-mobile đang thực hiện chiến lược “đánh bắt xa bờ” – đi về khu vực nông thôn – với hàng loạt chương trình marketing độc đáo nên những sản phẩm có mức giá thấp như vậy sẽ thu hút được nhiều người dùng. Tuy nhiên, một nguồn tin của Doanh Nhân cho biết, Nokia đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển hệ thống cửa hàng, đại lý ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa để khai thác thị trường vốn trước đây họ còn bỏ ngỏ. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với Q-mobile trên con đường tìm lại chính mình, đòi hỏi “tay chơi số 1 điện thoại phổ thông” phải có những toan tính mới.

Nguồn Doanh Nhân Online