"Giữ chất Hợp tác xã để cạnh tranh"

Mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược và nội lực vững thì mới có thể vượt qua mọi trở ngại. Với Saigon Co.op, thế mạnh chính là “chất” hợp tác xã.

Saigon Co.op có hệ thống mạng lưới bán lẻ ở 36 tỉnh, thành và đang giữ ngôi vị hàng đầu của thị trường này. Trong suốt quá trình phát triển, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã gắn bó với doanh nghiệp, vì tìm thấy ở đây một phần ước mơ của mình.

Đủ lực sau 25 năm phấn đấu

* Trong bối cảnh 1/2015 Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, ông vẫn tin sẽ thành công chứ, thưa ông?

Năm nay kỷ niệm 25 năm hoạt động của Saigon Co.op sẽ đánh dấu một chặng đường mới sau khi đạt được thành tựu xây dựng hệ thống phân phối mạng lưới bán lẻ ở 36 tỉnh, thành và chúng tôi đang giữ ngôi vị hàng đầu của thị trường này. Giờ đây, chúng tôi phải tiếp tục đầu tư, phát triển, sẵn sàng để cạnh tranh với nhiều tập đoàn lớn đã và đang vào Việt Nam.

* Phải có vốn lớn, đất rộng, thực hiện kế hoạch để đạt được 20 đại siêu thị vào năm 2020, Saigon Co.op dựa vào đâu để chạy theo những kế hoạch “khổng lồ” như vậy?

Chúng tôi xây dựng hệ thống bán lẻ đa dạng hóa với nhiều mô hình. Ba chuỗi lớn là Saigon Co.op, Co.op Food và Co.op Extra (liên doanh với Singapore). Một đại siêu thị thường có diện tích 25.000 m2, tất nhiên sẽ có siêu thị Co.op Mart trong đó. Ngoài ra, đại siêu thị sẽ có thêm nhiều dịch vụ cộng thêm như: khu ăn uống, chiếu phim, bowling, vui chơi đa dạng, thức ăn nhanh, truyền thống, giao lưu món ngon ẩm thực các vùng…

Mô hình đại siêu thị được chúng tôi đưa ra các vùng ven, nơi có thể có diện tích lớn gấp 3-4 lần so với ở nội đô để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và tránh việc ùn tắc giao thông. Chúng tôi cũng thực hiện đa dạng hóa mô hình kinh doanh ở nhiều phân khúc khách hàng, nhân rộng năng lực kinh doanh ở nhiều nơi tạo thành hệ thống bán lẻ đa dạng, vững vàng, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau và hình ảnh Saigon Co.op được biết đến nhiều hơn.

* Có lần trả lời báo chí, ông nói ở thời kỳ kinh tế khó khăn, chỉ chấn chỉnh chứ không đột phá. Vậy bây giờ ra sao?

Mỗi thời kỳ đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn tự rà soát và thích nghi với thị trường. Saigon Co.op có nhiều chương trình với khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên… để thích nghi với tình hình cạnh tranh mới. Chúng tôi phải nghiên cứu mô hình kinh doanh ở quy mô lớn hơn cả trung tâm hay khu phức hợp thương mại.

Trước đây, Saigon Co.op liên tục nâng cấp hệ thống và đầu tư để hoạt động. Nay chúng tôi quyết định xây dựng thương hiệu mới: thay đổi toàn bộ không gian mua sắm, đưa lên chuẩn mới, bảo đảm có hạ tầng tốt với đầy đủ dịch vụ. Chúng tôi tăng cường giao lưu hàng hóa khi liên doanh với Singapore, học tập cách thức mở cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào hệ thống hậu cần để đáp ứng kịp thời tốc độ thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng.

* Vậy Saigon Co.op – nhà bán lẻ hàng đầu sẽ tính sao khi hình thức bán hàng trên mạng đã phát triển khá rầm rộ?

Tuy chưa nhiều kinh nghiệm và còn phải đầu tư nhiều công sức, nhưng chúng tôi cũng có kênh bán hàng trên HTV. Khác biệt lớn nhất, đây là kênh chỉ bán hàng Việt Nam, không có hàng ngoại. Không chỉ bán hàng mà đây là kênh rất đặc biệt, dành tới 20-30% thời lượng cho nội dung hợp tác chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam. Với kênh này, các nhà sản xuất nói về hàng hóa của mình được sản xuất ra sao, phân phối thế nào, thế mạnh là gì…

* Liệu kênh này có lặp lại chương trình “Tự giới thiệu” của các doanh nghiệp vốn xuất hiện khá nhiều trên TV hiện nay?

Không! Các chương trình “Tự giới thiệu” thường nói về lịch sử truyền thống của mình, ca ngợi nét đặc biệt. Chúng tôi nói nhiều về sản phẩm, có giao lưu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, khách hàng. Hơn nữa, chương trình này sẽ giúp nhà sản xuất không quá tốn kém như quảng cáo. Chương trình của chúng tôi là phi lợi nhuận, cùng phối hợp với nhà sản xuất để giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng. Các nhà sản xuất chỉ mất tiền lúc sản xuất phim thôi, chứ không tốn tiền lên sóng. Chương trình này phát sóng 24giờ/ngày.

Hợp tác xã… Nghe không “hoành tráng”

* Saigon Co.op đã có cả “đại siêu thị”, nhưng danh xưng “hợp tác xã” nghe có vẻ… xưa quá. Ông nghĩ sao?

Sở dĩ một số người có thành kiến là vì trong giai đoạn đất nước mới thống nhất, xã viên tham gia hợp tác xã một cách miễn cưỡng, theo mệnh lệnh, vì vậy hoạt động của các hợp tác xã thiếu hiệu quả. Nay hợp tác xã tiêu dùng là mô hình hiện đại tại nhiều nước tiên tiến. Chúng tôi khẳng định từ thời chị Nguyễn Thị Nghĩa (người mở đường cho Saigon Co.op), dù có lúc lao đao nhưng chúng tôi vẫn phải phát triển, gìn giữ mô hình hợp tác xã, chỉ điều chỉnh thay đổi theo thời gian. Chúng tôi tâm niệm phải giữ được cái “chất” nhân văn, phục vụ của xã hội văn minh.

Không theo kiểu cổ đông ai góp nhiều sẽ thôn tính người góp ít. Hoạt động của hợp tác xã là không có cá lớn nuốt cá bé. Hợp tác xã là một tổ chức có sự tham gia của số đông những người thích ứng cơ chế thị trường, có được xã viên là có lượng khách hàng trung thành…

* Có phải hình thức kinh doanh Co.op Food là một ví dụ điển hình?

Đúng vậy. Co.op Food bán hàng thực phẩm tươi sống, phục vụ bữa ăn hàng ngày, tỷ lệ lãi thấp. Nhưng Hợp tác xã có truyền thống cung cấp các nhu cầu thiết yếu. Nếu không có lực mạnh của hệ thống Co.opMart thì không thể làm được. Mạng lưới Co.op Food khá rộng, len lỏi vào các khu dân cư, rất tiện ích cho người dân.

* Ông gắn bó lâu năm với Saigon Co.op là vì tìm thấy ở đây một phần ước mơ của mình. Vậy ước mơ đó là gì, thưa ông?

Đó là mô hình văn minh và nhân văn của hợp tác xã tiêu dùng. Hợp tác xã này ví như ngôi nhà đẹp được xây trên một cái nền tạm coi là đã xong, đó là mạng lưới Co.op Mart đã hình thành, đủ yếu tố để “xây nhà”. Tức là giấc mơ đã một nửa thành hiện thực.

* Ngôi nhà mơ ước đó như thế nào?

Nói thì dài lắm. Vắn tắt là nó gắn kết với xã viên bằng phương thức đặc biệt. Không phải góp cổ phần, chia lãi mang đi mà xã viên chính là khách hàng. Không theo kiểu cổ đông ai góp nhiều sẽ thôn tính người góp ít. Hoạt động của hợp tác xã là không có cá lớn nuốt cá bé. Hợp tác xã là một tổ chức có sự tham gia của số đông những người thích ứng cơ chế thị trường, có được xã viên là có lượng khách hàng trung thành… Xã viên không đầu tư để kiếm lời mà là mang tính tương trợ. Lợi nhuận chia theo doanh số mua hàng. Các nước họ làm rồi, nhưng ở Việt Nam mình trước đây hợp tác xã nặng về mệnh lệnh hành chính, khiên cưỡng nên thiếu hiệu quả. Vì thế nghe tên hợp tác xã thôi thì chưa hình dung ra nó. Tôi hy vọng sẽ có ban vận động vào năm nay.

* Saigon Co.op chắc còn nhiều việc phải làm cho “ngôi nhà mơ ước” dù đã có cái nền vững chắc. Ông có thể kể thêm vài việc cụ thể đang làm?

Những việc nói trên đều cần sự sáng tạo, đột phá. Chúng tôi đầu tư triển khai dự án công nghệ thông tin (ERP) giai đoạn 2 với hệ thống vận hành mới, quản lý hệ thống các mô hình kinh doanh. Không chỉ nối mạng quản lý mà còn có “cửa” cho nhà cung cấp trao đổi, hai bên cùng quản trị, vừa quản trị nội bộ vừa kết nối nhà phân phối.

Về nguồn nhân lực, Saigon Co.op 25 tuổi rồi, có tiềm lực và ngân sách sẽ mạnh dạn đào tạo nhân lực để cùng phát triển. Chúng tôi tạo cơ hội học tập trong ngoài nước, cơ hội làm việc và thăng tiến cho người lao động. Người của Saigon Co.op sẽ được gửi đi học dài, ngắn hạn, lý thuyết và thực hành tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại Nhật, Singapore…

Nguồn Doanh Nhân Online