Bán 49% cổ phần, Sabeco có cơ hội hạ đối thủ Heineken?

Thị phần giảm mạnh, bán 49% cổ phần nhà nước cho các đối tác, Sabeco liệu có cải thiện được tốc độ tăng trưởng và thắng đối thủ Heineken.

Thị phần giảm mạnh

Trong năm 2013, Sabeco công bố doanh thu đạt 24.006 tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% với sản lượng tiêu thụ đạt 1.321 triệu lít bia, tăng 4,6% và giá bán bình quân là 18.511đ/lít, tăng 8,6% so với năm 2012. Trong khi đó lợi nhuận thuần là 2.418 tỷ đồng, giảm 9,3%.

Tuy nhiên, thị phần của Sabeco đã giảm từ 46,7% trong năm 2012 xuống còn 45,5% trong năm 2013 do tăng sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài như Heineken và Sapporo.

Thực tế, Heineken đã tăng dần thị phần trong 6 năm qua từ 18,9% trong năm 2007 lên 25,4% trong năm 2011, chủ yếu là tăng thị phần trong phân khúc cao cấp.

Sabeco bán 49% cổ phần có thắng được đối thủ

Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) cũng đưa ra lưu ý rằng từ năm 2008 đến năm 2013, sản lượng tiêu thụ bia Heineken đạt tốc độ tăng bình quân là 14%, cao hơn nhiều so với tốc độ của Sabeco là 11%.

Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn cho năm 2014 với sản lượng tiêu thụ ước đạt 1.336 triệu lít, chỉ tăng 1% so với năm 2013, tổng doanh thu đạt 29.440 tỷ đồng, tăng trưởng 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 3.672 tỷ đồng, tăng trưởng 3%.

Theo dự báo của HSC, doanh thu của Sabeco năm 2014 sẽ đạt 25.991 tỷ đồng, tăng trưởng 4,5% và lợi nhuận thuần sẽ đạt 2.668 tỷ đồng, tăng trưởng 11,2% và theo đó EPS dự phóng là 4.913đ. Với giá hiện tại trên thị trường OTC của Sabeco là 65.000đ/cp, cổ phiếu Sabeco hiện có P/E dự phóng 2014 là 15,5 lần.

Phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014 tổ chức ngày 30/5, ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết năm 2014 Sabeco sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các hãng bia đối thủ, đặc biệt từ các hãng bia nước ngoài, với các hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ sản lượng tiêu thụ của Sabeco, từ mức 46% hiện giảm xuống còn 44%.

Bán 49% cổ phần, Sabeco có thắng được đối thủ?

Từ năm 2008 đến năm 2013, sản lượng tiêu thụ bia Heineken đạt tốc độ tăng bình quân là 14%, cao hơn nhiều so với tốc độ của Sabeco là 11%.

Đứng trước các khó khăn này, Sabeco cho rằng, ngoài việc tiếp tục tái cấu trúc toàn bộ hệ thống quản trị, vận tải, phân phối và quy hoạch tổng kho, Sabeco cũng kiến nghị cổ đông lớn, là Bộ Công thương, sớm có kế hoạch bán bớt phần vốn Nhà nước để đưa Sabeco trở thành công ty cổ phần đại chúng thực thụ, tạo điều cho hiện đại hóa quản trị và minh bạch.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco Phan Đăng Tuất cho biết, theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn lên sàn phải có cổ đông bên ngoài sở hữu 20% vốn. Sở hữu nhà nước tại Sabeco hiện nay là 89,54%.

Tổng công ty có tiềm lực về tài chính, hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật, tự tin về trình độ công nghệ, đang chiếm ưu thế về thị trường nội địa… nhưng thiếu cơ chế quản trị chuyên nghiệp. Việc thoái vốn Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ chính là giúp xác lập cơ chế quản trị chuyên nghiệp đó”, ông Tuất nhấn mạnh.

Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC), Bộ Công thương đã trình Thủ tướng đề xuất Nhà nước bán 30% trong 89% cổ phần tại Sabeco cho các đối tác chiến lược nước ngoài và bán tiếp 19% cổ phần cho các nhà đầu tư khác trong 2014 hoặc muộn nhất là 2015.

Sau khi bán bớt vốn nhà nước như đề xuất, cổ phần Nhà nước tại Sabeco sẽ giảm còn 40%.

Theo thông tin truyền thông công bố trước đây, danh sách các đối tác chiến lược nước ngoài có thể bao gồm một số tên tuổi như Asahi; Kirin; SAB Miler và Heineken.

Tính đến nay, cổ phiếu của Sabeco đã giao dịch trên thị trường OTC 6 năm kể từ khi IPO vào năm 2008. Thông thường, thời gian niêm yết (sau khi IPO) mất khoảng 6-12 tháng, tuy nhiên trường hợp của Sabeco đã bị trì hoãn kéo dài.

Theo chuyên gia của HSC nhận định, những tiến triển mới trong khả năng bán bớt vốn Nhà nước cho đối tác chiến lược là đáng khích lệ song cần phải chờ xem liệu đề xuất này có được Chính phủ thông qua hay không trước khi có thể dự đoán về thời gian niêm yết sau đó.

Tuy nhiên, nếu cổ phiếu Sabeco được niêm yết, HSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của công ty sẽ cải thiện dần và công ty sẽ được tái cơ cấu nếu như trước đó IPO chỉ đơn thuần là bán cổ phần ra công chúng.

Nguồn VTC News