Tập trung nội lực để nâng tầm thương hiệu

Phải chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp để đưa con thuyền đi đúng hướng. Đây là chia sẻ của ông Trần Hùng Việt, TGĐ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.

Ngay từ những ngày đầu được UBND TP.HCM đổi tên thành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), doanh nghiệp này luôn là cánh chim đầu đàn của ngành du lịch Việt Nam. Giờ đây, đứng trước nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp như hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, Saigontourist cũng gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, ông Trần Hùng Việt- Tổng Giám đốc Saigontourist khẳng định, đây là bước đi cần thiết để giúp doanh nghiệp mạnh hơn, quản trị có hiệu quả hơn.

* Chưa bao giờ công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quyết liệt như hiện nay. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng là một doanh nghiệp nhà nước đã chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, tái cơ cấu rất cần thiết vì sẽ giúp doanh nghiệp mạnh hơn, quản trị có hiệu quả hơn. Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn triển khai kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ gặp phải không ít khó khăn, nhất là lộ trình thoái vốn các doanh nghiệp cùng ngành nghề vào cùng một thời điểm.

* Xin ông cho biết, những kế hoạch trọng tâm Saigontourist đang thực hiện trong năm nay có liên quan đến câu chuyện tái cấu trúc tổng công ty.

Saigontourist đang triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Công tác tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp tập trung trên 4 lĩnh vực kinh doanh chính: lưu trú, ẩm thực, lữ hành và vui chơi giải trí nhằm huy động nguồn lực tài chính, công nghệ, nâng cao nguồn nhân sự và sức cạnh tranh cho tổng công ty. Chúng tôi phổ biến thông tin đến từng cán bộ công nhân viên và người lao động để tạo sự đồng thuận, quyết tâm, thể hiện trách nhiệm và quyền lợi chung trong toàn hệ thống khi triển khai đề án.

* Hiện tại tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn đang được các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh, bản thân Saigontourist đang triển khai ở những đơn vị nào?

Theo kế hoạch của UBND TP, trong 2 năm tới công ty sẽ đẩy nhanh tiến trình thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, Công ty Địa ốc Eximland, Jetstar, Công ty cổ phần Đầu tư y tế Sài Gòn… Gần đây, tổng công ty đang tích cực triển khai đẩy mạnh tái cơ cấu, thoái vốn đến cụ thể từng đơn vị, công ty con về đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ thông tin…

* Đến thời điểm này, mục tiêu của tổng công ty trong quá trình tái cơ cấu có đạt như mong muốn? Ông nhận thấy vai trò của CEO trong công cuộc này ra sao?

Với vai trò CEO, chúng tôi tự ý thức trách nhiệm trong việc đôn đốc và chủ động thực hiện nghiêm túc khi đã có chỉ đạo, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp được triển khai một cách hiệu quả. Hiện nay, các đơn vị thành viên trong Saigontourist đã nỗ lực thực hiện, đóng góp vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

* Trong quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp, một số người vẫn không muốn hoặc không sẵn sàng vì đụng chạm quyền lợi, ông nghĩ sao?

Khi giải quyết công việc gì cũng nảy sinh mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi triển khai chúng ta không thể nhìn vào quyền lợi của cá nhân mà phải dựa vào quyền lợi của tập thể. Vai trò của CEO là cần giải quyết hai vấn đề nêu trên một cách thỏa đáng. Muốn được như thế cần phải chuẩn bị lộ trình và một kế hoạch thật tốt để việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

"Xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu Saigontourist là chương trình trọng điểm, mang tính liên tục, dài hạn với mục đích xây dựng Saigontourist thành một thương hiệu mạnh, đẳng cấp quốc tế."

* Kết quả thoái vốn ngoài ngành đến thời điểm này của Saigontourist ra sao? Hiện tại doanh nghiệp của ông đang đầu tư vào bao nhiêu công ty, sau thoái vốn sẽ còn bao nhiêu đơn vị?

Tổng công ty đã và đang thực hiện lộ trình thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành sản xuất chính và một số đơn vị có vốn chi phối thấp, hiệu quả kinh doanh thấp. Thời gian đầu triển khai, Saigontourist nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Trung ương, cụ thể là Ban Đổi mới doanh nghiệp TP.HCM và Ban Đổi mới doanh nghiệp Trung ương. Tính đến cuối năm 2013, Saigontourist đầu tư, quản lý 90 danh mục tại 23 tỉnh, thành phố. Chúng tôi xác định lĩnh vực hoạt động chính là dịch vụ khách sạn, nhà hàng, lữ hành, vui chơi giải trí nên luôn tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này. Đồng thời, sử dụng các ưu thế trong những dịch vụ có liên quan để đầu tư và kiểm soát các dịch vụ hỗ trợ, sử dụng lợi thế chuyên môn để hoạt động đa chức năng, phát triển một cách hiệu quả hoạt động kinh doanh và tối đa hóa khả năng cạnh tranh.

* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành du lịch cũng không là ngoại lệ và mới đây một số thị trường trọng điểm sụt giảm lượng khách đến Việt Nam, liệu mục tiêu tăng trưởng của Saigontourist là 10% có dễ đạt được?

Đúng là có khó khăn, nhưng để đạt con số này chúng tôi sẽ phải tích cực tìm thị trường mới như: Abu Dhabi, Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) hiện đang là thị trường tiềm năng. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục xúc tiến quảng bá để thu hút thị trường khách truyền thống và đặc biệt quan tâm đến các thị trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…

Tổng công ty không chỉ kinh doanh dịch vụ lữ hành mà còn kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác… nên việc đầu tư mới cơ sở vật chất để tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận là việc phải thực hiện.

* Vừa rồi có thông tin Saigontourist đầu tư kinh doanh khách sạn ra nước ngoài, ông có thể chia sẻ thêm tiến trình này diễn tiến ra sao?

Chúng tôi có khảo sát một số khách sạn ở nước ngoài, nhưng khi chính thức đầu tư sẽ phải nghiên cứu luật kinh doanh của nước sở tại, đây là kế hoạch đầu tư dài hạn của doanh nghiệp mà chúng tôi phải cân nhắc.

* Vậy còn mua bán, sáp nhập (M&A), Saigontourist có phát triển mảng này để nâng cao sức mạnh?

Mua bán, sáp nhập luôn nằm trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi. Trong quá trình tái cơ cấu, vì mục đích đưa doanh nghiệp mạnh lên có thể sáp nhập những đơn vị nhỏ thành đơn vị lớn hoặc thoái vốn ngoài ngành để chuyển đổi mục tiêu kinh doanh.

* Từ khi đảm nhận vai trò CEO của Saigontourist, ông cảm thấy mình hài lòng về những gì, còn điều gì trăn trở mà bản thân chưa làm được?

Quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu Saigontourist trong 39 năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định, ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững cả về chất và lượng. Sự thành công này là kết quả lao động chung của các thế hệ qua từng thời kỳ, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, sự tin tưởng của đối tác, khách hàng. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, thương hiệu Saigontourist đã có chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường trong nước, nhưng chưa có tính phổ biến cao tại thị trường quốc tế.

Đối với chúng tôi, xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu Saigontourist là chương trình trọng điểm, mang tính liên tục, dài hạn với mục đích xây dựng Saigontourist thành một thương hiệu mạnh, đẳng cấp quốc tế. Đây là trăn trở lớn nhất và mục tiêu lớn nhất cá nhân tôi và tập thể đang hướng tới.

Trong những thời điểm khó khăn, đòi hỏi doanh nhân cần thể hiện tầm nhìn chiến lược bao quát, thay đổi kịp thời với tình hình, định hướng rõ ràng.

* Saigontourist là thương hiệu hàng đầu cả nước nhưng vẫn chưa mang tầm quốc tế, vì sao thưa ông?

Hiện nay, Tổng công ty đều có đối tác tại nhiều thị trường. Chỉ riêng Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist nhiều năm đứng hàng đầu Việt Nam. Lượng du khách Tổng công ty phục vụ hàng năm đều đạt khoảng 1-2 triệu lượt người là rất lớn. Dù vậy, để đạt được tầm cỡ của các tập đoàn vươn ra nhiều nước thì cần đi từng bước và phấn đấu nhiều.

* Vậy đâu là kỳ vọng của bản thân ông trong vai trò CEO thời gian tới?

Du lịch là ngành chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khách quan như giao thông, môi trường, chính sách, biến động kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh… Dự báo tình hình trong thời gian tới còn nhiều biến động, thậm chí có khả năng khó khăn hơn các năm trước. Do đó, quá trình điều hành đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn tỉnh táo, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức cũng như rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, đòi hỏi doanh nhân cần thể hiện tầm nhìn chiến lược bao quát, thay đổi kịp thời với tình hình, định hướng rõ ràng thì mới mong doanh nghiệp phát triển một cách ổn định và bền vững.

Tôi luôn mong muốn ngành du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, tôn vinh những giá trị văn hóa, tự nhiên, lịch sử, con người Việt Nam, giới thiệu đến bạn bè thế giới, đồng thời cung cấp những dịch vụ chất lượng cho du khách trong nước và quốc tế. Trên đường phát triển đó, Saigontourist nói chung và cá nhân tôi luôn muốn cống hiến hết mình vì mục tiêu chung của ngành du lịch, dịch vụ Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn Doanh Nhân Online