Đến Hà Nội, Starbucks có gì ngoài cà phê?

Chủ tịch Starbucks khu vực châu Á Thái Bình Dương gọi các nhân viên pha chế là những đối tác và coi họ là yếu tố giúp cho đồ uống của thương hiệu này “hơn cả cà phê”.

Trong buổi sáng khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, ông Jeff Hansberry – Chủ tịch Starbucks khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc, cho biết ông và các đối tác của mình cảm nhận được di sản và văn hóa thưởng thức cà phê tại Hà Nội. Tuy nhiên, thương hiệu này có một mong muốn nhỏ là mang đến thủ đô một phong cách thưởng thức cà phê mới.

Giữa lúc tạm ngừng để chờ phiên dịch, Chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương của Starbucks quay sang cười, tạo dáng rất chuyên nghiệp để nhiếp ảnh gia người Italia chụp. Ông này cũng bổ sung thêm là thương hiệu này mở rộng được là nhờ sự giúp đỡ của nhiều đối tác mà ở Việt Nam là thông qua quan hệ với Coffe Concepts.

Đến Hà Nội, Starbucks có gì ngoài cà phê?

Ông Jeff Hansberry, Chủ tịch Starbucks châu Á Thái Bìn Dương. Ảnh: Lê Hiếu.

Ở buổi họp báo, khi được hỏi về sự khác biệt giữa Starbucks và nhiều đối thủ khác tại Việt Nam, ông Jeff Hansberry nêu lên 3 điểm. Thứ nhất, đó là kinh nghiệm kinh doanh và lựa chọn nguồn cà phê Abrica tốt nhất trên thế giới, với quá trình rang xay đặc trưng của Starbucks. Thứ hai, quá trình pha chế cà phê của thương hiệu này được các đối tác (cách mà thương hiệu này gọi các nhân viên của mình) xử lý theo nhiều cách, phù hơp với hàng nghìn khẩu vị, tạo nên các trải nghiệm đặc trưng cho người uống. Thứ ba là các đối tác – nhất là nhân viên Starbucks, sẽ tạo nên một không khí khác biệt cho khách hàng.

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam nhấn mạnh thêm, đối tác đặc biệt của thương hiệu này là những người đứng phía sau quầy bar (nhân viên pha chế). Họ sẽ là những người làm nên điều khác biệt và giúp cho Starbucks “hơn cả cà phê”.

Đến Hà Nội, Starbucks có gì ngoài cà phê?

Khi phát biểu cũng như trả lời tại buổi họp báo, vị chủ tịch Starbucks châu Á Thái Bình Dương thường xuyên dùng từ “khiêm nhường” (humble) khi nói về vị thế của Starbucks hay giới thiệu những điều được coi là đặc biệt tới những người thưởng thức cà phê Hà Nội. Giải thích lý do về việc dùng từ “humble” với tần suất cao trong phần phát biểu, trả lời của mình, ông Jeff Hansberry nói: “Khiêm nhường bắt nguồn từ nhân văn và đây cũng là từ thể hiện văn hóa mà Starbucks hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Khi kinh doanh, khách hàng và những đối tác là những người đem đến thành công cho Starbucks; khiêm nhường hay nhân văn là nhân tố giúp chúng tôi có mối quan hệ tốt với 2 nhân tố đặc biệt này, giúp cho Starbucks trở thành một biểu tượng hơn cả cà phê”.

Nguồn Zing News