Thị trường game Việt Nam: Trò chơi 6.000 tỷ

Việt Nam hiện nay là thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2013, doanh thu đạt 237 triệu USD, đồng thời đứng thứ 6 ở châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Công ty game lớn nhất Việt Nam (VNG) được định giá 1 tỷ USD, nhưng thực tế 40% doanh thu game năm 2014 thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, Trong khi các doanh nghiệp sản xuất game trong nước vẫn hoạt động theo kiểu "không lỗ đã là thành công". Tuy nhiên, mảng game mobile đang có những dấu ấn mới của các nhà phát triển game nội như Flappy Bird hay DivMob trên thị trường game thế giới.

Game PC: 80% từ Trung Quốc, Hàn Quốc

Dù doanh thu tăng trưởng cao nhưng thị trường game Việt Nam chủ yếu trong tay các nhà phát triển game ngoại.

Dự báo của Niko Partners cho thấy, năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp game Đông Nam Á (chủ yếu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) tiến tới con số 1,7 tỷ USD. Chỉ mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh thu từ game của Việt Nam tăng 50 - 100% mỗi năm và số người chơi game xấp xỉ 20 triệu.

Năm vừa qua, doanh thu từ ngành này mang lại 237 triệu USD nhưng điều đáng nói là 80% trong số đó lại xuất phát từ các game ngoại (Trung Quốc, Hàn Quốc) do doanh nghiệp Việt Nam phát hành. Những game này chủ yếu cài đặt trên máy PC, có độ phức tạp cao và tại thị trường Việt Nam đã có sẵn lượng khách hàng nhất định.

Nếu nhìn nhận ở phân khúc game PC hay cosole (máy chơi game), đây rõ ràng không phải là sân chơi của các nhà phát triển game trong nước, kể các những công ty lớn như VNG, VTC hay FPT. Khoảng 90% game PC hiện nay là xuất xứ từ Trung Quốc.

Studio Game Emobi là nhà phát triển game nội địa dám thử sức với game 7554 (trận Điện Biên Phủ), đây được biết đến là trò chơi điện tử có cấu hình đồ họa mạnh đầu tiên sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm phát hành, 7554 chỉ phát hành được 5.000 bản và thu về 17 tỷ đồng, trong khi chi phí để sản xuất game này lên đến 1 triệu USD. Sự không thành công này của Emobi khiến nhiều nhà sản xuất khác trong nước e dè. Sau 7554, Emobi dự định sản xuất tiếp game Sát Thát nhưng không tìm được các nguồn đầu tư, đành phải dừng dự án.

Ông Dương Thế Lương, Giám đốc Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số (VTC Intecom), cho rằng, 6 tháng qua, toàn thị trường game Việt Nam có khoảng 40 game cho PC và 60 game mobile ra mắt (con số này quá nhỏ bé so với 500.000 game trên thị trường Trung Quốc mỗi năm).

Tuy nhiên, xác suất thành công chỉ vào khoảng 10%. Nhưng thành công ở đây chỉ rất khiêm tốn. Sáu tháng đầu năm, VTC Intecom triển khai 4 game mobile và 1 game trên PC, nếu tính theo tiêu chí "không lỗ đã là thành công" thì VTC Intecom chỉ có được 1 game trên mobile và 1 game trên PC.

Nguyên nhân khiến cho các nhà phát triển game trong nước không thể tạo ra sản phẩm Việt hóa, theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VNG, là "do thiếu chi phí, nguồn lực và sự cạnh tranh áp đảo của game ngoại".

Ở đây, nguồn lực được xác định là nhân sự của ngành game, dù đây là bài toán được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết. Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp phải "tự thân vận động".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Trung, Giám đốc Game Studio North, cho biết, Công ty đang kết hợp với một trường đại học ở Hà Nội thiết kế chương trình phát triển game (mỗi chương trình kéo dài trong 2 tháng) để bổ sung nhân sự cho ngành công nghiệp này.

Để mở rộng thị trường, nhiều nhà sản xuất game cũng đang tính đến chuyện phát hành ở nước ngoài. Điển hình như VNG, ông Tạ Nam Anh, Giám đốc Phát hành game mobile của VNG, cho biết, Công ty nhắm đến một số thị trường, tuy không lớn để đưa game của VNG vào.

Song, vấn đề khiến các nhà sản xuất trong nước lo ngại là chi phí vận hành cho một game phát hành ở nước ngoài khá tốn kém.

Nếu ở mảng sản xuất game, các doanh nghiệp trong nước không có chỗ đứng thì ở mảng phát hành game, thị trường cũng không mấy dễ thở khi là nơi cạnh tranh của 4 "ông lớn": VNG, Garena, VTC và FPT.

Ngay như năm 2013, nguồn thu chủ đạo của VNG (vừa sản xuất vừa phát hành game) là phát hành game cũng gặp phải áp lực lớn. Cụ thể, mảng game cài đặt (client game) chịu sức ép lớn từ Công ty Garena với game Liên minh Huyền thoại. Hiện, Garena Việt Nam đang chiếm tới 70% thị phần phòng máy (phòng máy cài sẵn game của nhà phát hành).

Nếu doanh số ước đạt của ngành công nghiệp game Việt Nam năm 2014 là 6.000 tỷ đồng, thì DN trong nước chỉ chiếm 60% (kể cả sản xuất lẫn phát hành), còn 40% thuộc về các DN nước ngoài phát hành dịch vụ xuyên biên giới.

Game Mobile: Bay theo cánh chim Flappy Bird?

Chưa bao giờ ngành game mobile Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh như hiện nay. Năm 2014, doanh thu của thị trường game Việt Nam ước đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, bằng với năm 2013, trong đó game mobile chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng. Tiềm năng của game mobile sẽ tạo nên diện mạo mới của ngành công nghiệp game Việt Nam.

Tăng trưởng theo smartphone

Do chi phí để sản xuất game cài đặt trên PC khá cao nên các nhà phát triển game trong nước đang hướng đến sản xuất game chạy trên nền tảng iOS hoặc Android của smartphone. Cả nước hiện có khoảng 40 doanh nghiệp, studio tham gia sản xuất và phát hành game.

Các studio game của Việt Nam tập trung chủ yếu TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, có thể kế đến như: Colobox, Pine, Canvas Games Studio, Banana Studio..., có những studio game chỉ làm outsoursing (thuê ngoài) cho nhà sản xuất ngoại nhưng một số lại kiêm luôn vai trò sản xuất.

Nhìn vào bức tranh chung của ngành công nghiệp game thế giới, một nghiên cứu của Newzoo cho thấy, thị phần game mobile toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2013, game mobile chiếm 17,4% doanh thu (tương ứng 12,3 tỷ USD) và năm 2016, tỷ lệ này tăng 27,8% (khoảng 23 tỷ USD).

Riêng tại Việt Nam, từ thị trường không có gì, game chạy trên nền tảng iOS và Android của thiết bị smartphone ước tính đạt doanh thu 2 triệu USD/tháng trong năm 2012; 25,5 triệu USD vào năm 2013, nay dự báo đạt 35 triệu USD và đến năm 2016 là 52 triệu USD.

Thị trường mobile game của Việt Nam có tiềm năng để phát triển vì Việt Nam được đánh giá là thị trường có số người sử dụng internet lẫn sở hữu smartphone tăng nhanh chóng. Theo đó, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tốc độ tăng trưởng thiết bị smartphone với 17 triệu máy.

Năm 2014, doanh thu của thị trường game Việt Nam ước đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, bằng với năm 2013, trong đó game mobile chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Gần đây, ngành công nghiệp game Việt Nam nổi lên với sự kiện Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông (từng đứng đầu AppStore); đồng thời, Việt Nam cũng có một số game studio tạo ra các sản phẩm mobile game khá thành công như trường hợp DivMob, một trong những nhà phát triển game Việt đã viết hơn 10 game trên nền Android và iOS, thu hút hơn 20 triệu lượt tải về trên toàn cầu năm 2013.

Hay như SohaGame hợp tác với ZoyGame để phát triển Vua Thủ Thành từ tháng 4/2014 đến nay khá thành công. Hiện, SohaGame đang có 4 game mobile hợp tác với các game studio đưa ra thị trường.

Dễ làm, khó thắng

Nói về việc sản xuất game chơi trên smartphone, ông Lê Hồng Minh, VNG cho rằng, làm thì rất đơn giản nhưng không dễ để thành công. Còn ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Điều hành ZoyGame, nhấn mạnh, lợi thế của mobile game là có nhiều nền tảng để phát triển nên đây là cơ hội dành cho nhiều đối tượng tham gia, có thể là doanh nghiệp lớn, có thể là studio game nhỏ hoặc thậm chí là cá nhân.

Song, nhiều người tham gia, mức độ cạnh tranh sẽ lớn nên cái quan trọng là khi đưa ra thị trường, game có được tiếp nhận hay không. Theo thống kê tại hội thảo Phát triển ngành trò chơi trực tuyến - OGDC 3, khoảng 90% sản phẩm trò chơi trực tuyến không thành công ngay từ khâu sản xuất, 9% không thành công khi bước vào thị trường và chỉ còn 1% những trò chơi trực tuyến hay nhất (hoặc may mắn nhất) có thể sống sót và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Cái khó khi làm sản phẩm mobile game là dòng đời ngắn, trước khi đưa ra sản phẩm mẫu thì nhà sản xuất phải "cắt gọt" rất nhiều. Ngoài ra, còn phải quan tâm đến vấn đề sản phẩm có đủ lớn hay không, dịch vụ tốt không...

Mặt khác, theo ông Tạ Nam Anh, dù chi phí phát triển 1 game mobile không nhiều như PC game (một game trung bình phát triển trong 6 tháng, với studio game từ 8 - 10 người, chi phí bình quân để tạo ra sản phẩm ban đầu là trên 500 triệu đồng, chưa tính chi phí vận hành) nhưng quan trọng là nhà sản xuất có đủ lực để duy trì được sản phẩm đó lâu dài và có nhiều người chơi hay không.

Với mức chi phí này, đối với những game studio có quy mô nhỏ, nếu không gặt hái được thành công trong khoảng hai sản phẩm là có thể đứng trước nguy cơ... mất hút khỏi thị trường. Song, theo ông Lê Hồng Minh, "trong số 3 điều kiện để một game studio sống, thì tài chính không hẳn là vấn đề lớn, mà quan trọng là đam mê, kỹ năng và may mắn".

Đứng ở vai trò nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện Quỹ Đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan, mobile game là xu hướng phát triển trong tương lai nhưng điều này không có nghĩa nó sẽ "khai tử" PC game, cũng giống như cách ví von giữa báo điện tử và báo in, nhiều người vẫn thích sự thoải mái và trải nghiệm trọn vẹn khi chơi game trên PC.

Được biết, năm 2011, quỹ này đã đầu tư một số tiền không nhỏ vào Colobox, một studio game chuyên phát triển các game di động (từng có game Rip Off đứng thứ 2 trên kho ứng dụng AppStore). Theo ông Dũng, sau hơn 2 năm rưỡi năm đầu tư vào Colobox, kết quả chưa được như kỳ vọng, vì hiện nay, thị trường game di động đang cạnh tranh khá quyết liệt giữa các nhà phát triển trong nước và nước ngoài.

Thị trường game mobile Việt Nam trong năm 2013
- Có 59 game mobiel được phát hành trên thị trường.
- Ba nhà phát hành lớn nhất trên AppStore và Google Play là SohaGame 25 game chiếm 53% thị phần, VTC 9 game chiếm 18% thị phần và MCCorp 5 game, chiếm 9%.
- Năm game dẫn đầu thị trường dựa trên lượng tải trên AppStore và Google Play là: BEAT3D, iGA, Audition Mobile, Tình Kiếm, Thủy Hử 3D.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn