Ðến lượt Caffe Bene
Trong vòng vài ngày tới, một chuỗi cà phê khác đến từ Hàn Quốc là Caffe Bene sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Đồng Khởi (Q.1 TP. HCM).
Xét về độ hoành tráng, chuỗi Caffe Bene mới vào cũng được xếp vào nhóm các thương hiệu bán lẻ có tên tuổi tại Hàn Quốc cũng như ở thị trường nước ngoài. Ra đời năm 2008, hiện chuỗi cà phê này đã có quy mô tới 1.540 cửa hàng tại 13 quốc gia. Các thị trường lớn nhất của Caffe Bene gồm Hàn Quốc (978 cửa hàng), Trung Quốc (423), Mỹ (108). Tại Đông Nam Á, thương hiệu này đã có mặt tại Philippines (5), Indonesia (5), Campuchia (2), Malaysia (2), Singapore (1) và sắp tới là Việt Nam.
Tuy giá trị hợp đồng nhượng quyền gốc tại Việt Nam không được các bên liên quan tiết lộ, nhưng theo ông John Barry, Giám đốc phụ trách nhượng quyền thương hiệu Caffe Bene tại Mỹ nói với tờ BusinessWeek rằng, giá trị hợp đồng nhượng quyền ban đầu thường dao động ở mức từ 347.000 - 461.000 USD. Tất nhiên, số vốn đầu tư chuỗi cửa hàng Caffe Bene còn lớn hơn rất nhiều.
Trao đổi với chúng tôi tại nơi sẽ là cửa hàng Caffe Bene đầu tiên ở số 58 Đồng Khởi (trước đây là cửa hàng thời trang Esprit), ông Trương Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Caffe Bene Vina, đơn vị ký hợp đồng nhượng quyền gốc để đưa thương hiệu Hàn Quốc này vào Việt Nam, cho biết: “Với định vị cao cấp, chúng tôi xác định đối thủ trực tiếp chính là chuỗi Starbucks”.
Hiện tại, chỉ riêng tại khu vực trung tâm Q.1, TP. HCM, sự xuất hiện của Caffe Bene đã đẩy tổng số cửa hàng cà phê thuộc các chuỗi trong và ngoài nước lên hơn 30 điểm.
Về tương quan lực lượng, tất nhiên Starbucks đang dẫn trước Caffe Bene với chuỗi 11 cửa hàng (8 tại TP.HCM, 3 ở Hà Nội) và đã hoạt động được hơn một năm rưỡi với hiệu quả kinh doanh ban đầu tương đối khả quan.
Vừa qua, Starbucks cũng đã Bắc tiến với sự kiện mở cùng lúc 3 cửa hàng ngay tại khu vực trung tâm Hà Nội. Sau khi ra mắt thị trường Hà Nội, chuỗi cà phê này sẽ tiếp tục quay lại phía Nam với tần suất phát triển thêm ít nhất từ 2 - 3 cửa hàng từ nay đến cuối năm 2014.
Trong khi đó, Highlands Coffee, cũng từng được định vị cao cấp, hiện vẫn là vô địch về độ phủ trong cả nước với 62 cửa hàng cùng 20 cửa hàng ở nước ngoài. Nhưng từ lúc chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI) bán 49% bộ phận kinh doanh tại Việt Nam và 60% tại Hồng Kông cho Tập đoàn Jollibee (Philippines) hồi năm 2012, thương hiệu này đã được tái định vị xuống mức thấp hơn là quay về phân khúc cà phê thuần Việt, hướng tới phục vụ đại chúng.
Một trong những thách thức lớn nhất của các chuỗi cà phê tại Việt Nam chính là cuộc chiến giành mặt bằng.
Còn “tân binh” Caffe Bene, với định vị cao cấp, thực đơn của chuỗi này tại Việt Nam cũng khá đa dạng gồm hơn 60 loại khác nhau. Hầu hết các loại cà phê và nước uống đều có giá trung bình thấp hơn Starbucks từ 10.000-15.000 đồng/ly. Thực đơn chủ yếu được phục vụ theo thị hiếu của giới trẻ từ 18-30 tuổi và thay đổi theo mùa.
Một trong những thách thức lớn nhất của các chuỗi cà phê tại Việt Nam vẫn chính là cuộc chiến giành mặt bằng và Caffe Bene cũng không ngoại lệ. Theo các công ty môi giới mặt bằng bán lẻ, nếu giá thuê của Starbucks cho cửa hàng đầu tiên tại Khách sạn New World là khoảng 18.000 USD/tháng, giá thuê cửa hàng Caffe Bene đầu tiên trên đường Đồng Khởi sẽ xấp xỉ mức 20.000 USD/tháng với vị trí đắt địa hơn và được thuê trong dài hạn.
Thương hiệu cà phê Phin Deli với hậu thuẫn của đại gia Kinh Đô cũng đã có kế hoạch mở tới 30 cửa hàng. Nếu cũng được định vị ở phân khúc cao cấp, nhưng là kẻ đến sau, chắc chắn chuỗi cà phê này sẽ phải đương đầu với khá nhiều thách thức. Trước đây, Kinh Đô cũng từng thương lượng để mang chuỗi Caffe Bene vào Việt Nam nhưng không thành công.
Vĩnh Bảo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư