Phác thảo “tính cách” người tiêu dùng Việt Nam

Người tiêu dùng đi đâu, nền kinh tế đi theo đó. Hiện nay, gần hai phần ba GDP của Việt Nam đến từ tiêu dùng cá nhân(*). Vậy "tính cách" họ như thế nào?

Chi tiêu tùy nghi

Tầng lớp tiêu dùng chủ chốt trong một nền kinh tế, còn được gọi là tầng lớp trung lưu, được xác định khác nhau ở những thị trường khác nhau. Tổ chức thẻ Mastercard sử dụng mốc thu nhập 5.000 đô la Mỹ/người/năm (khoảng 13,7 đô la Mỹ/ngày) cho chi tiêu tùy nghi (những khoản mua nằm ngoài nhu cầu tối thiểu bắt buộc phải có, hướng tới những nhu cầu cao hơn). Nghĩa là chi tiêu tùy nghi sẽ xuất hiện và gia tăng ở những người có thu nhập từ mốc này trở lên. Nhóm người này chính là mục tiêu nhắm đến của các nhà sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì cho rằng chi tiêu tùy nghi xuất hiện ở ngưỡng thu nhập thấp hơn, có nơi ở mốc 2 đô la Mỹ/ngày, nhưng nhìn chung là ở mốc 10 đô la Mỹ/ngày ở hầu hết các nền kinh tế.

Các thành phố lớn vẫn là vườn ươm của tầng lớp tiêu dùng mới.

Riêng ở Việt Nam, ông Debnath Guharoy, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu thị trường Roy Morgan, đã nói tại lễ công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tại TPHCM hồi tháng trước là chi tiêu tùy nghi đang diễn ra ở mốc thu nhập 5 đô la Mỹ/ngày. "Theo chúng tôi tính toán, tiền lương trung bình ở Việt Nam đã vượt qua 5 đô la/ngày vào năm 2010 và năng lực tiêu dùng từ đây rõ ràng hơn", ông nói.

Tầng lớp tiêu dùng mới tăng nhanh

Xu hướng văn hóa, khát vọng xã hội và sức chi tiêu là ba yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa tiêu tiền, cách thức mua sắm, kiểu cách hàng hóa mà người mua ưa chuộng và cái giá mà họ sẵn sàng chi trả. Nghiên cứu của Roy Morgan cho biết có sự khác biệt lớn ở các thị trường châu Á mới nổi. Việt Nam được biết đến như là thị trường nóng nhất của Apple nhờ nhóm tiêu dùng trẻ tuổi. Doanh số của Apple đã tăng gấp ba lần trong ba tháng đầu năm 2014. Mỗi quí, doanh số của iPhone tăng gấp hai lần và tốc độ tăng này vẫn đang tiếp tục.

Các hãng điện thoại thông minh cho biết có một quan niệm ngày càng phổ biến ở Việt Nam là "vị thế xã hội cao hơn gắn với chiếc điện thoại đời mới nhất". Đây chính là động lực nằm phía sau doanh số ngất ngưởng của các hãng điện thoại dù giá bán điện thoại thông minh luôn vượt quá thu nhập hàng tháng của người bình thường.

Đối với một số người, việc mua hàng từ những cửa hiệu nổi tiếng hay thời thượng như là một phần trong quyết định mua sắm, dù thu nhập của họ có cao hay không.

Ở Việt Nam, có hai hành vi khác nhau của tầng lớp tiêu dùng mới. Một số người khá tiết kiệm dù có nhiều tiền do những ký ức sâu đậm về hoàn cảnh khó khăn họ đã phải trải qua. Một số khác lại có khuynh hướng tiêu dùng rất mạnh, thích xài hàng "xịn" như thể để bù đắp cho thời kỳ thiếu thốn, khổ sở trước đây.

56% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi. Những người này đặc biệt nhạy cảm với xu hướng tiêu dùng hàng hiệu và cái gọi là "kinh nghiệm người sử dụng", tức họ thích khoe với nhau đã từng sử dụng cái gì, thương hiệu gì, nó như thế nào. Sự nhận biết về thương hiệu nổi tiếng có ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng và mong muốn trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Đối với một số người, việc mua hàng từ những cửa hiệu nổi tiếng hay thời thượng như là một phần trong quyết định mua sắm, dù thu nhập của họ có cao hay không.

Có một diễn biến rất thú vị là mặc dù người Việt đầy hoài bão, một số chi tiêu rất lớn trên thực tế, song sẽ thật ngạc nhiên nếu ai đó tự "định nghĩa" mình thuộc tầng lớp trung lưu, và còn ngạc nhiên hơn nữa nếu họ tự xếp mình vào tầng lớp thượng lưu. Theo lý giải của các chuyên gia, việc phân chia giai cấp có thể gây rắc rối, đặc biệt khi người ta đặt câu hỏi cơ sở nào để một người tự xác định giai cấp cho mình cũng như các câu hỏi khác về nguồn gốc của cải.

Mặc dù tỷ lệ người Việt tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu là rất thấp nhưng có nhiều người lại ngầm mong muốn gia nhập vào hàng ngũ trung lưu và thượng lưu, hoặc tìm cách thể hiện mình có lối sống của tầng lớp này. Đó dường như là lý do khiến các loại ô tô hạng sang bán rất chạy tại Việt Nam so với các thị trường tương tự ở châu Á, dù giá ô tô cao hơn rất nhiều.

Đây là mức lạc quan rất cao, hầu như tuyệt đối, về triển vọng tương lai, làm cho bức tranh về chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn. Nguồn: ANZ-Roy Morgan

Khảo sát tại bảy thành phố lớn của Việt Nam cho thấy phụ nữ bị tác động mạnh hơn so với nam giới trong các tác động tiêu dùng và họ gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành vi tiêu dùng hàng ngày. Ví dụ họ có thể điều chỉnh chi tiêu rất nhanh chóng sau các thông tin tiêu cực từ truyền thông; họ thường cho điểm thấp hơn nam giới trước các câu hỏi về sự lạc quan tài chính gia đình.

Các biến cố chính trị tác động lên niềm tin và hành vi tiêu tiền lâu dài và mạnh mẽ hơn so với các biến cố kinh tế - xã hội. Các chuyên gia cho biết các biến cố kinh tế vĩ mô thường gây ảnh hưởng đến thái độ tiêu dùng trong thời gian dưới một năm, trong khi các bất ổn chính trị có dư âm ảnh hưởng đến tâm lý chi tiêu tới năm năm.

Mặc dù thu nhập của người Việt tăng nhanh song mức thu nhập tuyệt đối vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Á. Nhưng nói gì thì nói, Việt Nam đang trở thành quê hương của tầng lớp tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Tại Việt Nam, phụ nữ bị tác động mạnh hơn so với nam giới trong các tác động tiêu dùng và họ gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành vi tiêu dùng hàng ngày.

Theo ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, hiện Việt Nam có khoảng 17 triệu người tiêu dùng trung lưu. "Ước tính từ nay tới cuối thập kỷ sẽ tăng 2 triệu người mỗi năm, lên 32 triệu người vào năm 2020. Họ sẽ gia tăng chi tiêu trong những lĩnh vực then chốt như hàng gia dụng, tiêu dùng cá nhân, phương tiện đi lại, dịch vụ tài chính, giáo dục... Con số này sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, lên khoảng 66 triệu người vào năm 2030, chiếm 66% dân số lúc đó. Như vậy, chỉ trong vòng 15 năm tới, Việt Nam sẽ có lực lượng trung lưu tương đương Hàn Quốc và Đài Loan hiện nay", ông Maguire nói.

Tiêu dùng đi đôi với đô thị hóa

Việt Nam hiện có 34% dân số sống ở thành thị. Đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với 51% của Trung Quốc, 52% của Indonesia, 91% của Nhật Bản. Theo ông Maguire, đô thị hóa ở Việt Nam còn tăng mạnh và các thành phố lớn vẫn là vườn ươm của tầng lớp tiêu dùng mới. Các doanh nghiệp sẽ có thách thức thú vị là làm thế nào điều chỉnh mô hình tăng trưởng của mình trước lực cầu đó để tham gia thị trường một cách trọn vẹn hơn.

Đối với Chính phủ, một trong những thách thức của chính sách là làm sao củng cố lực lượng trung lưu mới mẻ thành tầng lớp trung lưu ổn định, tạo nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế thông qua vai trò dẫn dắt tiêu dùng và nguồn cầu trong nước. n

(*) Theo thông tin trong bài thảo luận về "Sự trỗi dậy của tầng lớp tiêu dùng Việt Nam!" của Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ.

Hồng Phúc
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn