Bí quyết giúp Toyota trở thành hãng ô tô hàng đầu thế giới

Nhiều người tự hỏi, đâu là bí quyết tạo nên thành công của Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota, nhãn hiệu hàng đầu trong top 50 hãng, công ty sản xuất ô tô đứng đầu thế giới? Đó là một Hệ thống sản xuất linh hoạt.

Đó là bí quyết mà Chủ tịch tập đoàn xe hơi Toyota Fujio Cho đã chia sẻ: “Kể từ khi Toyota được thành lập, chúng tôi luôn hướng theo một nguyên tắc cơ bản là đóng góp cho sự phát triển của xã hội thông qua vận hành một hệ thống sản xuất mang lại chất lượng sản phẩm và dịch vụ cao.

Hoạt động kinh doanh của chúng tôi dựa trên nguyên tắc cơ bản đã mang lại những giá trị niềm tin, và những phương thức kinh doanh theo thời gian trở thành một thứ vũ khí cạnh tranh. Những giá trị trong quản lý và những phương thức kinh doanh ấy được biết tới với tên gọi chung là Hệ thống sản xuất Toyota (“Toyota Production System” - TPS)”.

Trên thế giới, những tập đoàn có lịch sử phát triển lâu dài và uy tín thường hay cố gắng duy trì những phương thức hoạt động sản xuất truyền thống để tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh khốc liệt trong ngành sản xuất ô tô, doanh nghiệp phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường ngày một khắt khe hơn. Do vậy, để giữ được khả năng cạnh tranh toàn cầu, Toyota nhận thức được họ phải thực sự linh hoạt, có những phản ứng và phân tích kịp thời cùng với sự thay đổi của thị hiếu tiêu dùng, mang lại lợi nhuận và sự tăng trưởng lớn cho tập đoàn. Và đó là động lực để Toyota xây dựng Hệ thống sản xuất linh hoạt.

Hệ thống này không đơn giản là việc cải tiến khoa học kỹ thuật để đạt tốc độ nhanh hơn mà chính là khả năng phát triển dựa trên sự tiết kiệm tối đa trong sản xuất, giảm thiểu hàng tồn kho, cắt giảm chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả sản xuất của trang thiết bị máy móc. Ở đó, người lao động được ví như những đại sứ của Toyota và mỗi công nhân có thể tự hào về vai trò và trách nhiệm của họ.

Hệ thống sản xuất linh hoạt của Toyota được hình thành dựa trên 3 bộ nguyên tắc sản xuất của người Nhật: Sản xuất đúng thời điểm - Just in time (JIT), Tự kiểm soát lỗi – Jidoka và Liên tục đổi mới - Kaizen.

1. Sản xuất đúng thời điểm - Just in time (JIT)

JIT là một loạt các nguyên tắc, công cụ và kỹ thuật hỗ trợ cho chuỗi cung ứng – sản xuất với mục đích rút ngắn thời gian sản xuất và giảm lãng phí. Thực chất, JIT là một công nghệ quản lý sản xuất nhằm duy trì một hoạt động liên tục, có hệ thống và thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu tiêu dùng một cách linh hoạt.

Để thực hiện quá trình sản xuất đúng thời điểm, chỉ những chi tiết tốt nhất mới được di chuyển sang khâu tiếp theo và sản xuất không được vượt mức quy định. Nhờ thế, lượng tồn kho không cần thiết sẽ bị xoá bỏ hoàn toàn, nhà máy sẽ không cần đến việc tạo ra các nhà kho và giảm bớt được chi phí lưu kho, gọi là nguyên tắc vận hành Kanban - Kanban là dụng cụ chỉ thị sản xuất và vận chuyển dưới dạng một tấm thẻ ghi thông tin, hỗ trợ cho việc lập kế hoạch và kiểm soát sản xuất, đặc biệt là kiểm soát hàng dự trữ. Đó là mục tiêu giảm thiểu hàng tồn kho, tránh lãng phí, hao hụt trong sản xuất.

2. Tự kiểm soát lỗi (Jidoka)

Đây là nguyên tắc sản xuất kêt hợp giữa con người và vai trò tự động hóa của máy móc với mục đích phát hiện ra lỗi ngay từ những công đoạn đầu tiên để giảm thiểu tổn thất do máy móc hoặc sản phẩm lỗi. Nhờ đó, mỗi công đoạn, dây chuyền sản xuất có thể tự kiểm soát trục trặc, nhận biết được sự cố bất thường trong máy móc và sản phẩm. Nó sẽ hoạt động liên tục và chỉ dừng trong trường hợp sự cố thiết bị, lỗi chất lượng hoặc bởi người điều khiển trong dây chuyền.

Thêm vào đó, tại các phân xưởng đều treo một bảng đèn hiển thị Andon. Người giám sát có thể quan sát trực tiếp và nhận biết những nơi xảy ra lỗi bất thường, đồng thời là đầu mối thông tin nhằm thúc giục những hoạt động cần thiết của người liên quan. Ngoài ra, Andon còn hiển thị tiến độ và chỉ thị sản xuất như kiểm tra chất lượng, thay dụng cụ cắt, vận chuyển hàng... Nhờ vậy, chất lượng được đảm bảo ngay tại từng công đoạn, phát hiện ra lỗi tại các quá trình, phòng tránh những sự cố của máy móc cũng như tiết kiệm nhân công.

3. Liên tục đổi mới – Kaizen

“Không có quy trình sản xuất, kinh doanh nào là tuyệt đối hoàn hảo nhưng nó có thể luôn được cải tiến”.

Về cơ bản, Kaizen là một trong các giá trị côt lõi trong triết lý kinh doanh của Toyota, nó mang ý nghĩa: “Không có quy trình sản xuất, kinh doanh nào là tuyệt đối hoàn hảo nhưng nó có thể luôn được cải tiến”.

Kaizen trong thực tế có nghĩa là tất cả các thành viên trong tất cả các bộ phận của tổ chức luôn ý thức câu hỏi: “có phương thức nào hiệu quả hơn hiện tại không?” và luôn tìm tòi nó. Triết lý này luôn được xuất phát từ đội ngũ quản lý và thầm nhuần vào từng người công nhân.

Kaizen cũng đòi hỏi việc thiết lập các mục tiêu và đối tượng rõ ràng. Nó tập trung vào việc xây dựng thái độ làm việc tích cực và sáng tạo, tập trung vào những gì nên được thực hiện chứ không phải là những gì có thể được thực hiện.

Hiệu quả của Hệ thống sản xuất linh toạt theo mô hình của Toyota đã được thực tế chứng minh qua vị trí dẫn đầu ngành sản xuất ô tô thế giới, không dừng ở đó, ngay cả các đối thủ của Toyota cũng phải công nhận, thậm chí học hỏi và áp dụng. Chẳng hạn, Jack Welch, CEO của GE từng nói: "Chúng tôi đã từng có thể bán bất kể sản phẩm nào mà chúng tôi sản xuất. Thực sự không khó để có lợi nhuận từ sản xuất ở thời điểm đó, nhưng để cạnh tranh ở thời điểm hiện nay, chúng tôi phải làm tốt hơn những cái mà chưa bao giờ trước đây chúng tôi có thể làm được. Và để làm được điều này, chúng tôi đã nghiên cứu và áp dụng triệt để mô hình Hệ thông sản xuất linh hoạt của Toyota".

Phạm Thế Mạnh
Nguồn Infornet