Alphanam và chuyện dài kỳ về quá trình chuyển đổi

Lễ kỷ niệm 19 năm thành lập mới đây của tập đoàn Alphanam dường như kém vui đối với Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải khi quý II năm nay đã là quý thứ 10 liên tiếp “đứa con cưng” của ông bị lỗ. Và nếu không có gì bất ngờ xảy ra, năm nay nhiều khả năng sẽ là năm thứ ba liên tiếp Alphanam không có lãi. Khi đó, theo quy định hiện hành, Công ty sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trong khi công ty mẹ gặp khó khăn, một công ty con khác trong danh mục gần 20 công ty con và liên kết của Tập đoàn là Công ty Cổ phần Alphanam Cơ Điện cũng làm ăn sa sút. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của công ty này chỉ vỏn vẹn 366 triệu đồng, cách quá xa mục tiêu lợi nhuận 5 tỉ đồng trong năm nay.

Có thể nói, câu chuyện về Alphanam là một trong những câu chuyện dài kỳ nhưng thú vị về quá trình ra đời, thoát xác tăng trưởng mạnh mẽ rồi suy thoái của một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Alphanam được thành lập vào năm 1995 với vốn điều lệ chỉ 20.000 USD hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện và xây dựng. Năm 1996, doanh nghiệp này đã thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất tủ bảng điện ở Hà Nội. Kể từ năm 1997, Alphanam liên tiếp thành lập các xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công, lắp đặt điện nước cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, sản xuất nhựa, bao bì. Tầm vóc của Tập đoàn cũng dần rộng lớn hơn với những khát vọng mới trong thời kỳ tăng trưởng nhanh tiếp theo.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam.

Giai đoạn 2 được đánh dấu vào năm 2004 khi lần đầu tiên Alphanam thể hiện chiến lược mới với việc liên doanh cùng Tập đoàn Fuji (Nhật) để sản xuất thang máy. Đến năm 2006, Tập đoàn quyết dấn thân vào một thị trường đầy mới mẻ: thị trường sơn. Với nhiều thương hiệu như Alphanam, Delta, Gamma cùng công nghệ sản xuất hiện đại hàng đầu Việt Nam, Alphanam quyết tâm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ngoại đang thống lĩnh thị trường sơn trong nước và đã phần nào thành công.

Một sự kiện đáng chú ý là nhân chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2011, Alphanam đã bắt tay với Kansai, nhà sản xuất sơn số 1 của Nhật, để thành lập liên doanh sản xuất sơn tại Việt Nam.

Thế nhưng, bước ngoặc lớn nhất của giai đoạn này là việc Alphanam bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực bất động sản kể từ năm 2011 với vai trò chủ đầu tư một số dự án như Diamond Tower (Đà Nẵng), Golden City (An Giang).

Tuy nhiên, trong khi các nỗ lực mới chưa mang lại kết quả tích cực thì những tác động tiêu cực từ khó khăn chung của nền kinh tế và sự nguội lạnh của thị trường bất động sản đã bắt đầu tác động đến tình hình kinh doanh của Alphanam.

Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn năm 2011 đã giảm 16% so với năm trước đó. Việc nắm giữ quá nhiều công ty con, công ty liên kết trong giai đoạn này cũng làm tổn hại đến Tập đoàn do năng lực quản trị chưa đáp ứng được, trong khi kể từ năm 2010, các công ty liên kết, liên doanh chưa mang lại một đồng lợi nhuận tài chính nào cho Alphanam.

Với quy mô lớn, việc tái cấu trúc trên diện rộng không phải là chuyện dễ, dù các tài sản mà Alphanam đang nắm giữ có giá trị không nhỏ.

Vì vậy, cũng không có gì khó hiểu khi từ một cổ phiếu niêm yết được ưa thích trên thị trường, cổ phiếu ALP của Alphanam hiện được giao dịch ở mức thấp, khoảng 4.200 đồng/cổ phiếu (ngày 9.10.2014), chỉ bằng phân nửa giá trị sổ sách.

Tình thế này buộc Alphanam phải tiến hành tái cấu trúc để có thể bước vào giai đoạn thứ ba của chu kỳ sống. Nhưng mọi chuyện dường như không đơn giản chút nào. Bởi lẽ, Alphanam đã không còn là một công ty có vốn điều lệ chỉ 20.000 USD mà là một tập đoàn có quy mô vốn gần 100 triệu USD, với 19 công ty con và liên kết hoạt động đa ngành từ sản xuất công nghiệp, đầu tư tài chính, thương mại, kinh doanh bất động sản và xây dựng hạ tầng giao thông. Đã vậy, Alphanam còn tiếp tục lấn sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm kể từ khi thâu tóm Tổng Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco.

Với quy mô lớn như vậy, việc tái cấu trúc trên diện rộng rõ ràng không phải là chuyện dễ, dù các tài sản mà Alphanam đang nắm giữ có giá trị không nhỏ.

Hiện Alphanam đang tìm nhà đầu tư để bán lại các khoản đầu tư nhằm thu hồi vốn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian tới cũng được rút gọn lại tập trung vào 3 mảng chính. Cụ thể, ngoài mảng sản xuất công nghiệp, Alphanam cũng đặt trọng tâm vào bất động sản và lương thực thực phẩm.

Mảng bất động sản của Alphanam cũng khá tiềm năng khi nắm trong tay nhiều dự án đang triển khai như trung tâm thương mại và khách sạn 33 tầng ở Đà Nẵng, khu liên hợp văn hóa, thể thao du lịch ở An Giang hay dự án King Palace ở Hà Nội.

Trước đây, các dự án này gặp khó khăn về vốn khi lãi suất đi vay quá cao. Nhưng kể từ cuối năm ngoái, lãi suất đã giảm đi khá nhiều nên Alphanam sẽ có cơ hội tiếp tục triển khai các dự án nói trên. Khả năng hợp tác hay bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là một lựa chọn nếu Alphanam thấy một mình không thể đảm đương nổi.

Alphanam làm ăn thua lỗ trong vài năm gần đây

Một lĩnh vực khác mà Alphanam rất kỳ vọng là nông nghiệp và thực phẩm. Năm nay, Công ty Thực phẩm Alphanam Food đã được thành lập và định hướng hoạt động ở 3 phân khúc nhỏ: chuỗi phân phối bia, rượu và thức uống nhẹ mang thương hiệu 79 Wine and Spirits, chuỗi siêu thị 79 Market và chuỗi nhà hàng 1915 Indochine.

Thị trường ăn uống ở Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển khi thu nhập dần được cải thiện và nhu cầu thưởng thụ của người dân đang tăng lên. Điều này cũng giải thích vì sao các quỹ đầu tư lớn liên tục rót vốn vào thị trường này như quỹ Standard Chartered Private Fund rót 35 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Golden Gate hay chuỗi nhà hàng Huy Vietnam vừa nhận được 15 triệu USD vốn đầu tư mới của AIF Capital Asia và Fortress Capital Asset Management.

Do đó, việc Alphanam đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực mới này cũng là bước đi phù hợp, dù chưa biết liệu Tập đoàn có thể cạnh tranh được với các thương hiệu lớn đã có mặt từ lâu trên thị trường.

Một vấn đề khác mà Alphanam đang đối mặt là rủi ro từ quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Sau 30 năm lăn lộn trên thương trường, dường như Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và bày tỏ ý định sẽ nhường vị trí lại cho các con, quay lại với giấc mơ làm nghề giáo. Liệu những người con tuy tài năng nhưng còn rất trẻ của ông như Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1988) hay Nguyễn Ngọc Mỹ (năm 1991) sẽ đảm đương nổi gia tài to lớn nhưng không kém phần phức tạp mà người bố để lại?

Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư