FMCG Monitor 09/2014: Người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu FMCG

GDP tăng tốc trong quý 3 với mức tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ mức tăng từ xuất khẩu giúp bù đắp nhu cầu trong nước đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, các dấu hiệu cải thiện này vẫn chưa đủ mạnh để vực dậy toàn bộ nền kinh tế do nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang đối mặt với khó khăn, tỷ lệ hàng tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn đầu tư của nền kinh tế thấp và nhu cầu trong nước còn yếu.

Ở thành thị, tiêu dùng FMCG chững lại với mức tăng trưởng 0,4% về giá trị trong khi khối lượng tiêu thụ suy giảm ở mức 1,5% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm chăm sóc gia đình là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trong số 5 lĩnh vực chính của FMCG do người tiêu dùng đang trì hoãn chi tiêu cho các sản phẩm chăm sóc quần áo (bột giặt, nước xả vải), nước lau sàn, v.v… Trong khi đó, sau nhiều quý tăng trưởng ở mức 2 con số, tiêu dùng FMCG ở nông thôn đã giảm tốc về mức một con số với tăng trưởng giá trị 8,7% và tăng trưởng khối lượng 6,2%. Các ngành hàng thực phẩm hiện đang tăng trưởng tốt hơn các ngành hàng phi thực phẩm về cả khối lượng lẫn giá trị trong bối cảnh người tiêu dùng nông thôn đang ưu tiên cho nhu cầu thiết yếu.

Trong suốt quý 3 vừa qua, ngành hàng thức uống lúa mạch vị sô cô la dạng nước (*) đạt mức tăng trưởng ấn tượng 38% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước, nhờ thu hút thêm 100.000 hộ mua mới và tăng trưởng 8% khối lượng tiêu dùng trung bình của mỗi hộ. Ở nông thôn, ngành hàng sữa chua uống là ngành hàng tăng trưởng ấn tượng nhất với mức tăng 47% về khối lượng tiêu dùng, nhờ tăng 15% tiêu dùng trung bình của mỗi hộ và thu hút thêm 600.000 hộ tiêu dùng mới.

Tăng trưởng ở tất cả các kênh tiêu dùng chính ở thành thị đều chững lại. Kênh hiện đại, đặc biệt là siêu thị / đại siêu thị đang suy giảm. Ở nông thôn, chợ tiếp tục chịu mức tăng trưởng thấp trong khi tiệm tạp hóa có dấu hiệu giảm tốc.

Khai phá thị trường nông thôn Việt Nam

Là nơi cư ngụ của gần 70% dân số cả nước và đóng góp 60% GDP, nông thôn Việt Nam là một mục tiêu tiềm năng và không thể bỏ qua trong chiến lược phát triển của nhà sản xuất. Các hộ gia đình nông thôn đã nhanh chóng chuyển mình trong thập kỷ qua. Với việc trang bị cho mình ngày càng nhiều thiết bị hiện đại, người tiêu dùng nông thôn ngày càng kết nối chặt chẽ hơn với thế giới và có nhiều công cụ hơn để mang lại cuộc sống tiện nghi hơn.

Theo kết quả kháo sát của Kantar Worldpanel vào cuối năm 2013, hiện nay có thể dễ dàng tìm thấy điện thoại di động ở gần như mọi hộ gia đình nông thôn. Cứ 2 hộ ở nông thôn thì có 1 hộ có sở hữu tủ lạnh ở nhà. Việc ngày càng nhiều hộ gia đình có sở hữu tủ lạnh sẽ khuyến khích các hộ gia đình nông thôn tiêu dùng các sản phẩm sữa, đồ uống và các thực phẩm khác nhiều hơn. Máy giặt cũng đang gia tăng sự hiện diện ở nông thôn với 15% hộ gia đình nông thôn có sở hữu thiết bị này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nông thôn đã bắt đầu so kè với những người anh em ở thành thị trong việc trang bị các sản phẩm và dịch vụ công nghệ – tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có sở hữu máy tính cũng như có kết nối mạng internet tuy chưa nhiều nhưng đang tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.

David Anjoubault – Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam – nhận định: “Với thu nhập thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị, các hộ gia đình ở nông thôn chỉ chi tiêu 600.000VND cho hàng FMCG mỗi tháng, với phần lớn dành cho thực phẩm đóng gói. Mặc dù vậy, thị trường nông thôn lại chưa đem đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng khi mua sắm FMCG, với số sản phẩm FMCG có mặt trên thị trường nông thôn chỉ bằng một nửa ở thị trường thành thị. Điều này cho thấy nông thôn Việt Nam vẫn mang lại nhiều cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng cùng với lợi thế dành cho người đến trước”.

(*): Là thức uống làm từ lúa mạch có vị sô cô la (ví dụ như Milo, Ovaltine, v.v…)

Nguồn Kantar Worldpanel