Bỏ bánh kẹo, Kinh Đô còn gì?

Từ chỗ chỉ là ông lớn chuyên doanh bánh kẹo, hiện Kinh Đô còn bước chân sang kinh doanh nhiều mặt hàng khác, trong đó có dầu ăn, cà phê và mì gói.

Chiếm khoảng 76% thị phần bánh trung thu tại Việt Nam (theo báo cáo năm 2014) và luôn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng từ 10% đến 30% qua mỗi mùa, nhưng từ lâu, những ông chủ của Kinh Đô đã nhìn thấy sự chật hẹp trong mảnh đất bánh kẹo. Phần lớn mức tăng lợi nhuận và thị phần của doanh nghiệp này trong suôt 3 năm qua đều đến từ khả năng kiểm soát chi phí, hệ thống phân phối chứ không phải nhờ tăng doanh thu đã cho thấy "chiếc áo" bánh kẹo dường như không còn vừa với Kinh Đô.

Để chuẩn bị kế hoạch tái cơ cấu, trong suốt nhiều năm qua, Kinh Đô đã bước chân sâu vào ngành công nghiệp thực phẩm. Từ việc đơn vị này mua cổ phần tại công ty dầu ăn, sở hữu vốn chi phối tại một hãng cà phê đến lên kế hoạch tung ra thương hiệu mì gói riêng. Cụ thể, với thị trường dầu ăn (quy mô ước tính khoảng 22.300 tỷ đồng), Kinh Đô đã mua lại khoảng 24% vốn của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) vào phiên IPO ngày 25/7.

Kinh Đô đã có tới 5 năm chuẩn bị cho kế hoạch tái cơ cấu, nhưng việc chuyển từ một "ông lớn đơn ngành" sang "người mới đa ngành" là bài toán không dễ giải quyết. Ảnh: Kinh Đô.

Số tiền mà Kinh Đô đã phải bỏ ra để có được hơn 9 triệu cổ phần Vocarimex là khoảng 121 tỷ đồng, nhưng đây chưa phải là tất cả. Mục tiêu của ông lớn này là tiếp tục thâu tóm thêm cổ phần, để sở hữu khoảng 51% vốn của Vocarimex, đồng nghĩa với việc chi phối được doanh nghiệp này. Nếu kế hoạch này thành công, số vốn đầu tư của Kinh Đô tại Vocarimex có thể vượt 260 tỷ đồng, và khống chế một thị phần dầu ăn lớn, bởi Vocarimex đang nắm 51% cổ phần của Tường An, 24% cổ phần Cái Lân, 49% cổ phần Golden Hope Nhà Bè và 27% cổ phần Tân Bình.

Với cà phê, dù không tiết lộ tỷ lệ sở hữu nhưng chủ tịch Kinh Đô từng khẳng định đang nắm trong tay vốn chi phối của thương hiệu PhinDeli. Điều đáng chú ý là PhinDeli từng tạo ra danh tiếng trên toàn thế giới sau thương vụ mua lại thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ của ông Phạm Đình Nguyên.

Dù bán mảng bánh kẹo, nhưng phía Kinh Đô vẫn không rời bộ phận kinh doanh kem KIDO và sản phẩm từ sữa cùng chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Riêng với mì gói, tập đoàn này đã bắt đầu kế hoạch hợp tác với Sài Gòn Vewong (được biết đến với thương hiệu mì gói và bột ngọt A-One) để đưa ra thương hiệu mì gói chiên mới. Không tiết lộ tỷ lệ góp vốn trong thương vụ cùng Sài Gòn Vewong nhưng ngay trong ĐHCĐ diễn ra vào cuối tháng 6/2014, tập đoàn này đã từng khẳng định sẽ tung sản phẩm mì gói ra thị trường khi kết thúc quý III. Tuy nhiên, đến nay, thị trường vẫn đang chờ đợi động thái này của Kinh Đô.

Dù bán mảng bánh kẹo, nhưng phía Kinh Đô vẫn không rời bộ phận kinh doanh kem KIDO và sản phẩm từ sữa cùng chuỗi cửa hàng bán lẻ. Đây có thể là những quân bài chiến lược của Kinh Đô trong cuộc đua khó khăn tại mảng thị trường mì gói và cà phê, dù kinh doanh sữa đang có dấu hiệu "giậm chân tại chỗ" và sắp tới có thể phải chịu cạnh tranh từ một thế lực mới, đó là Hoàng Anh Gia Lai. Thực tế, chính đối tác của Kinh Đô trong ngành cà phê từng nhận định, hệ thống phân phối và bán lẻ rộng lớn của doanh nghiệp này chính là nguyên nhân để PhinDeli quyết định hợp tác, thay vì những tên tuổi đã nổi danh khách.

Tất nhiên, mọi sự đổi mới đều đi kèm với thách thức. Không giống như trong mảng bánh kẹo, khi đã nắm thị phần lớn và là một "con cá mập", Kinh Đô sẽ phải trải sức trên cả 3 ngành mới, và chịu sức ép cạnh tranh từ những tập đoàn đã nổi danh, như Masan hay Trung Nguyên...

T.A
Nguồn Zing News