Thương mại điện tử: Bài học từ thị trường 400 tỷ đô

Thương mại điện tử: Bài học từ thị trường 400 tỷ đô

Chênh lệch trong dịch vụ giữa việc mua hàng online và mua hàng truyền thống chính là chìa khóa để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Với sự tương đồng giữa người dùng ở hai quốc gia, các chuyên gia trong ngành đang kỳ vọng vào một kết quả tương tự khi áp dụng kinh nghiệm từ láng giềng vào thực tiễn của Việt Nam.

Nuôi niềm tin

Không phải ngẫu nhiên mà Bangkok Post từng ví von TMĐT Việt Nam thời gian vừa qua là "gã khổng lồ đang ngủ quên". Lượng người dùng internet lớn nhưng tâm lý e ngại các giao dịch trực tuyến đã trở thành rào cản khiến TMĐT Việt Nam mãi không thể cất cánh.

Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối Thương mại Điện tử VCCorp, nhận xét, thị trường hiện chỉ mới có được khoảng hơn 2 triệu khách hàng mua hàng qua TMĐT. Con số này quá nhỏ so với gần 40 triệu người Việt Nam dùng internet và dân số 90 triệu.

Tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ của người tiêu dùng Việt Nam ở các khu vực.

Đồng quan điểm, ông Brian Teo, CEO Chợ Tốt, cũng cho rằng rào cản lớn nhất hạn chế sự phát triển TMĐT Việt Nam chính là niềm tin từ phía người dùng. Sau 2 năm, Chợ Tốt đã có hơn 800.000 lượt truy cập mỗi ngày và hơn 10 triệu người truy cập/tháng.

Được biết, hệ thống thương mại điện tử C2C này sử dụng 100 nhân viên duyệt các tin trước khi chính thức phổ biến trên ChợTốt.vn nhằm đảm bảo tính xác thực, hợp lệ... của tin đăng. "Hiện tại, chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà đề cao nhiệm vụ tạo dựng uy tín với cộng đồng", ông Brian Teo cho biết.

Dạo một vòng quanh các sàn giao dịch nhỏ dễ thấy các cảnh báo lừa đảo trên những trang này là một danh sách... bất tận. Vụ lừa đảo lô iPhone 6 trị giá 30 tỷ đồng trên trang nhattao.com và 5giay.com đầu tháng 11/2014 vừa qua là một ví dụ.

"Người dùng buộc phải tỉnh táo trước những thông tin khuyến mãi khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử"

Ông Lâm Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Mắt Bão cho biết, những giao dịch lừa đảo trên các diễn đàn mua bán rao vặt, C2C chính là lưỡi dao giết chết niềm tin của người dùng TMĐT. Đó cũng là lý do vì sao thanh toán trực tiếp trong giao dịch trực tuyến (COD) vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất trong giao dịch TMĐT Việt Nam.

Hình thức thanh toán này hoàn toàn bất lợi cho các DN triển khai TMĐT nên đã phần nào gây nên tâm lý e ngại khi DN quyết định bước vào hay không tham gia TMĐT. "Vấn đề lừa đảo thì ở đâu cũng có thể xảy ra. Người dùng buộc phải tỉnh táo trước những thông tin khuyến mãi khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử", ông Bình tư vấn.

Dịch vụ quyết định tất cả

Nhìn nhận từ TMĐT Việt Nam, ông Takashi Okita, Giám đốc Điều hành Asia Econtext, cho biết, để xây dựng niềm tin cho người dùng hoàn toàn không khó. Ở Nhật Bản, các DN mất khoảng 15 năm để gây dựng thói quen mua sắm trực tuyến cho người dùng.

Bài học từ thị trường Trung Quốc cho thấy, trong năm 2011, giá trị TMĐT của quốc gia này chỉ bằng ½ Nhật Bản nhưng nay đã gấp đôi. Doanh số bản lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã tăng gần bốn lần trong vòng 2 năm. Dự báo của các chuyên gia trong ngành cho thấy, năm 2015, Trung Quốc sẽ là sàn TMĐT lớn nhất thế giới nhờ thế mạnh có dân số lớn.

Người tiêu dùng Việt Nam đã khá ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến, vấn đề còn lại là xây dựng lòng tin.

"Giá trị TMĐT của quốc gia này đang tiến đến 400 tỷ/năm, lớn hơn tất cả các thị trường trên thế giới vì người dùng lớn", ông Takashi Okita chia sẻ. Điểm mấu chốt là chênh lệch giữa chất lượng và trải nghiệm giữa mua bán online - offline đã khiến mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc trở thành lựa chọn hàng đầu.

Theo vị giám đốc này, các DN khi chọn con đường TMĐT để đến với khách hàng ở Trung Quốc, họ đầu tư rất bài bản trong khâu dịch vụ, chỉn chu trong khâu giao nhận, thường xuyên ưu đãi... Tất cả đều cố gắng để tạo nên sự thoải mái, tiện lợi nhất cho khách hàng.

Ông Takashi Okita khẳng định, Nhật Bản, tuy có chênh lệch về chất lượng dịch vụ giữa bán hàng online và offline nhưng ở Trung Quốc, sự chênh lệch là rất lớn. Người dùng tận hưởng các tiện ích online. "Chính sự chênh lệch này đã giúp TMĐT Trung Quốc có bước phát triển vượt trội. Việt Nam cũng sẽ có những bước phát triển tương tự nếu biết chăm sóc khách hàng như thế”, ông Takashi Okita tư vấn.

Đáng mừng là một số DN trong nước cũng đã bắt đầu tạo nên sự chênh lệch trong dịch vụ bán hàng trực tuyến như giảm thêm % giá trị hàng hóa khi mua trực tuyến, miễn phí giao hàng tận nơi, đầu tư hình thức đóng gói hàng hóa... để kích cầu cho TMĐT.

Ở các sàn giao dịch, mọi cố gắng đang được tập trung vào khâu chọn lọc thông tin nhằm đảm bảo cho các giao dịch từ sàn được thành công, xây dựng các chứng chỉ để đảm bảo bảo mật thông tin cho khách hàng... Đây được xem là những bước đi đầu tiên để gây dựng lòng tin cho TMĐT Việt Nam, vốn đã có hơn 10 năm phát triển trong trạng thái làng nhàng.

Ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết: "Đến tháng 1/2015, chúng tôi sẽ triển khai chương trình giao hàng trong ngày hoặc đến ngày hôm sau tại TP.HCM và Hà Nội thay vì phải mất 3 - 4 ngày".

Lazada.vn muốn trở thành một trung tâm tham chiếu giá trên thị trường. Và hiện giá của Lazada.vn thấp hơn 50 đối thủ tại Việt Nam từ 5% - 10%, ngoài ra còn liên tục có các đợt khuyến mãi hấp dẫn giá có thể giảm đến 50%.

Phương Uyên - Đặng Quý Yên
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn