Mở lối để thuốc Việt bứt phá
Hiện nay, ngành dược Việt Nam đã sản xuất được hơn 12.000 loại thuốc và chi phí tiêu dùng thuốc bình quân của người Việt đã đạt mức khoảng 31 USD/người/năm.
Tuy nhiên, thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 50% thị phần, chủ yếu là thuốc có dạng bào chế đơn giản, giá trị không cao. Vì thế để thuốc sản xuất trong nước phát triển thay thế dần thuốc ngoại nhập đang là vấn đề cấp bách đặt ra đối với chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến 2020.
Thuốc nội - nguyên liệu ngoại
Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tính đến tháng 12-2014, số cơ sở sản xuất thuốc, vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) đã lên tới hơn 130 doanh nghiệp, trong đó có 104 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 25 doanh nghiệp sản xuất đông được và 4 cơ sở sản xuất vaccine. Các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được khoảng 12.000 loại thuốc với 520 loại hoạt chất. Nếu so với khoảng 11.000 loại thuốc ngoại trên thị trường thì thì thuốc Việt đang “thắng thế” số lượng nhưng lại thua về giá trị. Thuốc ngoại dù ít hơn về số lượng nhưng giá trị có hơn, diện bao phủ rộng hơn tới gần 1.000 hoạt chất, trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm có giá trị về kinh tế rất lớn.
Vì thế dù chi phí tiêu dùng thuốc bình quân của người Việt đã lên ở mức 31,18 USD/người/năm nhưng phần lớn là mua thuốc ngoại.
Mặc dù thuốc sản xuất trong nước liên tục có sự tăng trưởng nhưng tới nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, để phục vụ cho sản xuất thuốc trong nước thì có tới 90% nguyên liệu là phải nhập ngoại nên điều này ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành và giá trị của thuốc Việt. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp dược Việt Nam chưa thực sự bứt phá, vẫn sản xuất nhiều loại thuốc trùng lắp và chủ yếu là các loại thông thường, bào chế đơn giản và giá trị thấp.
Thống kê của Cục Quản lý dược, thuốc nội hiện có tới 260 tên thuốc cùng hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau, 223 tên thuốc cùng là vitamin hoặc thuốc bổ. Trong khi đó, các loại thuốc đặc trị, bào chế phức tạp như thuốc giải độc, gây mê, thuốc tim mạch hầu như không sản xuất được.
TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho rằng, tình trạng trùng lắp nhiều loại thuốc là do các doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư sản xuất các thuốc có dạng bào chế thông thường, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thị phần thuốc trong nước buộc phải chia nhỏ khó đảm bảo lợi nhuận và giữa các doanh nghiệp “trong nhà” phải cạnh tranh mạnh mẽ với nhau.
Để thuốc Việt phát triển
Theo TS Trương Quốc Cường, để đạt được mục tiêu, giúp cho thuốc Việt dần thay thế thuốc ngoại nhập và chiếm lĩnh thị trường nội địa, chúng ta sẽ phải phát triển ngành công nghiệp dược theo hướng chuyên môn và hiện đại hóa để có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic, phát triển công nghiệp hóa dược. Bởi lẽ nếu chúng ta sản xuất được các thuốc generic chất lượng tốt, thay thế thuốc ngoại sẽ thì giá thuốc trong nước sẽ giảm và hơn nữa thuốc do chúng ta sản xuất sẽ phổ biến và chiếm thị phần cao hơn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát huy tiềm năng thế mạnh là các loại thuốc dược liệu, thuốc nam. “Nếu chúng ta dùng nguyên liệu này để phát triển sản xuất thuốc trong nước thì chắc chắn là ngành dược trong nước sẽ ngày càng phát triển…” - TS Trương Quốc Cường nhận định.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành y tế đang tập trung xây dựng thương hiệu thuốc quốc gia, trong đó bước đi bước đầu tiên là việc triển khai chương trình “Con đường thuốc Việt” nhằm chọn ra 62 sản phẩm trong số 12.000 sản phẩm thuốc Việt Nam hiện nay và 30 doanh nghiệp xuất sắc trong sản xuất và cung ứng thuốc.
Trên cơ sở này, Bộ Y tế sẽ có những giải pháp hỗ trợ nhằm tăng cường thông tin quảng bá, tuyên truyền, ghi trên bao bì để người dân biết rõ và sử dụng nhiều hơn để tăng doanh số. Đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ y tế trong ngành y tế, đặc biệt là bác sĩ phải quan tâm nhiều hơn tới thuốc do Việt Nam sản xuất.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng có những quy định yêu cầu hội đồng thuốc trong bệnh viện cũng phải chú trọng đưa thuốc sản xuất trong nước vào sử dụng. Quan trọng hơn, bản thân các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cũng phải tự hoàn thiện mình, tập trung và tăng cường đầu tư để sản xuất ra những dòng thuốc có chất lượng, hiệu quả và có uy tín. Đây chính là yếu tố lớn nhất quyết định sự phát triển và thành công của thuốc Việt ngay trên sân nhà.
Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030 đã chỉ rõ mục tiêu: Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sản xuất được 20% nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc sản xuất trong nước phải chiếm lĩnh tới 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong nước.
Khánh Nguyễn
Nguồn Sài Gòn Giải Phóng