Ngành thời trang Việt: Nặng gánh chi phí

Ngành thời trang Việt: Nặng gánh chi phí

Sau các thương hiệu thời trang có tên tuổi lâu năm như Ninomaxx, PT2000, Blue, Việt Thy, Vee Sendy, Sifa, Ha Gatini, đã có hàng loạt thương hiệu mới ra đời như Labella, Marc, Miki, Sensorio, Sensorial và Mike Style... Dù những thương hiệu mới này tạo ra một làn gió mới nhưng thời trang Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại trước mắt.

Ra đời vào năm 2009, đến nay, thương hiệu thời trang Seven AM đã mở rộng thành 13 cửa hàng ở vài tỉnh - thành. Thương hiệu White Ant hướng vào thời trang công sở nữ nay cũng đã có đến 9 showroom, trong đó 8 showroom tại Hà Nội và 1 showroom tại Thái Lan.

Ông Mai Nguyễn, sáng lập thương hiệu Mike Style, cho biết: "Tuy mới ra đời 2 năm nhưng doanh số của Mike Style khá ổn. Năm nay mức tăng trưởng khoảng 30 - 40% so với năm 2013".

Chủ thương hiệu thời trang nữ Sensorial cũng cho biết, tình hình kinh doanh khả quan, doanh thu năm 2014 tăng trưởng khỏang 25 - 35%. Sau khi ổn định lượng khách hàng tại TP.HCM, Sensorial mở thêm chuỗi cửa hàng ở Đà Nẵng, Hà Nội...

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Fashion Việt Nam, cho biết: "Xu hướng của nhiều khách hàng hiện nay là chuộng mua thời trang có nhãn hiệu, cửa hàng trưng bày đẹp. Vì vậy, đây cũng là xu hướng để các doanh nghiệp kinh doanh thời trang Việt cạnh tranh xây dựng hình ảnh thương hiệu, nhất là mở chuỗi cửa hàng để tăng quảng bá”.

Tiên phong trong việc phát triển thương hiệu thời trang tại thị trường nội địa, Thời trang Việt đã nhanh chóng thay đổi chiến lược sản phẩm, thị trường và kênh phân phối bằng việc xây dựng chuỗi cửa hàng one-stop shop có quy mô lớn, trưng bày nhiều loại sản phẩm cho đủ phân khúc.

Nhìn nhận xu hướng này, ông Nguyễn Hữu Phụng, chủ thương hiệu thời trang Ninomaxx (Công ty Thời trang Việt), cho biết: "Đây là chiến lược đón đầu cạnh tranh của Ninomaxx với các nhãn thời trang ngoại sắp đổ vào Việt Nam".

Tuy nhiên, theo ông Phụng, các cửa hàng của Thời trang Việt hiện mới chỉ ở quy mô vừa phải, từ 800 - 1.000m2 so với chuẩn của các nước là 2.000 - 3.000m2, hàng hóa vẫn chưa đủ ở các phân khúc khác nhau. Chi phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng như vậy tối thiểu 6 - 8 tỷ đồng, số tiền quá lớn với khả năng tài chính của hầu hết DN vừa và nhỏ.

Qua tìm hiểu, sau 2 năm mở chuỗi cửa hàng one top shop, điểm được lớn nhất của mô hình này là giữ được giá trị cũng như sự hiện diện thương hiệu cho Ninomaxx. Tuy nhiên, với một số cửa hàng phải trả tiền thuê mặt bằng rất cao nhưng lượng khách hàng giảm sút so với những năm trước, xem ra Ninomaxx cũng chưa mấy khả quan về lợi nhuận.

Các DN ngành thời trang chưa bớt chật vật vì cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong khi sức mua giảm.

Một nhân viên bán hàng của Ninomaxx cho biết: "Những năm trước, thời điểm lễ 30/4, Noel, Tết... là dịp bán hàng mạnh nhất, nhưng năm 2013 và 2014 thì sức mua chậm hơn rất nhiều".

Ông Cường cũng cho biết, dù thị trường khởi sắc hơn so với nhiều năm trước nhưng các DN ngành thời trang chưa bớt chật vật vì cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong khi sức mua giảm. Vì vậy, dù Fashion Việt Nam dự kiến mở thêm cửa hàng nhưng đến nay cũng chưa dám thực hiện.

Bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty Thời trang Việt Thy, cho rằng, với tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn tồn tại trong khá nhiều người Việt, khi TPP có hiệu lực, những thương hiệu trung bình từ Mỹ, Nhật sẽ là đối thủ đáng gờm cho các thương hiệu Việt Nam.

Chẳng hạn, Malaysia cũng là một thành viên của TPP sẽ trở thành đối thủ khá nặng ký khi nhiều thương hiệu thời trang lớn sẽ được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi. Và nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước này cũng sẽ có giá thấp do được giảm thuế.

Xuất hiện trên thị trường với định vị ở phân khúc trung cấp, năm 2007, Công ty Dệt may Nguyên Tâm với thương hiệu Foci đã mở đến 60 cửa hàng. Thế nhưng, trong khoảng 2 năm trở lại đây, hệ thống của Foci bị thu hẹp dần. Có lúc, doanh thu của Công ty đã giảm đến 50%.

Giai đoạn cuối 2012 đầu 2013, cửa hàng Foci trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM đã phải trả lại mặt bằng và chuyển sang thuê khu đất trống gần đó để bán hàng giảm giá. Hiện Foci không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ thời trang mà chuyển sang may gia công đồng phục và xây dựng website, tìm cách bán hàng qua mạng.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm giải thích, kinh doanh thời trang cần mặt bằng lớn, trong khi giá thuê mặt bằng lại tăng liên tục nên doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Đã vậy, còn phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ và nạn hàng giả, hàng nhái.

Không chỉ Foci mà hầu hết các công ty kinh doanh thời trang trong nước cũng đều đang phải thu hẹp thị trường. Dù đã đầu tư làm lại hệ thống nhận diện thương hiệu nhưng doanh thu từ hệ thống bán lẻ của Việt Tiến vẫn giảm mạnh và thương hiệu này đang co hẹp mặt bằng bán lẻ.

Ông Mai Nguyễn cho biết, ứng dụng của sản phẩm và dịch vụ bán hàng là hai khâu quan trọng nhất của kinh doanh thời trang. Nhưng đây cũng là điểm yếu khiến các DN thời trang dù đầu tư nhiều kinh phí cho cửa hàng và thương hiệu nhưng lại sớm thất bại.

Đại diện thương hiệu The Blue Exchange cũng giải thích về khó khăn này: "Chi phí mặt bằng quá cao trong khi sức tiêu thụ giảm nên các thương hiệu thời trang đều gặp khó khăn. Thu hẹp là phương án an toàn trong giai đoạn này".

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn