Khi người tiêu dùng nắm quyền

Công nghệ ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn từ phía các doanh nghiệp.

Ngày nay, cạnh tranh trong kinh doanh diễn ra hằng ngày hằng giờ và trên mọi “mặt trận”, từ thị trường truyền thống đến những thị trường mới được tạo ra nhờ công nghệ và internet. Người tiêu dùng cũng vì công nghệ mà bắt đầu thay đổi thói quen chọn lựa và mua sắm của mình. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì trước một viễn cảnh như vậy?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sean Cang, Giám đốc Bộ phận Giải pháp Doanh nghiệp, Samsung Việt Nam, về những xu hướng của công nghệ trong kinh doanh và các giải pháp mà doanh nghiệp có thể đầu tư để cạnh tranh ở thời đại mới.

Ông Mai Sean Cang, Giám đốc Bộ phận Giải pháp Doanh nghiệp, Samsung Việt Nam

* Ông từng khẳng định rằng công nghệ đang khiến cho sức ảnh hưởng của người tiêu dùng lên doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Vì sao, thưa ông?

Khác với thế hệ người tiêu dùng trước kia, những người tiêu dùng trẻ ngày nay đã được công nghệ “vây chặt” từ khi vừa sinh ra. Họ được gọi là thế hệ người dùng Gen Z. Ví dụ, khi lứa đầu tiên thuộc Gen Z ra đời, internet đã xuất hiện gần 5 năm. Sau đó là sự xuất hiện của Facebook (2004), YouTube (2005) và chiếc smartphone đầu tiên ra mắt năm 2006. Rõ ràng, Gen Z có thể được xem là lớp người tiêu dùng am hiểu và phụ thuộc vào công nghệ nhất từ trước đến nay.

Cũng chính vì lý do này mà Gen Z thường tỏ ra không mấy hào hứng với những doanh nghiệp tìm cách tiếp cận họ theo những cách “cổ điển”, như quảng cáo trên các kênh truyền thống hay sử dụng một thông điệp chung cho tất cả mọi người.

* Các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để hiểu và khai thác được thế hệ người tiêu dùng trước kia. Theo ông, để hiểu và khai thác thành công những người dùng trẻ, liệu doanh nghiệp sẽ phải tốn kém hơn nữa hay không?

Nếu biết đầu tư đúng chỗ thì doanh nghiệp sẽ không những tiết kiệm được chi phí mà còn đánh trúng thị hiếu của người dùng trẻ, qua đó nâng cao lợi nhuận.

Nếu biết đầu tư đúng chỗ thì doanh nghiệp sẽ không những tiết kiệm được chi phí mà còn đánh trúng thị hiếu của người dùng trẻ, qua đó nâng cao lợi nhuận. Hãy nhìn vào ngành bán lẻ. Bạn có biết rằng ở những cửa hàng thời trang lớn trên thế giới, người ta đã đổi từ những bảng quảng cáo in truyền thống sang trình chiếu sản phẩm trên những màn hình SMART Signage rực rỡ và cho phép khách hàng dùng tablet để phối đồ hay không? Hay những nhà hàng, quán cà phê lại chọn sử dụng Samsung SMART Signage TV, là sự kết hợp giữa màn hình hiển thị và TV để khách hàng có thể xem các quảng cáo, khuyến mãi và xem TV trên cùng một màn hình. Công nghệ ngày nay còn cho phép khách hàng có thể xem thực đơn và đặt món ăn ngay trên tablet.

Lý do rất nhiều nhà bán lẻ sử dụng công nghệ tiên tiến này là khả năng quản lý và điều chỉnh nội dung trình chiếu một cách linh động. Hình ảnh có thể thay đổi mỗi ngày chứ không theo tuần hoặc theo tháng như biển quảng cáo thông thường. Ngoài các hình ảnh tĩnh, một số cửa hàng có thể chiếu video sản phẩm, hay lịch sử sản phẩm để đem lại trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Chẳng hạn, Louis Vuitton tại Singapore đã biến cửa hàng của mình thành một khu “trưng bày” nghệ thuật và lịch sử sản phẩm với những video trên các màn hình hiển thị để giới thiệu đến khách hàng, nhằm tăng lòng tin cho thương hiệu.

* Các cửa hàng chắc chắn lo ngại về chi phí nên có lẽ công nghệ màn hình này sẽ chưa phổ biến ngay trong thời gian tới?

Chi phí đầu tư cho những công nghệ như vậy có thể sẽ cao hơn chi phí quảng cáo truyền thống trong thời gian đầu, nhưng hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở mức tăng doanh thu hay lợi nhuận, mà còn ở vị thế của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng trẻ. Người trẻ đam mê công nghệ và thích khám phá, nên họ cũng có cảm tình hơn với những doanh nghiệp theo kịp thời đại.

Samsung SMART Signage TV cho phép hiển thị thông tin khuyến mãi và nội dung TV trên cùng màn hình.

* Công nghệ phát triển thì nhu cầu của người tiêu dùng cũng phát triển. Các doanh nghiệp hiện tại cần làm gì để đối phó với những thay đổi liên tục của người tiêu dùng?

Đúng là công nghệ đang đe dọa các doanh nghiệp truyền thống. Giờ đây, cạnh tranh không chỉ giới hạn tại hai cửa hàng tại một khu vực, mà chúng ta phải quan tâm đến cạnh tranh vượt giới hạn về không gian, thời gian và cả hữu hình. Ví dụ mô hình chia sẻ nhà để ở trên mạng AirBnb là đối thủ của các khách sạn, Alibaba là đối thủ của các cửa hàng bán buôn/bán lẻ. Có hai cách để doanh nghiệp truyền thống cạnh tranh. Một là doanh nghiệp có thể tham gia mô hình kinh doanh mới, như BigC với mô hình thương mại điện tử Cdiscount. Hai là doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao lợi thế cạnh tranh sẵn có.

Ngành bán lẻ là nơi mà sự thay đổi của công nghệ có tác động rõ ràng nhất lên khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Có một thực tế là 94% giao dịch bán lẻ trên toàn thế giới hiện nay vẫn diễn ra ở các cửa hàng truyền thống. Người tiêu dùng dù trẻ hay già đều thích cảm giác được cầm sản phẩm trên tay trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Thế nên, nhà bán lẻ truyền thống phải tìm mọi cách để thu hút khách hàng đến điểm bán càng đông càng tốt và đem lại những trải nghiệm cho khách hàng mà đối thủ khó cạnh tranh. Công nghệ sẽ hỗ trợ họ làm được điều này.

Hãy thử tưởng tượng một cửa hàng thời trang hiện đại được trang bị phòng thay đồ ảo. Ở đó, khách hàng có thể thử trang phục mà không cần phải mặc vào. Phòng thay đồ ảo không chỉ giúp người mua hàng lựa chọn các trang phục khác nhau và kết hợp chúng tùy ý thích, mà còn giúp họ thử thay đổi chất liệu hoặc họa tiết khác nhau theo ý muốn. Rõ ràng, giữa một cửa hàng được trang bị công nghệ tối tân và một cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng sẽ muốn mua sắm ở nơi hiện đại hơn.

Với sự lên ngôi của internet và công nghệ, doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều cơ hội để cải tiến mô hình vận hành theo hướng hiệu quả hơn.

* Như vậy doanh nghiệp có thể dùng công nghệ để cải tiến những mô hình kinh doanh có sẵn. Vậy theo ông, trong quá trình vận hành, liệu công nghệ sẽ giúp được gì cho doanh nghiệp?

Thật sự, với sự lên ngôi của internet và công nghệ, doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều cơ hội để cải tiến mô hình vận hành theo hướng hiệu quả hơn. Không chỉ ở ngành bán lẻ, doanh nghiệp ở rất nhiều ngành nghề khác vẫn có thể đầu tư vào công nghệ để tối ưu hóa quy trình.

Có rất nhiều cách để công nghệ có thể hỗ trợ mô hình kinh doanh có sẵn. Đem lại trải nghiệm mới cho khách hàng như trên là một ví dụ. Ngoài ra, công nghệ giúp nhân viên làm việc hiệu quả và đạt năng suất cao hơn. Samsung có nhiều khách hàng là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. Trước kia, đội ngũ kinh doanh của họ phải di chuyển nhiều để xử lý đơn đặt hàng của điểm bán rất mất thời gian. Hiện tại, sau khi được trang bị tablet của Samsung, nhân viên kinh doanh chỉ mất vài phút để kiểm ra và đặt hàng cho điểm bán, dù đang ở rất xa văn phòng. Ngoài ra, thiết bị thanh toán di động mPOS sẽ là một hỗ trợ hiệu quả khi cho phép kết nối với smartphone để thực hiện thanh toán và in hóa đơn cho khách hàng ngay tại chỗ.

Cuối cùng, công nghệ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa việc quản lý. Samsung cung cấp cho khách hàng những giải pháp in ấn từ xa và bảo mật trên các thiết bị di động mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu sử dụng. Nhân viên ngày nay hầu hết là người trẻ và đều có smartphone hay tablet. Đầu tư những công nghệ này để nâng cao hiệu suất làm việc cũng như khả năng bảo mật thông tin kinh doanh là điều mà doanh nghiệp nên làm.

Phương Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư