M&A Ngân hàng 2015: Khoảng lặng trước bão

2015 là năm triệt để xử lý các ngân hàng yếu kém. Cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng lần thứ hai sẽ tiếp diễn.

Đã hơn 6 tháng kể khi công bố sáp nhập với Ngân hàng Phát Triển Mekong (MDB) tại kỳ đại hội cổ đông của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), nhưng có vẻ như những người chủ ở cả 2 ngân hàng này vẫn chưa thể kết thúc mọi thứ nhanh chóng trong năm 2014. Sự im ắng ở Maritime Bank cũng là điều diễn ra trên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng trong năm qua, khác với những dự đoán nhộn nhịp từ đầu năm. Trước một cơn bão lớn, thường có những khoảng lặng. Đó có phải là điều sắp diễn ra trên thị trường M&A ngân hàng?

Tình hình thị trường ngân hàng được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực trong năm qua.

Quay lại thời điểm nửa đầu năm 2014, không chỉ có Maritime Bank, đại hội cổ đông của các ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch sáp nhập, dù chưa nói rõ đối tượng là ai. Trong số đó có những ngân hàng lớn như Sacombank, Eximbank và cả các ngân hàng nhỏ hơn như Đông Á, PGBank, VietABank…

Tuy vậy, cho đến nay, thị trường vẫn chưa chứng kiến được thương vụ đình đám nào diễn ra, dù cho từ hồi đầu năm Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lên tiếng về việc Ngân hàng Nhà nước có thể xử lý 6-7 ngân hàng thông qua hợp nhất và sáp nhập.

Lý giải cho sự trầm lắng này, theo chia sẻ của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trên một tờ báo kinh tế gần đây, đó là vì hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã có sự cải thiện rõ rệt và những ngân hàng này không cần thiết phải sáp nhập trong giai đoạn này vì sẽ không “được giá”.

Thực vậy, tình hình thị trường ngân hàng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn trong năm qua: các ngân hàng dồi dào hơn về thanh khoản, thị trường liên ngân hàng được lập lại trật tự, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm.

Trước đây, do một số ngân hàng yếu về thanh khoản và gây rủi ro đến hệ thống nên cần được sáp nhập sớm để trở nên khỏe mạnh hơn. Còn hiện nay, ngoại trừ trường hợp Vietcombank đứng ra hỗ trợ thanh khoản trực tiếp cho Ngân hàng Xây dựng khi xảy ra sự cố thì nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã giảm đi nhiều. Khi nguy cơ giảm đi, hoạt động M&A giữa các ngân hàng cũng trở nên im ắng.

Tình hình thị trường ngân hàng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn trong năm qua: các ngân hàng dồi dào hơn về thanh khoản, thị trường liên ngân hàng được lập lại trật tự, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm.

Thế nhưng, gần kết thúc năm 2014, thị trường M&A ngân hàng lại sôi nổi trở lại với các thông tin chính thức tiếp tục được công bố, trong đó nổi bật nhất là Vietcombank. Ngân hàng này vừa công bố sẽ chính thức sáp nhập với một ngân hàng khác, sau những lần úp mở ở kỳ đại hội cổ đông hồi tháng 4.2014.

Động thái công bố lần này cho thấy Vietcombank đang bước gần hơn đến điểm chốt của thương vụ. Và nếu thành công, đây sẽ là thương vụ hợp nhất đầu tiên của một ngân hàng thuộc sự chi phối của Nhà nước sau những trục trặc trong hệ thống ngân hàng từ năm 2010. Vậy đối tượng của Vietcombank sẽ là ai?

Có 2 lý do để Ngân hàng Nhà nước đồng ý chủ trương cho các ngân hàng lớn trong những thương vụ k(Acute;p nhập: “kèm cặp” các ngân hàng yếu kém, hoặc để tăng quy mô của ngân hàng trong hệ thống. Trong trường hợp của Vietcombank, thị trường đồn đoán rằng SaigonBank sẽ về với Vietcombank. Nhưng nếu đặt mục tiêu xây dựng ngân hàng có quy mô lớn, các đối tác khác sẽ hấp dẫn hơn.

Giả sử sáp nhập Eximbank với Vietcombank thì sẽ tạo ra một ngân hàng mới có quy mô tài sản vượt cả VietinBank, ngân hàng đang có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Hiện tại, Vietcombank đều có sở hữu cổ phần ở cả SaigonBank (tỉ lệ nắm giữ 4,03%) lẫn Eximbank (8,19%).

Không chỉ Vietcombank, trước đó, VietinBank được cho là đang tìm hiểu PGBank, còn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng được kỳ vọng sẽ sáp nhập, nhưng chưa rõ đối tượng là ai.

Ở khối ngân hàng tư nhân, việc “kèm cặp” các ngân hàng yếu kém cũng đang được thực hiện. Nổi bật nhất là Sacombank với thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Tại hội nghị tổng kết ngân hàng năm 2014 ở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết nếu như năm 2013-2014, việc thực hiện tái cơ cấu là tự nguyện thì đến năm 2015 sẽ là bắt buộc. Trong đó, sẽ bắt đầu bằng thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và Ngân hàng Phương Nam, theo sau là các ngân hàng khác với chủ trương các ngân hàng chịu sự chi phối của Nhà nước sẽ kèm cặp các ngân hàng yếu kém.

Trở thành một ngân hàng có quy mô lớn hơn dường như có ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan quản lý ở thời điểm này. Chia sẻ với báo giới, ông Thanh cho biết trong năm 2015 sẽ là năm triệt để xử lý các ngân hàng yếu kém; ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cuộc tái cấu trúc lần thứ hai, gom các ngân hàng về một mối để tạo thành những ngân hàng có quy mô lớn hơn.

Rõ ràng, có nhiều lý do để tin rằng năm 2015, M&A giữa các ngân hàng sẽ bùng nổ, sau giai đoạn tích lũy và dồn sức trong năm 2014. Đây cũng là năm cuối cùng trong giai đoạn 2011-2015 trong đề án 254 về tái cấu trúc các tổ chức tín dụng.

Thanh Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư