Cơ hội nào cho mạng xã hội ẩn danh?

Kể từ khi Facebook siết chặt quy định bắt buộc phải sử dụng tên thật, người dùng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này đã phản ứng bằng những cách khác nhau. Nếu như nhiều người chấp nhận đổi tên tài khoản để được tiếp tục sử dụng Facebook, thì cũng đã có không ít trường hợp quyết định ngừng tham gia mạng xã hội này. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn ở đây chính là sự trỗi dậy của các mạng xã hội ẩn danh, nơi người sử dụng không bị buộc phải đăng ký tên thật của mình.

Ví dụ, khi Facebook bắt đầu khóa truy cập tài khoản sử dụng tên giả vào tháng 9.2014, lượng người đăng ký sử dụng mạng xã hội ẩn danh Ello đã lập tức tăng từ 4.000 người/tuần lên hơn 30.000 người/tuần. Ello là mạng xã hội mới chỉ vừa ra đời hồi đầu năm ngoái, có thiết kế đơn giản dễ nhìn, không yêu cầu người dùng phải công khai tên thật và cũng không kiếm tiền từ dịch vụ quảng cáo. Thay vào đó, mạng xã hội này hướng đến việc tạo ra nguồn thu bằng cách thu phí thành viên nếu họ muốn sử dụng một số tính năng đặc biệt, như sử dụng nhiều tài khoản chỉ với một email đăng ký.

Cũng trong năm 2014, hàng loạt các mạng xã hội ẩn danh trên di động, nền tảng chủ yếu được giới trẻ sử dụng, đã đua nhau xuất hiện như nấm sau mưa. Những mạng xã hội kiểu mới này cho phép người dùng thoải mái bày tỏ suy nghĩ, quan điểm hay ý kiến cá nhân mà không phải sợ lộ danh tính; và có nguồn thu đến từ quảng cáo. Một số sản phẩm đáng chú ý trong nhóm này phải kể đến như YikYak, Whisper, Confide, Secret, Sneeky, Backchat, Rumr hay Truth.

Thực tế, mô hình mạng xã hội ẩn danh đã đáp ứng được nhu cầu chia sẻ ý kiến cá nhân một cách thoải mái nhất, khi mà sự e ngại về việc người khác biết mình là ai đã không còn. Các mạng xã hội mới vừa ra đời như vậy còn đặc biệt thu hút giới trẻ bởi trong cách nhìn nhận của họ, Facebook đã được xem là mạng xã hội “dành cho người lớn tuổi”. Điều tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam, khi mạng xã hội Zing Me của VNG hiện rất thành công trong việc thu hút nhóm người dùng nhỏ tuổi (dù Zing Me không phải mạng xã hội ẩn danh).

Tuy nhiên, việc các mạng xã hội ẩn danh chọn đối tượng người dùng trẻ để phục vụ cũng chính là một thử thách. Đối với các sản phẩm công nghệ và internet, người trẻ rất dễ thay đổi và thường tỏ ra không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào. Thế nên, các mạng xã hội ẩn danh cũng phải rất vất vả trong việc giữ chân người dùng bằng cách liên tục giới thiệu tính năng mới, giữa lúc thị trường ngày càng bị pha loãng bởi nhiều đối thủ.

Tại Việt Nam, mạng xã hội ẩn danh Miii trên nền di động do một nhóm khởi nghiệp xây dựng cũng vừa ra mắt và đã bắt đầu thu hút được sự chú ý của nhóm người dùng trẻ tuổi. Tuy có lợi thế là mạng xã hội ẩn danh đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm hiện tại) dành riêng cho người Việt, nhưng Miii cũng rất kỹ càng khi ứng dụng mô hình kinh doanh này tại Việt Nam. Ngay trong điều khoản sử dụng, Miii đã nêu rõ quy định người dùng không được đăng tải những chia sẻ có nội dung bị pháp luật ngăn cấm. Có thể nói, sau sự việc xảy đến với một mạng xã hội khá đình đám hồi năm ngoái khi để người dùng chia sẻ nội dung phản cảm, các nhóm khởi nghiệp công nghệ cũng đã rút ra được nhiều bài học quý giá.

Ở một quốc gia có dân số trẻ và tốc độ phổ cập internet ngày càng cao như Việt Nam, rõ ràng những mô hình kinh doanh công nghệ hướng đến đối tượng là người dùng trẻ tuổi đang trở nên ngày càng tiềm năng. Mạng xã hội ẩn danh là một trong số đó. Dù vậy, các nhóm khởi nghiệp có ý định đầu tư thực hiện mô hình này sẽ phải cẩn trọng hơn rất nhiều. Bởi bên cạnh những thử thách thường gặp khi khởi nghiệp, các nhóm khởi nghiệp làm mạng xã hội ẩn danh còn phải đối mặt với những nguy cơ đến từ chính sản phẩm của mình. Đơn cử như tại Mỹ, mạng xã hội ẩn danh đã bị chỉ trích là môi trường thuận lợi cho sự gia tăng vấn nạn bắt nạt trực tuyến (cyberbullying); và cũng đã có trường hợp người trẻ tự tử khi bị đối tượng ẩn danh dùng công cụ này để quấy nhiễu.

Hà Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư