Honda thay soái

"Tôi thà chết còn hơn đi bắt chước kẻ khác”, đó là câu nói của Soichiro Honda, nhà sáng lập nên hãng xe giờ là công ty sản xuất ôtô lớn thứ ba của Nhật.

Nhưng ông chủ hiện tại của Honda, ông Takanobu Ito, thì chịu kết cục ít bi thảm hơn sau khi cố theo chân của Toyota khi ông ráo riết theo đuổi bành trướng quá nhanh nhằm rút ngắn khoảng cách với các đối thủ (vì bành trướng quá nhanh, cách đây vài năm Toyota cũng đã rơi vào cuộc khủng hoảng về chất lượng sau các đợt thu hồi ôtô quy mô lớn, nhưng kể từ đó Toyota đã lấy lại được hình ảnh và tiếng tăm của mình).

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Honda tuyên bố Ito sẽ rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc (CEO) hãng xe này (có hiệu lực vào cuối tháng 6.2015) sau một năm hứng chịu những đợt thu hồi ôtô và doanh số bán đầy thất vọng, khiến cho Công ty đã có 2 lần đưa ra khuyến cáo về lợi nhuận chỉ trong vài tháng. Người thay ông là Takahiro Hachigo, một cựu chiến binh đã có hơn 30 năm làm việc ở Honda.

Ông Takanobu Ito (trái) sẽ nhường chức Tổng Giám đốc Honda cho ông Takahiro Hachigo.

Quyết định từ chức của Ito không hẳn là quá sớm. Giống như Ito, người đã giữ chức CEO Honda từ năm 2009, hầu hết những người tiền nhiệm gần đây nhất của ông đều cầm cương tại Honda khoảng 6 năm. Nhưng thời điểm từ chức của Ito chắc chắn rằng có một phần bị tác động bởi cuộc khủng hoảng thu hồi ôtô đang diễn ra.

Kể từ năm 2008, Honda đã thu hồi 14 triệu chiếc trên toàn cầu để thay thế túi khí bị lỗi do Takata sản xuất (Takata là một nhà cung cấp Nhật mà Honda có tỉ lệ nắm giữ cổ phần 1,2%). Mặc dù có ít nhất 9 hãng xe khác cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt thu hồi liên quan đến túi khí, nhưng Honda lại là khách hàng lớn nhất của Takata. Các cuộc điều tra về cách Honda phản hồi trước vụ sản phẩm bị lỗi đã khiến Công ty bị Chính phủ Mỹ phạt 70 triệu USD vì đã không báo cáo hơn 1.700 sự cố thương vong cho các cơ quan quản lý suốt hơn 11 năm qua.

Các vấn đề về chất lượng của Honda không chỉ dừng lại ở túi khí. Hãng xe này đã thu hồi chiếc FIT, mẫu xe bán chạy nhất của Công ty ở Nhật, tới 5 lần kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2013 và đã thu hồi chiếc crossover (dòng xe lai giữa sedan và SUV) Vezel tới 3 lần. “Honda vừa mới trải qua thời kỳ tồi tệ nhất từ trước đến nay về vấn đề chất lượng. Giờ họ đang có một khởi đầu mới mẻ”, Takeshi Miyao, chuyên gia phân tích ngành ôtô tại hãng nghiên cứu Carnorama, nhận xét.

Mặc dù Ito từ bỏ các vị trí Chủ tịch và CEO, nhưng Honda cho biết ông vẫn có chân trong Hội đồng Quản trị và giữ vai trò là cố vấn cấp cao cho hãng xe này. Sự ra đi của Ito khiến nhiều người liên tưởng đến quyết định giữ lại CEO Mary Barra của General Motors mặc dù hãng xe Mỹ này đã phải thu hồi 2,59 triệu chiếc xe cỡ nhỏ do lỗi ở công tắc đánh lửa được cho là dẫn đến cái chết của ít nhất 57 người.

“Với Barra, việc thu hồi xe xảy ra một thời gian ngắn sau khi bà được giao vị trí CEO. Còn đối với Ito, các vấn đề túi khí của Honda là một vấn đề kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng kể từ khi ông được giao trọng trách lèo lái Honda”, Karl Brauer, chuyên gia phân tích tại Kelley Blue Boook, nhận xét.

Cuộc khủng hoảng thu hồi đã làm suy giảm tiếng tăm về chất lượng của Công ty, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh. Honda giờ dự kiến chỉ bán được 4,5 triệu chiếc trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, ít hơn 127.000 chiếc so với kỳ vọng trước đó. Và đáng chú ý là mới đây, Ito cho biết Công ty sẽ từ bỏ mục tiêu đạt được lượng xe bán ra 6 triệu chiếc vào năm 2017 để các kỹ sư có thể tập trung vào chất lượng. “Điều này là một ân huệ lớn cho người kế vị của ông. Đó là một chương trình bán hàng do Ito đặt ra một cách ráo riết ngay từ đầu. Hoàn toàn hợp lý khi ông cũng là người tuyên bố sẽ không tiếp tục nữa”, Christopher Richter, chuyên gia phân tích tại CLSA Ltd, nhận xét.

Khi chọn Hachigo, Ito đã chọn một người có cùng gốc như ông. Cả hai đều bắt đầu sự nghiệp tại Honda trong hơn 30 năm qua với vị trí là kỹ sư. Ở vai trò kỹ sư, Hachigo đã chịu trách nhiệm giám sát quá trình phát triển của các mẫu xe được nhiều người ưa chuộng như chiếc xe tải nhỏ Odyssey và chiếc crossover CR-V. Sau đó, ông đã leo lên các vị trí quản lý ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trước khi được đề bạt lên chức Giám đốc Điều hành vào năm ngoái. Hachigo cho biết ông rất ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi từ Ito về nhiệm vụ mới. “Tôi hiểu đó là một trách nhiệm lớn”, ông nói.

Ở bên ngoài, ít ai biết đến Hachigo nhưng theo nhận xét của ông Koji Endo, một nhà phân tích lâu năm trong ngành ôtô tại Advanced Research Japan, “Hachigo là người biết lắng nghe và cổ vũ cho ý kiến của những người khác”. Endo mô tả phong cách của Hachigo là “trái ngược 180 độ với Ito”, người mà ông đánh giá là “độc tài” hơn.

Liệu Hachigo có thể giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở Honda? Mặc dù Hachigo sẽ tiếp tục theo chân của vị CEO mà đã đưa Honda trở lại giải đua Công thức 1 trong năm 2015 và đã mang chiếc siêu xe NSX quay trở lại, nhưng ông cũng sẽ phải tìm cách để tránh lặp lại sai lầm của người đi trước: quá tập trung vào kế hoạch bành trướng đầy tham vọng, dẫn đến không quan tâm đúng mức đến chất lượng và kết quả là các đợt thu hồi gần đây. Hồi tháng 2, chính Ito cũng thừa nhận lỗi chất lượng của chiếc FIT một phần là do ông đặt chỉ tiêu bán hàng quá cao.

Ở vai trò mới, Hachigo cho biết giải quyết thách thức toàn cầu hóa và phát triển các dòng xe mà ông nói rằng “có tinh thần thách thức” sẽ là hai ưu tiên của ông. Và không chỉ vực dậy thương hiệu, ông còn phải đưa Honda bắt kịp với cơn sốt xe hạng sang mà hãng xe này đã bỏ lỡ. Lượng xe Acura bán ra ở Mỹ của Honda chỉ tăng 1,5% vào năm ngoái so với 9,8% của BMW và 13,7% của nhãn hàng Lexus (Toyota).

Và quan trọng hơn hết là ông phải giải quyết các thách thức từ cuộc khủng hoảng thu hồi ôtô, vốn đã khiến cho Honda phải ngưng lại kế hoạch ra mắt các mẫu xe mới khác tới 6 tháng và buộc phải dự báo giảm lợi nhuận lần đầu tiên trong 3 năm qua. Honda cho biết doanh số bán kém khả quan tại Nhật và “chi phí liên quan đến chất lượng tại Bắc Mỹ” (tức vấn đề lỗi ở túi khí) là nguyên nhân khiến lãi ròng giảm 15% trong quý III tài chính kết thúc vào ngày 31.12.2014, còn 1,2 tỉ USD. Thay vì dự kiến kiếm được 4,8 tỉ USD cho năm tài chính này thì Công ty cho biết sẽ chỉ đạt 4,6 tỉ USD.

Doanh số bán ở Mỹ cũng ảm đạm so với một số đối thủ. Năm ngoái, doanh số bán tại Mỹ chỉ tăng 1% so với năm trước đó, trong khi Toyota tăng 6,2% và cả ngành tăng 5,9%. Tại Nhật, doanh số bán bị ảnh hưởng bởi các đợt trì hoãn tung ra chiếc subcompact FIT mới. Tại Trung Quốc, doanh số bán năm 2014 chỉ tăng 4,1% trong khi toàn thị trường tăng 7%, hoàn toàn thấp hơn so với dự báo.

Vực dậy tình hình kinh doanh cho Honda sẽ là một nhiệm vụ khó khăn cho người kế vị ông Ito. Ito cho biết ông chọn Hachigo vì ông ấy có kinh nghiệm điều hành trong nhiều lĩnh vực ở nhiều thị trường nước ngoài và đây là điều cần thiết cho Honda lúc này. Hachigo cũng tin rằng ông có thể làm tốt sứ mệnh mà Ito đã giao phó. “Tôi có kinh nghiệm sâu rộng trên nhiều lĩnh vực trong nhiều năm. Và tôi tin rằng điều đó sẽ có ích cho tương lai của Honda”.

Trong khi Honda đang ra sức giải quyết các vấn đề về chất lượng, cổ phiếu của hãng xe này đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Tháng 2 vừa qua, giá cổ phiếu của Honda đã tăng hơn 11% so với mức tăng gần 7% của chỉ số Nikkei 225 Stock Average. “Chúng tôi biết rằng rồi giá cổ phiếu sẽ phục hồi trở lại nhưng có lẽ là đã phục hồi sớm hơn một chút so với những gì chúng tôi dự kiến. Có lẽ đây là một thời điểm tốt cho một gương mặt mới như ông Hachigo”, ông Richter, thuộc CLSA, nhận xét.

Ngô Ngọc Châu
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư