Thời trang trực tuyến: Những quyền lực mới

Hàng loạt trang bán lẻ thời trang trực tuyến trong và ngoài nước như Lazada, Zalora, Sendo.vn, LamDieu.com, Chon.vn... đã tạo nên sự thay đổi về cách thức kinh doanh của nhiều thương hiệu thời trang.

Zalora tăng tốc

Hoạt động từ đầu năm 2012, Zalora đã trở thành kênh mua sắm thời trang trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, với sự góp mặt của hơn 35.000 sản phẩm thời trang từ hơn 500 thương hiệu. Cuối năm 2014, ở vòng gọi vốn thứ ba, Zalora đã nhận được khoản đầu tư lên đến 112 triệu USD.

Theo đại diện Zalora, so với các nước, chi tiêu của người Việt dành cho thời trang, quần áo chỉ bằng ¼ so với Singapore. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng, tốc độ phát triển của Zalora Việt Nam lại khá tốt. Điều này có nghĩa là thị trường Việt Nam đang có nhiều tiềm năng.

Sau Zalora, Lazada cũng đạt doanh thu khả quan khi năm 2014, Lazada.vn đó tăng trưởng hơn 5 lần so với năm 2013, số sản phẩm bán ra tăng 300.000 thuộc 13 nhóm sản phẩm. Lazada cũng nhận được khoản vốn gần 520 triệu EUR từ những nhà đầu tư như Temasek, Tesco, JP Morgan, Kinnevik và Rocket Internet.

Tuy nhiên, Lazada vô tình định vị trong nhận thức người tiêu dùng là một website chuyên bán các sản phẩm điện tử, điện máy. Vì vậy, sau khi Zalora cho ra đời thương hiệu thời trang riêng thì mới đây, Lazada cũng công bố chiến lược năm 2015 sẽ đầu tư mạnh cho thương hiệu thời trang LZD "để vừa tăng vị thế cạnh tranh, đa dạng sản phẩm, vừa tránh tâm lý nhầm hiểu Lazada chỉ mạnh về các mặt hàng điện tử, điện máy", ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, giải thích.

Hàng loạt thương hiệu kinh doanh TMĐT như Sendo.vn, LamDieu.com, Chon.vn... cũng ra đời mảng kinh doanh thời trang. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, một doanh nghiệp (DN) kinh doanh TMĐT muốn tồn tại và phát triển thì phải tìm ra giá trị cốt lõi, lấy đó làm năng lực cạnh tranh khiến khách hàng nhớ đến mình, chọn mình mà không phải ở nơi khác.

Với "lý thuyết" này, xem ra Zalora đang rất tự tin khi cho rằng, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của mình là sự khác biệt. Trong khi những trang web bán hàng trực tuyến khác bày bán nhiều sản phẩm như điện thoại, laptop, máy lạnh, thời trang..., thì 100% sản phẩm của Zalora là thời trang.

Đồng thời, Zalora cũng là trang web TMĐT thời trang duy nhất tại Việt Nam có sản phẩm do chính công ty thiết kế và sản xuất chứ không chỉ là đơn vị phân phối, bán lẻ sản phẩm của các thương hiệu khác.

Đơn cử, Zalora đã cho ra đời nhãn hiệu thời trang riêng trên khu vực Đông Nam Á mang tên Zalora, được thiết kế bởi nhóm phụ trách phát triển thương hiệu riêng tại trụ sở chính ở Singapore, sau đó gia công ở Trung Quốc và phân phối đến 7 thị trường của Zalora ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Hãng tiếp tục phát triển 6 thương hiệu riêng từ giày dép, cho đến phụ kiện tại Việt Nam, nâng tổng số lượng hàng của những nhãn hiệu riêng hiện nay đang chiếm khoảng 50% số lượng hàng của Zalora Việt Nam.

Những cuộc rượt đuổi

Chon.vn cũng là một thương hiệu kinh doanh thời trang trực tuyến, tuy nhiên, không tập trung đầu tư kho bãi như Zalora. Chon.vn vận hành theo kiểu cho nhân viên đến lấy sản phẩm từ nhà cung cấp rồi giao cho khách mỗi khi có đơn hàng. Đồng thời, Chon.vn chỉ ký hợp đồng với các công ty có đăng ký kinh doanh sản xuất, nguồn hàng xuất xứ rõ ràng, có chọn lọc để phù hợp với định vị cũng như tên gọi của mình.

Với mối quan hệ sẵn có với nhiều đối tác, một lượng đáng kể hàng của Chon.vn là chính hãng từ rất nhiều công ty thời trang và các nhà thiết kế lớn trong nước và quốc tế như Việt Tiến, May Phương Đông, Minh Hạnh, Kiều Việt Liên, Morgan De Toi, Giordano...

Với hình thức quảng cáo cũng gồm Google Adword, Facebook Ads như Zalora, nhưng Chon.vn lại phong phú hơn về các website liên kết, điển hình là www.tiki.vn hay bongda.com.vn, các tạp chí chuyên ngành về thời trang, đặc biệt là tổ chức đều đặn các chương trình thời trang theo mùa, theo ngày lễ.

Cuối năm nay, đầu năm sau, Công ty sẽ mở rộng văn phòng đại diện tại Hà Nội và Đà Nẵng, để vận chuyển nhanh hơn và có thêm nhà cung cấp ở khu vực này.

Chọn tiêu chí mua sắm thời trang công sở nữ giá rẻ, năm 2015, chiến lược của Sendo.vn vẫn nhắm đến dịch vụ như cải tiến phương thức thanh toán, giao hàng, cam kết hoàn tiền 100% nếu sản phẩm không đúng mô tả. Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sendo, cho biết, trở ngại lớn nhất của TMĐT là người mua hàng chưa tin tưởng vào dịch vụ.

Vì vậy, Sendo.vn đã xây dựng một hệ thống bảo chứng trung gian để có thể giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình giao dịch. Chỉ khi cả người mua và người bán đều không có khiếu nại thì tiền mới chuyển đi. Điều đó tạo cho khách hàng sự tin tưởng vào mô hình kinh doanh này.

Tại Sendo.vn, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được món hàng, người mua hàng có thể khiếu nại để đổi trả và hoàn tiền nếu không thỏa mãn chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, người mua hàng có thể dựa vào hệ thống tính điểm Hoa Sen của Sendo.vn để chọn những shop uy tín, bán hàng có chất lượng.

"Việc cung cấp các dịch vụ thanh toán, vận chuyển bảo đảm, cho phép Sendo.vn có sự đánh giá toàn diện và chính xác về các shop. Đây là cách làm mà các trang TMĐT khác chưa thực hiện được", ông Hải Linh cho biết.

Cùng nhận ra điểm bất lợi này, đồng thời nhằm tăng mức độ nhận diện thương hiệu và kỳ vọng đóng góp 20% nguồn khách hàng mới mỗi ngày, Zalora vừa cho ra mắt mô hình "mua hàng trực tuyến tại cửa hàng" (click-and-mortar) cho những nhãn hiệu quốc tế độc quyền như River Island, Dorothy Perkins, hay dòng thời trang tự sản xuất như Label, Inner Circle, Koumi Koumi.

Bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam, cho biết: "Dù TMĐT đang được cho là bùng nổ ở Việt Nam, nhất là tại TP.HCM, nhưng thực tế nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết cách mua sắm qua mạng, cũng như e dè với hình thức này vì không được thử và tận tay sờ sản phẩm.

Showroom của Zalora được mở ra nhằm phá bỏ những rào cản đó, cho phép các DN TMĐT có thể thu hẹp những khoảng cách giữa thế giới online và offline trong ngành bán lẻ, cũng như là một công cụ tiếp thị và kinh doanh hiệu quả trong việc mang lại nguồn khách hàng mới".

Các gian hàng ảo (marketplace) trên trang bán hàng trực tuyến của Zalora chỉ dành cho các thương hiệu thời trang nhỏ và vừa, hoặc các nhà thiết kế thời trang địa phương có thêm kênh tiếp thị trực tuyến.

DN chỉ có thể tránh lệ thuộc khi liên kết trở thành một khối vững chắc và trong khối liên kết đó, mô hình kinh doanh trực tuyến với sự trợ giúp đắc lực cho DN sản xuất sẽ là sợi dây nối hai khối sản xuất - dịch vụ với nhau.

Chỉ riêng khoản đầu tư cho các gian hàng này, Zalora đã thu hút 300.000 lượt truy cập hằng ngày, giúp Zalora đạt 1,3 triệu khách hàng, thành viên với 5,879 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội Facebook; bán thành công 36.000 sản phẩm với sự tham dự của hơn 500 thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.

Giải pháp cho ngành thời trang

Sức mua hàng tại các cửa hàng kinh doanh truyền thống giảm, giá thuê mặt bằng gây áp lực với những thương hiệu thời trang trong nước. Liệu liên kết với các trang bán hàng trực tuyến có phải là giải pháp tối ưu?

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO Công ty CP Thương mại Chọn, cho biết: "Cuối năm 2009, rất nhiều nhà cung cấp sản phẩm thời trang ở Việt Nam là những công ty lớn, doanh thu cao, có thương hiệu khá tốt, nhưng website rất đơn giản. Vì vậy, Chon.vn đã nhanh chóng ra đời để bù đắp khoảng trống này".

Theo bà Vy, DN chỉ có thể tránh lệ thuộc khi liên kết trở thành một khối vững chắc và trong khối liên kết đó, mô hình kinh doanh trực tuyến với sự trợ giúp đắc lực cho DN sản xuất sẽ là sợi dây nối hai khối sản xuất - dịch vụ với nhau.

Chẳng hạn, khi DN vừa tung ra một mẫu sản phẩm mới lên gian hàng trực tuyến, thì chỉ trong vòng 1-2 ngày là biết được có bán được hay không. Không chỉ hoàn thành khâu khảo sát thị trường miễn phí, mà với những phản hồi trên website về sự hài lòng, không hài lòng sẽ là những tư vấn vô giá để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

"Chúng tôi cho rằng gian hàng online với gian hàng thực tế của DN là một. Cửa hàng online mà giới thiệu được nhiều mẫu mã, hình ảnh sản phẩm mới thì sẽ giúp bán được nhiều hàng hóa hơn ở kênh truyền thống. Và ngược lại, nếu thương hiệu của DN là thương hiệu mạnh ở kênh truyền thống, thì người tiêu dùng mới tin tưởng mua sắm trên kênh online", bà Vy cho biết.

Với quan điểm như vậy, Chọn nhanh chóng thuyết phục được G2000, Viettien tham gia một gian hàng trên website của Công ty, trưng bày toàn bộ sản phẩm, quảng bá hình ảnh trên trang online này. Hiện Công ty đã thuyết phục được 220 thương hiệu nổi tiếng có hàng đang được bày bán tại các cửa hàng ở trung tâm thương mại lớn Vincom, Parkson hợp tác.

Được biết, sau khi tham gia bán hàng trên Chon.vn, G2000 đã đạt doanh thu vài chục triệu đồng/tháng. Thương hiệu này đã quyết định dành riêng những sản phẩm cho online và Công ty Chọn là nhà phân phối độc quyền.

"Đến một lúc nào đó, hạ tầng của Việt Nam sẽ được cải thiện, tâm lý người tiêu dùng dần chuyển từ hình thức giao hàng trả tiền, sang hình thức thanh toán bằng thẻ, có những thay đổi về thói quen tiêu dùng, mua nhiều sản phẩm trong một đơn hàng thì khi đó, chi phí bán hàng online sẽ rẻ hơn bán hàng truyền thống", bà Vy dự báo.

Tương tự, đại diện Zalora cũng cho biết, 30% hàng của Zalora là của các DN thời trang như Girlie, Nino Maxx, 20% là Mango, Dorothy Perky, River Island, túi xách Vascara... Hiện nay, doanh thu bán hàng của các khách hàng này đang ổn định và có xu hướng gia tăng doanh số.

Chị Huỳnh Thị Thanh Trinh, Giám đốc Thương hiệu giày Girlie, cho biết: "Thương hiệu Girlie chủ yếu phát triển ở thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nhưng thông qua việc hợp tác với Zalora, chúng tôi cũng đồng thời nhận được rất nhiều sự quan tâm đến từ khách hàng ở các tỉnh miền Bắc và doanh thu ở khu vực này tăng rõ rệt".

Ông Linh cũng cho rằng, thời trang là một ngành hàng rất phù hợp với TMĐT. Đây là loại hàng hóa có thể mua nhiều lần trong năm, giá trị thấp, vận chuyển thuận tiện và dễ lựa chọn. Các DN lớn, có uy tín cũng đang mở rộng quảng bá, bán hàng trên mạng. Hiện trên Sendo.vn có rất nhiều shop kinh doanh thời trang thành công với đầu tư không lớn.

Với cách đi riêng là hỗ trợ DN kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang, Sendo.vn cho biết sẽ không phát triển nhãn hàng riêng như Zalora đã làm. Tùy vào chiến lược mỗi đơn vị, Sendo.vn sẽ được coi như là một kênh bán hàng chủ lực hay một kênh hỗ trợ cho website chính thức của DN.

Ông Linh khẳng định: "Khi hợp tác với Sendo.vn, số sản phẩm bán được một ngày của một DN có thể lên đến đơn vị nghìn. Trong năm 2015 này, chúng tôi tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm mua sắm tại Sendo.vn, cũng như việc phát triển các ứng dụng mua sắm trên di động.

Theo chúng tôi, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hiểu biết, ngày càng thông thái. Vì vậy, họ cũng đòi hỏi việc mua hàng phải ngày một dễ dàng và thuận tiện hơn. Thực tế, mỗi tháng có hàng nghìn shop được mở trên Sendo.vn. Và vấn đề của chúng tôi không phải là thuyết phục các shop lên Sendo.vn mà là chọn lựa những shop tốt, có uy tín để giới thiệu với người mua hàng".

Mặc dù thừa nhận kênh TMĐT hỗ trợ kinh doanh khá tốt, nhưng ông Mai Nguyễn, sáng lập thương hiệu Mike Style, cho rằng: "Về lâu dài, TMĐT sẽ là kênh bán hàng hiệu quả nhưng thời điểm này chúng tôi còn cân nhắc. Bởi nếu hợp tác với các trang web có thương hiệu riêng như Zalora, Lazada... thì e rằng hàng của mình sẽ không được ưu tiên ở những vị trí quảng bá tốt. Còn ở các trang web khác thì lại có quá nhiều nhãn hàng khiến tính cạnh tranh cao, khách hàng khó chọn lựa và ít nhận ra sự độc đáo, khác biệt trong sản phẩm của mình".

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn