Nghiên cứu thị trường: Cờ đã đến tay?

Nghiên cứu thị trường (NCTT) là việc cần làm và hết sức quan trọng, quyết định sự thành, bại của doanh nghiệp (DN) khi tung ra sản phẩm mới. Hiểu thế nhưng không phải DN nào cũng chịu đầu tư và biết cách đầu tư.

Đã quan tâm

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt, NCTT là công cụ thiết yếu, là điều kiện cần để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường thành công. Bởi thế, hầu hết doanh nhân đều cho rằng, “phải bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có” và nghiên cứu kỹ thị trường là yếu tố góp phần vào sự thành công của DN.

Tiếp thị và thử nghiệm sản phẩm - Ảnh: Quý Hòa

Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang, cho rằng, trong điều kiện khó khăn, DN có thể siết chặt công tác quản lý, giảm tối đa chi phí để tồn tại và phát triển, nhưng vẫn phải đầu tư cho NCTT.

“NCTT để cho ra đời sản phẩm mới, mà sản phẩm đó mang tính khả thi, quyết định sinh mạng của DN thì nhất thiết phải đầu tư, nếu không sẽ lạc hậu”, bà Nga nói.

Theo các chuyên gia, sự tồn tại và phát triển của DN luôn bắt nguồn từ việc khai thác thành công các cơ hội thị trường mới. Vì thế, DN cần nghiên cứu để hiểu khách hàng, đối thủ cạnh tranh cũng như để xác định các cơ hội của thị trường. Thế nhưng, nhiều năm trước, các công ty chuyên về NCTT đã đặt vấn đề này với DN nhưng không nhận được sự quan tâm.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Hội nhập Toàn cầu (GICB), cho rằng, khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường và từ thị trường chuyển sang hội nhập thì có những giai đoạn mà NCTT không phải là bước quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay, sự cạnh tranh của thị trường ngày càng khốc liệt khiến NCTT trở thành một công cụ hiệu quả trong quá trình xác định vị thế cạnh tranh và phát triển kinh doanh của DN.

Nhưng... vẫn còn yếu

Thấy được tầm quan trọng của NCTT, nhưng không phải DN nào cũng chịu đầu tư. Tuy chưa có con số thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng, nhưng theo các công ty chuyên về lĩnh vực này thì khoản chi cho NCTT của DN Việt Nam là rất nhỏ so với quảng cáo.

Có nhiều nguyên nhân khiến DN Việt Nam chưa đầu tư mạnh cho công tác NCTT. Thứ nhất là do thiếu vốn. Khó khăn trong kinh doanh những năm gần đây càng khiến DN không dám mạo hiểm đầu tư. Thứ hai, DN chưa chuyên nghiệp trong việc thực hiện công tác NCTT.

Do chưa có ý thức theo đuổi kế hoạch một cách bài bản, lâu dài nên DN cũng không “nuôi dưỡng đội ngũ để tiếp tục phát triển”, dẫn đến dễ bị tụt hậu.

Trong khi DN và tập đoàn đa quốc gia kiểm nghiệm kết quả một cách dễ dàng thì DN Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn ở khâu này. “Khi sản phẩm mới tung ra thị trường, nếu người tiêu dùng không đón nhận, các tập đoàn đa quốc gia sẽ xác định được lỗi ở khâu nào, vì quy trình NCTT đã được xác lập rất rõ ràng. DN Việt Nam thì ngược lại, rất lúng túng khi sản phẩm không đạt được mục tiêu đề ra.

Đôi khi khâu NCTT rất tốt nhưng các khâu phân phối, quảng bá sản phẩm làm chưa tới cũng dễ dẫn đến thất bại. Tuy vậy, các DN Việt Nam thường không nhận ra điều này, mà lại đánh đồng các nguyên nhân về một mối”, ông Trai phân tích.

Ngoài những nguyên nhân trên, do chưa có ý thức theo đuổi kế hoạch một cách bài bản, lâu dài nên DN cũng không “nuôi dưỡng đội ngũ để tiếp tục phát triển”, dẫn đến dễ bị tụt hậu. Và một khi đã bị rớt lại đằng sau thì DN sẽ càng nản lòng hơn khi phải đầu tư từ đầu.

Tuy nhiên, công ty nào đã chịu đầu tư thì sẽ gặt hái được kết quả khả quan. Dược Hậu Giang là một điển hình. Theo bà Nga, đơn vị này đã đầu tư nguồn kinh phí khá lớn cho NCTT.

Bình quân, mỗi năm công ty tung ra thị trường khoảng 30 - 40 sản phẩm mới, trong đó khoảng 10 sản phẩm phát triển tốt, có doanh thu cao, còn những sản phẩm còn lại được tiếp tục theo đuổi và phát triển. Tuy thời gian và mức đầu tư khác nhau, nhưng theo lãnh đạo đơn vị này, chưa có sản phẩm nào có đầu tư NCTT mà gặp thất bại.

“Để làm được điều này, đầu tiên phải có ý tưởng, sau đó đặt vấn đề với bên mình sẽ thuê NCTT. Tiếp đó là thu thập ý kiến khách hàng xem ý tưởng có khả thi hay không, nhu cầu ở mức nào, có hiệu quả và có cần phải đầu tư hay không. Sau khi có được tất cả những thông tin này thì hệ thống nghiên cứu tại nhà máy bắt đầu đưa ra những công thức cho sản phẩm mới’, bà Nga tiết lộ về quy trình ra sản phẩm mới của Dược Hậu Giang.

Theo ông Trai, để NCTT thành công, bên cạnh xác định mục tiêu và đầu tư bài bản, DN còn không được “ngủ quên trên chiến thắng”. Phải có chiến lược, xác lập rõ ràng các khâu, theo đuổi và phát triển các dòng sản phẩm mới đến cùng mới có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Bởi, “các công ty, tập đoàn nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam thường tiến chậm lúc đầu, nhưng sẽ đảo ngược tình thế và thống lĩnh thị trường ở giai đoạn sau”, ông Trai chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ những năm làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn