FPT quay về cốt lõi

“Nhằm tiếp tục đảm bảo mức tăng trưởng 2 con số của FPT trong thời gian tới, việc tách mảng thương mại là cần thiết”, ông Trương Gia Bình tuyên bố.

Một thông tin đáng chú ý vừa được công bố tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 của FPT là mức lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu trong năm qua của mảng công nghệ, viễn thông là 14,9% so với chỉ 3,1% của lĩnh vực phân phối, bán lẻ hay thương mại. “Nhằm tiếp tục đảm bảo mức tăng trưởng 2 con số của FPT trong thời gian tới, việc tách mảng thương mại là cần thiết”, Chủ tịch Trương Gia Bình nói.

Là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, chắc chắn mảng công nghệ, viễn thông vẫn phải là thế mạnh của FPT. Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 đã cho thấy điều này. Theo đó, công nghệ, viễn thông đã đóng góp 13.444 tỉ đồng doanh thu và 2.003 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế cho FPT. Kết quả này cao hơn nhiều so với doanh thu 22.510 tỉ đồng của mảng thương mại, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ có 698 tỉ đồng. Như vậy, đề xuất bán hay tách mảng này ra khỏi FPT là có cơ sở.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Vấn đề này cũng từng được đề cập tại đại hội cổ đông năm 2013 khi đại diện quỹ Caravel Fund - 1 trong 10 cổ đông lớn nhất của FPT - đã nêu rõ rằng, thương mại chính là lĩnh vực rủi ro nhất và FPT nên bán đi nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của cả tập đoàn.

“Nếu FPT xác định hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là phần mềm thì việc bán hoặc tách mảng thương mại theo tôi là nên”, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn IME Việt Nam, nói như vậy trên trang blog tư vấn của mình.

Ông Hòa cho rằng, nếu FPT phân tích kỹ chiến lược, họ sẽ nhận ra rằng yếu tố tích hợp trong các mảng hoạt động của FPT hiện không cao. Trong đó, bán lẻ và thương mại chỉ đơn thuần là kinh doanh sỉ và bán lẻ phần cứng, không dính dáng gì đến việc gia công, sản xuất phần mềm. Mặt khác, mảng thương mại ngốn nhiều nguồn lực như vốn, nhân sự, hậu cần nhưng lại có lợi nhuận khá thấp so với phần mềm. Một yếu tố nữa cũng phải xem xét là những kinh nghiệm thành công trong kinh doanh phần mềm khó có thể vận dụng vào trong kinh doanh bán lẻ và thương mại, nên dễ xảy ra tình trạng lúng túng về chiến lược hoặc định hướng sai.

FPT sẽ dành ra khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để thực thi chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A), nhất là trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông, từ 1-2 vụ/năm.

Có lẽ đó là những lý do FPT đang đầu tư tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là ngành công nghệ. Vừa qua, Đại hội cổ đông đã nhất trí với đề xuất của Hội đồng Quản trị rằng sẽ dành ra khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để thực thi chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A), nhất là trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông, từ 1-2 vụ/năm. FPT cũng đã chính thức bổ nhiệm ông Uwe Schlager (Đức) vào vị trí Giám đốc M&A của FPT từ ngày 1.4.2015. Tuy nhiên, hiện FPT vẫn giữ kín thông tin về các thương vụ M&A dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay.

Một cái khó là mảng phân phối và bản lẻ hiện chiếm trên 60% tổng doanh thu hằng năm. Điều này cũng là áp lực trước mắt cho FPT khi tách khỏi mảng này. Tuy nhiên, dù mất đi phần lớn doanh thu trong ngắn hạn nhưng bù lại các chỉ số tài chính của FPT sẽ tốt hơn và tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn trong dài hạn. Đây cũng chính là kỳ vọng của những nhà đầu tư khi muốn FPT tách mảng kinh doanh thương mại ra khỏi các hoạt động còn lại.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư