TNS Việt Nam: 'Đàn ông Hà Nội xài hàng xa xỉ nhiều hơn TP HCM'

Tại diễn đàn kết nối cơ hội đầu tư diễn ra ngày 23/10 tại TP HCM, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành, Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson (TNS) công bố báo cáo về tình hình tiêu dùng tại Việt Nam. Kết quả cho thấy 52% đàn ông tiêu dùng hàng xa xỉ, trong đó ở Hà Nội chiếm 36%, TP HCM chỉ chiếm 10% còn lại là các nơi khác. Độ tuổi chi tiêu cho mặt hàng này là 35-54 tuổi (40%) và đa phần là người có thu nhập từ 8,5 triệu đồng mỗi tháng trở lên.

Người Hà Nội xài hàng xa xỉ nhiều hơn TP HCM. Ảnh: Baohaiquan

Ông Ralf Matthaes cho biết thêm người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng xa xỉ vì nghĩ rằng những thứ này sẽ có chất lượng tốt."Và họ thường không tin những mặt hàng xa xỉ được sản xuất trong nước. Bằng chứng là người tiêu dùng sẵn sàng uống thức uống của Việt Nam và không quan tâm đến chất lượng, nhưng khi mua xe thì nhất định phải mua xe Nhật hoặc Đức...", ông nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành TNS Việt Nam còn chỉ ra, không chỉ người tiêu dùng mà các nhà đầu tư Việt Nam cũng muốn thể hiện mình nên thường xây dựng những trung tâm thương mại lớn mặc dù rất ít người đến. “Nhà đầu tư muốn tự hào về sự đầu tư công trình của mình nên đã hình thành những trung tâm thương mại lớn cho dù không thu được lợi nhuận đáng kể từ các trung tâm này”, ông nói.

Theo ông, sự lựa chọn của người tiêu dùng hiện nay dựa vào các yếu tố chính như, thứ nhất là giá, thứ 2 là các mặt hàng và thứ 3 vị trí thuận tiện. Khi dung hòa được các yếu tố này sẽ thu hút nhiều người đến siêu thị hơn.

Ngoài ra, để thu hút khách, các doanh nghiệp đã tăng cường quảng cáo. Hiện nay, người Việt Nam vẫn hay lên mạng để kiếm thông tin về sản phẩm mình mua. Cụ thể, nếu mặt hàng ăn uống chiếm 27-30% số người lên Internet để kiểm tra thì đối với các mặt hàng lớn như xe, điện tử, con số này lên 68%. "Bởi vậy, nếu kinh doanh mặt hàng điện tử thì nên xây dựng website tốt, sau đó link với những website người tiêu dùng hay tìm kiếm để dẫn dắt họ tìm hiểu sản phẩm của mình", ông khuyến nghị.

Tuy nhiên, bảng báo cáo cũng cho thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, người dân Việt Nam đang thực hiện việc tiết kiệm nhiều hơn. Năm 2011, 55% người dân tiết kiệm 5% thu nhập, đến nay thì hơn 50% người tiêu dùng đang tiết kiệm ở mức 5-10%, thậm chí 20% thu nhập hàng tháng. "Điều này ảnh hưởng đến ngành kinh doanh bán lẻ trên thị trường", ông nhận định. Thay vào đó, kết quả nghiên cứu cho biết, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu rất nhiều về giáo dục, chiếm 47% vì đây được xem là chìa khóa vạn năng giải quyết mọi khó khăn của nền kinh tế...

Xem thêm tài liệu liên quan "Thực trạng ngành bán lẻ & ngành hàng cao cấp tại Việt Nam":

Nguồn Dùng hàng Việt