Vinasun đua công nghệ cùng Uber

Dù tính pháp lý của Uber tại Việt Nam vẫn đang gây tranh cãi, nhưng với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành taxi, Vinasun đã không chịu ngồi yên chờ đợi.

Khi Uber xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 8.2014, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) có lẽ là những người đầu tiên phải “mất ăn mất ngủ”. Điều này có thể thấy được ngay trong Ðại hội Cổ đông thường niên của Công ty vừa qua, khi Uber chính là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất tại phần hỏi đáp.

Thách thức từ đối thủ mới

Uber là một dịch vụ kết nối vận tải giữa tài xế và hành khách thông qua ứng dụng di động trên smartphone. Uber không phải sở hữu bất kỳ chiếc xe nào, nhưng tại Việt Nam, công ty này cần ký hợp đồng với các hãng xe hoặc xe cá nhân để thực hiện dịch vụ.

Thách thức mà Uber mang đến cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách là rất lớn, nhất là đối với các hãng taxi. Trong trường hợp của Vinasun, sự ảnh hưởng của Uber đã được ban lãnh đạo Công ty dự liệu trong kết quả kinh doanh dự kiến cho năm 2015.

Cụ thể, tại Ðại hội Cổ đông năm 2014, Phó Tổng giám đốc Vinasun Trần Anh Minh cho biết có 4 nguyên nhân chính có thể khiến lợi nhuận năm 2015 dự kiến giảm. Và một trong số đó là việc hãng Uber tung ra chính sách giá rẻ kèm khuyến mãi đã kéo một lượng khách sang sử dụng dịch vụ mới này.

Dù tính pháp lý của Uber tại Việt Nam vẫn đang gây tranh cãi, nhưng với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành taxi, Vinasun đã không chịu ngồi yên nhìn cảnh miếng bánh của mình bị “cắn” mất.

Dĩ độc trị độc

Thế là giữa tháng 7 vừa qua, Vinasun đã công bố thử nghiệm ứng dụng quản lý, điều hành taxi mang tên Vinasun Taxi tại thị trường Đà Nẵng, với hệ thống Taxi Vinasun Green. Hiện tại, những chiếc taxi của Vinasun ở Đà Nẵng đã được trang bị máy tính bảng cài đặt phần mềm quản lý, kết nối với hệ thống tiếp nhận yêu cầu của khách hàng gọi taxi qua ứng dụng này.

“Với quy mô nhỏ, Đà Nẵng là thị trường thích hợp cho Vinasun áp dụng thử nghiệm dịch vụ mới này trước khi triển khai đại trà tại TP.HCM vào cuối năm nay”, ông Trần Anh Minh, phụ trách chính dự án ứng dụng Vinasun Taxi, nhận định.

Ứng dụng Vinasun Taxi đã có mặt trên các kho ứng dụng phổ biến như iTunes Store và Google Play. Người dùng smartphone đã có thể tải ứng dụng về, đăng ký tài khoản nhưng sẽ chưa thể sử dụng nếu như không có mặt ở khu vực Đà Nẵng.

Theo ông Minh, ứng dụng Vinasun Taxi phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng chứ không dành riêng cho khách hàng cao cấp như Uber. Ðặc biệt, ứng dụng di động của Vinasun còn cho phép tài xế đón khách gọi xe qua tổng đài.

Có thể thấy, bước đi này của Vinasun cho phép họ tiếp cận với khách hàng theo một phương thức mới, bên cạnh với kênh tổng đài truyền thống nhiều năm qua. Đồng thời, việc sử dụng phần mềm quản lý taxi thông qua máy tính bảng hay smartphone cũng sẽ giúp Công ty tăng cường giám sát khâu điều hành xe và quản lý hành trình.

Chưa có thông tin cụ thể về số vốn mà Vinasun đã chi ra để đầu tư cho ứng dụng này. Nhưng theo chia sẻ của ban lãnh đạo Vinasun hồi đầu năm, chi phí đầu tư thiết bị ban đầu cho hệ thống hỗ trợ ứng dụng Vinasun Taxi bao gồm server, hệ thống GPS và khoảng 6.000 máy tính bảng cho taxi là khoảng 60 tỉ đồng. Còn tổng chi phí thuê bao 3G hằng tháng là khoảng 2 tỉ đồng.

Trước câu hỏi rằng liệu ứng dụng Vinasun Taxi có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ, ông Minh cho biết dù vận hành trên mô hình tương tự, nhưng ứng dụng này “có giá trị cao hơn nên đủ sức cạnh tranh được với Uber hay bất kỳ ứng dụng của hãng nào”.

Cụ thể, vị này khẳng định rằng do Vinasun hoạt động đúng pháp luật nên Công ty nhận được sự ủng hộ của chính quyền, khách hàng. “Chúng tôi luôn hoạt động mạnh mẽ, công khai, minh bạch, công bằng. Với sự ra mắt của ứng dụng Vinasun Taxi, hoạt động kinh doanh của Vinasun là kết hợp hai hình thức taxi truyền thống và ứng dụng công nghệ số”, ông nói thêm.

Bắt kịp thời đại

Cho dù bước tiến mới của Vinasun sẽ phải cần thêm thời gian để kiểm chứng sự thành công, nhưng đây vẫn có thể được xem là một xu hướng kinh doanh mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang áp dụng.

Theo tạp chí kinh doanh Havard Business Review (Mỹ), vào thời kỳ đầu của cuộc cách mạng số, nhiều lãnh đạo các công ty thành danh từng cho rằng mối đe doạ từ công nghệ mới sẽ không tác động lớn đến họ. Khi lập luận đó sụp đổ, nhiều người lại xoay ngược cách nghĩ của mình và kết luận rằng công nghệ số sẽ phá huỷ không thương tiếc vị thế của mình.

Hầu hết các doanh nghiệp ngày nay sẽ nhận ra rằng họ phải dung hòa giữa thế giới truyền thống và thế giới số, giống như cách mà người tiêu dùng đang làm.

Thế là để tồn tại, những vị này cho rằng phải dừng bỏ tiền vào các mảng kinh doanh truyền thống và lập ra những dự án công nghệ mới, độc lập. Có thể các mảng kinh doanh hiện tại sẽ không tồn tại được, nhưng các khoản đầu tư mới vào công nghệ sẽ thay thế được những bộ phận “dở sống dở chết” trong danh mục đầu tư của công ty.

Thực tế đã chứng minh các quan điểm này đều sai. Hầu hết các doanh nghiệp ngày nay sẽ nhận ra rằng họ phải dung hòa giữa thế giới truyền thống và thế giới số, giống như cách mà người tiêu dùng đang làm.

Ban lãnh đạo Vinasun dường như cũng đang rất tin tưởng vào mô hình mới. Theo ông Minh, khi ứng dụng di động của Công ty đi vào hoạt động rộng rãi, dĩ nhiên doanh số cũng sẽ tăng. “Vì ngoài lượng khách qua tổng đài, điểm tiếp thị, Vinasun sẽ có thêm khách hàng dùng ứng dụng. Từ đó, khách hàng sẽ tin tưởng Vinasun hơn”, ông chia sẻ.

Sự tin tưởng của ban lãnh đạo Vinasun cũng là có cơ sở. Thực tế cho thấy, những sự đổi mới kết hợp giữa truyền thống và công nghệ đang thay đổi bộ mặt các công ty hàng đầu. Delta Airlines (Mỹ) là một ví dụ.

Từng tuyên bố phá sản vào năm 2005 và đội sổ trong danh sách các hãng bay được ngưỡng mộ năm 2007 của Fortune, nhưng ngày nay, Delta Airlines lại có lợi nhuận rất cao và đứng đầu trong danh sách trên. Một trong số những lý do dẫn đến cho sự tiến bộ này là các khoản đầu tư khá lớn của Delta vào việc bổ sung yếu tố công nghệ vào hoạt động truyền thống.

Điển hình là ứng dụng Fly Delta của họ. Không chỉ cung cấp thông tin về hành trình bay, máy bay, sân bay, ứng dụng này còn cho phép hành khách lưu lại thông tin nơi đỗ xe, check-in, đổi ghế, nhận thẻ lên máy bay, trả tiền cho hành lý quá mức quy định, theo dõi hành lý gởi kèm... Ứng dụng này ước tính đã đạt được 11 triệu lượt tải về tính đến tháng 4.2014.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư