Đồ chơi trẻ em: Khi iPad đè bẹp thị trường đồ chơi

Theo nhiều người kinh doanh, mặt hàng đồ chơi ngày càng ế ẩm do không thể cạnh tranh lại với máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Dù vậy, thị trường đồ chơi cho trẻ em tại Việt Nam hiện tại đa phần vẫn là hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc... Trong đó, hàng Trung Quốc chiếm khoảng 90% thị phần. Hết chỗ đứng cho đồ chơi Việt.

Khó tìm đồ chơi phù hợp

Chị Ngọc Hiếu, thế hệ của thập niên 1970, quyết tâm giúp con gái mười tuổi "cai" máy tính bảng bằng cách hướng trẻ sang chơi đồ chơi. Con gái chị cho biết mê trò bán đồ hàng, làm bánh, nấu ăn mà bé coi trên mạng. Đồ chơi Âu – Mỹ thì mắc tiền, một số sản phẩm ở Việt Nam lại không có. Còn đồ chơi Trung Quốc thì nhiều nhưng lại ngại nguy hiểm. Thế là, chị cất công đi tìm lại mấy món đồ chơi nhà bếp bằng nhựa, đất nung, bằng nhôm mà hồi nhỏ chị thường hay chơi. Thế nhưng, dù chị có cố gắng cỡ nào cũng không tìm ra, chỉ tìm được vài cái bếp lò, cái nồi bằng đất nung.

Chị Hiếu bộc bạch: "Ở cái thời của tui có được cái bếp, cái nồi bằng đất như vầy là mê tít thò lò. Nhưng con gái tui thì chê vì nó thấy trên mạng có máy làm kem, máy giặt... đẹp hơn. Mà thiệt tình, tui nhìn cũng thấy thích huống chi nó".

Đồ chơi bằng nhựa của Việt Nam hiện chỉ có vài công ty nhựa hoặc cơ sở sản xuất với số lượng ít. Mặc dù, một số sản phẩm có cải tiến hơn so với trước đây nhưng nhìn chung sản phẩm đơn điệu, mẫu mã không bắt mắt. Ngoài ra, một số bộ đồ chơi có chất liệu nhựa không tốt, thô sơ khiến phụ huynh không yên tâm. Chưa bàn về giá thành, nếu đem hai bộ sản phẩm xe đồ chơi bằng nhựa của Việt Nam và Trung Quốc ra so sánh thì sản phẩm của Trung Quốc có phần bắt mắt hơn, kết cấu sản phẩm cũng chắc chắn hơn.

Anh Nguyễn Chí Cường, chủ một cơ sở nhựa ở quận 6 cho biết, trước đây gia đình anh sản xuất các loại đồ chơi bằng nhựa như bàn, ghế, chén, ly, bếp.... Thế nhưng, hiện nay anh đã chuyển ngành sang làm công nghệ thông tin vì sản xuất không có đầu ra. "Trẻ con bây giờ mê iPad, smartphone nên không thèm chơi đồ chơi nữa", anh Cường kết luận.

Hiện đồ chơi bằng nhựa mà các nhà sản xuất Việt Nam còn có được chút thị phần đó là các bộ trò chơi như cờ vua, cờ vây, cờ tướng, cờ domino... Anh Trần Trọng Thành, chủ cơ sở sản xuất nhựa Kim Long (quận 11) cho biết, khoảng gần chục năm trước, cơ sở của anh chuyên sản xuất các bộ trò chơi bằng nhựa, giao ra chợ sỉ, giao về tỉnh bán. Sản xuất đều đều quanh năm suốt tháng nên anh tính thêm đường phát triển, đặt khuôn sản xuất một số bộ trò chơi khác như carô, cờ nhảy... Thế nhưng, anh Thành cho biết vài năm nay sản lượng đồ chơi của cơ sở giảm sút nghiêm trọng, chỉ bán được trong khoảng một tháng trước tết Nguyên đán do trẻ em mê chơi trò chơi trên máy tính, điện thoại hơn. Để duy trì sản xuất, anh phải chuyển hướng sản xuất các sản phẩm khác. Riêng đồ chơi bằng gỗ thì gỗ Đức Thành đang chiếm lĩnh thị trường với hàng trăm sản phẩm dành cho trẻ từ dưới 1 – 6 tuổi, chú trọng sáng tạo, phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số phụ huynh thì đồ chơi bằng gỗ giá còn hơi cao.

Chị Bích Thu ở quận 10, cho biết: "Cho trẻ chơi đồ chơi để phát triển trí tuệ cũng phải cần có người lớn ngồi cạnh bên hướng dẫn, gợi ý. Tuy nhiên, nhiều lúc do bận bịu nên tôi đưa luôn cái iPad có cài sẵn game phát triển trí tuệ cho con chơi".

Tại các gian hàng đồ chơi ở nhà sách, siêu thị, hàng "Made in Vietnam" được bày bán chỉ chiếm khoảng 2%.

"Đỏ mắt" tìm đồ chơi Việt

Mất gần cả buổi sáng đi hàng chục cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên nhiều tuyến đường ở quận 3, anh Hoài Lâm (35 tuổi, quê Quảng Nam) vẫn chưa tìm được món đồ chơi ưng ý làm quà cho con. Cuối cùng, anh đành ngậm ngùi chọn con búp bê biết bay của Trung Quốc – nhân vật đang "hot" ăn theo phim hoạt hình vừa được chiếu thời gian gần đây với giá 200.000 đồng.

Anh Lâm bộc bạch: "Mình rất muốn ủng hộ đồ chơi trong nước nhưng mẫu mã quá nghèo nàn, màu sắc không bắt mắt, sản phẩm lại thiếu sự mới mẻ, sáng tạo..."

Qua khảo sát tại một số điểm bán đồ chơi trẻ em tại khu vực quận 3, quận 5, quận 11, quận Tân Phú... các loại đồ chơi đang được trẻ em ưa thích nhất vẫn là mô hình tàu chạy đường ray, bộ trò chơi câu cá, xe máy, ôtô, xe tăng... có giá từ 50.000 – 120.000 đồng/sản phẩm. Cao cấp hơn là các loại xe leo tường, phi thuyền, xe đua sấm chớp và tốc độ, máy bay điều khiển... dành cho bé trai với giá bán từ 250.000 – 600.000 đồng/sản phẩm. Với bé gái là các món đồ chơi quen thuộc như: búp bê, thú bông, các bộ đồ chơi làm vườn, bác sĩ, nấu ăn... với giá từ 60.000 – 200.000 đồng/sản phẩm. Tất nhiên đều không sản xuất trong nước.

Thậm chí, các con thú nhồi bông, món đồ chơi khá thịnh hành trong vài ba năm trở lại đây được đổ đống, bán đầy lề đường, giá chỉ vài chục ngàn/con cũng không ngoại lệ. Về các quận, huyện ngoại thành, tìm mua đồ chơi Việt còn khó hơn. Tại chợ Bình Long (quận Bình Tân, TP.HCM), chủ sạp hàng Q.K cho biết: "Hàng Việt rất ít mẫu mã, giá lại đắt nên chúng tôi ít nhận về bán, chỉ khi có khách hàng hoặc chủ các cửa hàng khác đặt mua thì chúng tôi mới lấy. Hơn nữa so về chủng loại thì hàng Việt Nam rất đơn điệu, chỉ có vài mẫu xe đẩy, xe hơi, hình thú, học chữ, học số... nên không hấp dẫn được người tiêu dùng".

Tại các gian hàng đồ chơi ở nhà sách, siêu thị, hàng "Made in Vietnam" được bày bán chỉ chiếm khoảng 2%. Một nhân viên quản lý nhà sách Nguyễn Văn Cừ, lý giải: "Rất nhiều khách hàng hỏi đồ chơi trong nước, nhưng chỉ hỏi thôi chứ rất ít mua. Hầu hết đồ chơi sản xuất trong nước đều làm bằng phương pháp gia công truyền thống như bộ bàn cờ, bộ xếp hình bằng gỗ, các hình thú được nặn bằng đất sét nên giá cả đắt hơn 20 – 50% so với sản phẩm ngoại nhập".

Minh Cúc – Vy Trần
Nguồn Thế giới tiếp thị