Masan Resources – vừa mừng vừa lo

Những biến đổi thất thường về nhu cầu tiêu thụ trên thế giới, cộng với việc thắt chặt hoạt động khai khoáng của Chính phủ khiến cho các mã cổ phiếu khoáng sản kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Kế hoạch chia cổ tức tương đương 50% thu nhập mỗi năm, cùng với kế hoạch lợi nhuận tăng đột biến là những thông tin hấp dẫn vừa được phía Công ty cổ phần tài nguyên Masan (Masan Resources) chia sẻ trong một hội thảo giới thiệu về hoạt động của công ty. Công ty này đang chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) trên sàn UpCom, thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào cuối năm nay.

“Kho báu” quốc gia

Theo tính toán của Masan Resources, doanh thu của công ty sẽ tăng từ mức 4.181 tỷ đồng năm 2015 lên 6.278 tỷ đồng năm 2016 và 6.978 tỷ đồng năm 2017. Theo đó, mức lợi nhuận thuần sẽ tăng tương ứng từ 112 tỷ đồng năm 2015 lên 1.143 tỷ đồng năm 2016 và 2.059 tỷ đồng năm 2017. Cơ sở nào để Tập đoàn Masan đưa ra nhận định về triển vọng kinh doanh đầy tươi sáng như vậy?

Dragon Capital mua lại toàn bộ dự án mỏ Núi Pháo vào năm 2007. Tới năm 2010, dự án được chuyển nhượng cho Masan sau nhiều năm bế tắc, do Dragon Capital được cho là không có năng lực quản lý trong lĩnh vực khai khoáng cũng như thiếu vốn đầu tư. Masan Resources hiện có vốn điều lệ gần 7.200 tỷ đồng, trong đó tập đoàn Masan nắm 74,2%. Tổng tài sản đến cuối năm 2014 là 25.106 tỷ đồng, tương đương 1,15 tỷ USD.

Sau gần 5 năm kể từ khi được Masan mua lại và đầu tư hơn nửa tỷ USD, dự án Núi Pháo trở thành dự án khai thác và chế biến vonfram mới đầu tiên trên thế giới gia nhập thị trường trong 15 năm qua và là mỏ vonfram lớn với trữ lượng lên tới 65 triệu tấn. Đây là kim loại được sử dụng trong đầu khoan, dụng cụ cắt và thép chịu tải cao, các vi mạch xử lý cho điện thoại thông minh và thiết bị điện tử… Thời gian khai thác mỏ dự kiến trong khoảng 20 năm, lớn hơn nhiều so với mức trung bình 6 -7 năm của các mỏ vonfram thông thường. Ngoài ra, mỏ Núi Pháo cũng cung cấp lượng florit và bismit khá lớn.

Masan Resources hiện có vốn điều lệ gần 7.200 tỷ đồng, trong đó tập đoàn Masan nắm 74,2%

Về đầu ra cho sản phẩm, ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Masan Resources cho biết, 90% sản lượng của mỏ Núi Pháo được bảo đảm bằng các hợp đồng bán hàng dài hạn với khách hàng trên toàn cầu, trong đó có những hợp đồng chiến lược trong 8 năm. Nhà máy sản xuất của Masan Resources hiện đang đạt mức hơn 95% công suất theo thiết kế. Mặc dù giá vonfram liên tiếp giảm mạnh trong thời gian gần đây do nguồn cung giảm, song đại diện Masan Resources tin tưởng rằng, giá vonfram sẽ phục hồi mạnh trong tương lai gần. Lý do được ông Hồng đưa ra, là các mỏ ở Trung Quốc đang gặp khó khăn với chi phí gia tăng và chất lượng sụt giảm do các mỏ khai thác đã lâu. Nguồn cung dự kiến bị co hẹp sau đợt tái cân đối tồn kho của khách hàng. Trung Quốc cũng đã loại bỏ quota và thuế xuất khẩu vonfram, đồng thời đưa ra thuế tài nguyên. Đây là lý do khiến các nhà dự báo tin rằng giá vonfram sẽ tăng trong tương lai.

Rủi ro tiềm ẩn

Theo ước tính của cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) năm 2012, phần lớn trữ lượng vonfram toàn cầu nằm ở Trung Quốc. Hàng năm quốc gia này sản xuất ra tới 62.000 tấn, chiếm khoảng 85% sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ cùng châu Âu và Nhật Bản tiêu thụ khoảng 55% lượng vonfram, nhưng chỉ sản xuất khoảng 5% tổng lượng cung thế giới. Chính vì sự chênh lệch này mà mỗi thay đổi về nguồn cung ở Trung Quốc đều tác động mạnh mẽ đến giá vonfarm trên toàn thế giới.

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã áp dụng hạn ngạch sản xuất và xuất khẩu vonfram và giảm dần quota xuất khẩu từ 18.100 tấn năm 2002 xuống còn 15.400 tấn năm 2012. Động thái siết chặt nguồn cung này của Trung Quốc khiến giá vonfram có thể bị đẩy lên cao trong thời gian tới. Đây là cơ hội tốt cho Masan Resources chứng minh nguồn tiềm năng của mình. Tuy nhiên, với tư cách là người dẫn dắt thị trường, mọi phản ứng từ phía Trung Quốc đều ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong ngành, trong đó không loại trừ Masan Resources.

Tổng tài sản của Masan Resources đến cuối năm 2014 là 1,15 tỷ USD (25.106 tỷ đồng)

Thực tế, vào tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo với cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) thuộc WTO rằng, theo báo cáo của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, việc áp dụng thuế xuất khẩu và hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm, vonfram và molypden cũng như những hạn chế về quyền kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu đất hiếm và molypden vốn được kết luận là không phù hợp với quy định của WTO đã được xóa bỏ. Động thái này của Trung Quốc, trước sức ép của WTO, có thể kéo giá các khoáng sản trên giảm mạnh.

Ông Lê Hữu Triển, chuyên viên phòng phân tích và tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, năm 2014, mức thuế khai thác tài nguyên được điều chỉnh tăng mạnh với mặt hàng vonfram, từ 10% lên 18% cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành. “Việc tăng thuế xuất khẩu hay cấm xuất khẩu những tài nguyên khoáng sản đều là những rủi ro khó lường đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này”, ông Triển bình luận.

Thực tế, việc điều chỉnh thuế xuất khẩu có tác động mạnh tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khoáng sản thường có vốn đầu tư tài sản cố định lớn, chi phí hoạt động cao. Trường hợp này đã từng xảy ra với SQC (Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn) trong năm 2010. Việc tăng thuế xuất khẩu lên 15% đối với xỉ titan trong năm 2010 đã khiến SQC phải đóng cửa nhà máy và hoạt động cầm chừng.

Mai Khanh
Nguồn Doanh Nhân Online