Kinh doanh bán lẻ: Ngoại ồ ạt đến, nội dần mờ nhạt

Dù sức mua chưa hồi phục, diện tích cho thuê ở các trung tâm thương mại thấp, nhưng thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của các nhà bán lẻ ngoại mới trong khi các “đại gia” bán lẻ ngoại hiện hữu tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Thêm nhiều tên tuổi ngoại mới

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, tập đoàn bán lẻ AuchanSuper (Pháp) mở hai siêu thị và trong năm 2016, sẽ mở thêm 15 siêu thị nữa tại TPHCM, với tổng vốn đầu tư từ 35-40 triệu euro.

Nhiều người cho rằng AuchanSuper quá nhiều tham vọng vì không dễ tìm được nhiều mặt bằng trong một thời gian ngắn. Trước đó, một số nhà bán lẻ nước ngoài khác cũng từng đặt mục tiêu mở mạng lưới nhanh tương tự nhưng cũng đã phải đổi kế hoạch vì không dễ tìm địa điểm và việc xin mở điểm bán lẻ mới đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ.

Tuy nhiên, người am hiểu về AuchanSuper thì nghĩ khác. Theo nguồn tin này, đây là một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp có mạng lưới kinh doanh rộng khắp ở 15 quốc gia và đã có kế hoạch bước vào thị trường Việt Nam từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do khi đó vẫn còn bất ổn liên quan đến thị trường bất động sản và chỉ số lợi nhuận (thấp), nên tập đoàn này phải tạm hoãn.

Sau khi mở trung tâm mua sắm Robins tại Hà Nội, tập đoàn Central của Thái Lan cũng đã mở một trung tâm ở TPHCM. Ảnh: Xuân Lộc

Khoảng ba năm nay, AuchanSuper đã quay trở lại với hướng đi có phần chắc chắn hơn, đó là liên kết với các nhà bán lẻ và phát triển bất động sản trong nước. Nhờ đó, mà dù nhiều người vẫn chưa biết AuchanSuper vào Việt Nam nhưng nhà bán lẻ này đã có siêu thị đầu tiên đang hoạt động tại 240 Trần Bình Trọng, quận 5. TPHCM với tên gọi Simply Mart vào đầu năm nay thông qua việc hợp tác với tập đoàn C.T Group. Theo kế hoạch, hai doanh nghiệp này sẽ phát triển một số siêu thị khác. Ngoài ra, AuchanSuper còn bắt tay với nhà phát triển bất động sản Lê Thành để có mặt bằng kinh doanh và dự kiến vào tháng 11 này AuchanSuper sẽ khai trương siêu thị Simply thứ hai tại TPHCM ở khu căn hộ Lê Thành, quận Bình Tân.

Theo giới phân tích, AuchanSuper kinh doanh hai mô hình gồm siêu thị và đại siêu thị, nhưng vào Việt Nam, tập đoàn này chú ý đến mô hình siêu thị với diện tích kinh doanh từ 2.000-3.000 mét vuông nên sẽ không khó tìm mặt bằng.

Không riêng AuchanSuper chọn TPHCM là điểm đến đầu tiên mà nhiều nhà bán lẻ ngoại khác cũng chọn thành phố này trước khi mở rộng sang các tỉnh, thành khác vì doanh số bán lẻ của TPHCM chiếm khoảng 30% doanh số bán lẻ cả nước.

Đơn cử như nhà bán lẻ E-mart đến từ Hàn Quốc. Bốn năm trước, E-mart bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam và ký kết với tập đoàn U&I để lập liên doanh bán lẻ tại Việt Nam. Tại thời điểm ký kết (tháng 7-2011), E-mart và U&I cho biết liên doanh sẽ khai trương siêu thị đầu tiên ở Hà Nội và đặt mục tiêu mở 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện E-mart đầu tư một mình và dự án đầu tiên của tập đoàn tại TPHCM sẽ được khai trương vào cuối năm nay ở quận Gò Vấp. Ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Công ty TNHH E-mart Việt Nam, không cho biết lý do E-mart chuyển hướng từ liên doanh sang đầu tư 100% vốn nhưng tiết lộ rằng E-mart đầu tiên có diện tích đến ba héc ta với vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, E-mart cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại thứ hai tại TPHCM đặt ở quận Tân Phú.

Những thương hiệu bán lẻ “thuần Việt” đang dần mờ nhạt hoặc phải hợp tác, bán hệ thống của mình cho các doanh nghiệp mạnh hơn, mà phần lớn là các nhà bán lẻ ngoại.

E-mart là nhà bán lẻ lớn thứ hai của Hàn Quốc đến đầu tư ở Việt Nam sau Lotte Mart đang phát triển 10 siêu thị và trung tâm mua sắm lớn ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác.

Tương tự, tập đoàn Seven & I Holdings của Nhật Bản cho biết sẽ mở cửa hàng tiện lợi 7- Eleven đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 và đặt tại TPHCM. Theo báo Nikkei (Nhật Bản), công ty con của Seven & I Holdings tại Mỹ là Seven Eleven Ink đã ký hợp đồng với Công ty IFB Việt Nam để phát triển chuỗi kinh doanh này. Mục tiêu của Seven & I Holdings là phát triển được 100 siêu thị sau ba năm và nhân lên thành 1.000 siêu thị sau 10 năm bước vào thị trường Việt Nam. Như vậy, đây sẽ là chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản thứ ba vào Việt Nam sau hệ thống FamilyMart và Ministop.

Trong khi những nhà bán lẻ ngoại mới vào Việt Nam chọn TPHCM làm điểm xuất phát thì các nhà bán lẻ có mặt lâu năm như Big C, Metro, Lotte, Aeon... đã và đang mở rộng sang nhiều tỉnh, thành khác.

Mờ dần thương hiệu bán lẻ “thuần Việt”

Những thương hiệu bán lẻ “thuần Việt” đang dần mờ nhạt hoặc phải hợp tác, bán hệ thống của mình cho các doanh nghiệp mạnh hơn, mà phần lớn là các nhà bán lẻ ngoại.

Thế mạnh chủ yếu của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua là “lợi thế sân nhà” và sở hữu nhiều điểm bán. Tuy nhiên, khi các nhà bán lẻ ngoại đến, một số thế yếu của doanh nghiệp trong nước dần thể hiện ra. Các nhà bán lẻ nước ngoài đến Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, có hệ thống kho vận tốt, giàu kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ thế giới, được đánh giá là vượt trội hơn các doanh nghiệp bán lẻ nội địa về mọi mặt, đồng thời lại có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ, uy tín thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam.

Một số nhà bán lẻ trong nước nhìn thấy khó chống cự với sự lớn mạnh của nhà bán lẻ nước ngoài, trong khi nhà bán lẻ ngoại thì cần mặt bằng để kinh doanh ngay. Do đó, họ đã bán cổ phần hoặc toàn bộ hệ thống kinh doanh cho doanh nghiệp ngoại. Hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart quen thuộc của người tiêu dùng hai miền Nam, Bắc giờ đây được gắn thêm thương hiệu bán lẻ Aeon của Nhật Bản. Hàng loạt điểm bán của hệ thống siêu thị điện máy Pico trước đây cũng đã được thay thế bằng siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc...

Ngay cả những tên tuổi bán lẻ lớn trong nước cũng có sự tham gia vốn của những nhà bán lẻ ngoại. Nhà bán lẻ điện máy Power Buy thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần hệ thống kinh doanh của Nguyễn Kim từ đầu năm nay. Từ tháng 6 vừa rồi, tập đoàn bán lẻ điện tử Nojima (Nhật) đã nắm giữ 31% cổ phần của hệ thống điện máy lớn mạnh ở khu vực phía Bắc là Trần Anh. Với sự tham gia vốn của Nojima, dự kiến vào tháng tới, siêu thị Trần Anh sẽ có cửa hàng đầu tiên được đầu tư theo mô hình kinh doanh và dịch vụ của Nhật Bản, trong đó có gắn cả thương hiệu Nojima.

Tập đoàn C.T Group của Việt Nam đã khai sinh chuỗi siêu thị S.Mart và đặt mục tiêu phát triển được 20 điểm bán trong vòng ba năm hoạt động nhưng giờ đây siêu thị S.Mart đầu tiên đã được chuyển thành Simply Mart, một thương hiệu siêu thị của AuchanSuper!

Tại diễn đàn mua bán-sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2015 (M&A Việt Nam 2015) được tổ chức tại TPHCM mới đây ông John Ditty, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết giao dịch M&A ở thị trường trong nước đang khá sôi động và có chiều hướng gia tăng trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, khu mua sắm, bán lẻ. Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao của Recof Corporation (Nhật Bản), cho rằng Việt Nam với lợi thế dân số đông, trẻ tuổi và thị trường còn sơ khai sẽ là mục tiêu M&A của các tập đoàn bán lẻ và thực phẩm từ Nhật Bản.

Các chuyên gia dự báo trong vòng 2-3 năm tới hoạt động M&A đối với ngành bán lẻ sẽ tiếp tục diễn ra sôi động. Điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài hiện nay là mảng phân phối hiện đại còn thấp (chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ).

Quốc Hùng
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn