Shin Coffee và giá trị cà phê Việt
Chúng tôi hẹn gặp Nguyễn Hữu Long tại đại bản doanh Shin Coffee nằm trên đường Nguyễn Thiệp, Quận 1, TP.HCM, ngay góc Đồng Khởi – khu vực đắt đỏ nhất thành phố.
Cứ ngỡ sẽ được nghe Long nói về triết lý kinh doanh hay chiến lược phát triển cho Shin, hóa ra cuộc chuyện trò với anh khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Khách đã bắt đầu đông và đều đặn dù ở thời điểm cuộc phỏng vấn diễn ra, Shin Coffee vẫn chưa khai trương chính thức. Nhìn vào menu thấy giá cả không hề rẻ, từ 70.000 – 150.000 đồng cho một tách cà phê, tức là ngang với mức giá của các chuỗi quán cà phê đa quốc gia. Nguyễn Hữu Long đang chuẩn bị mở cửa hàng thứ hai ngay tại con đường đắt đỏ và sầm uất giữa quận 1 mà người TP.HCM quen gọi là khu “Little Japan”.
Năm năm thai nghén
* Anh dành ra 5 năm thai nghén ý tưởng, chuẩn bị, học hỏi kiến thức về cà phê và bây giờ dồn hết vốn liếng tích cóp trong thời gian làm việc tại Nhật để mở Shin Coffee. Phải chăng anh rút kinh nghiệm từ những lần khởi nghiệp thất bại trước đó và đi từng bước thận trọng để tránh khỏi vết xe đổ?
Tôi đã từng khởi nghiệp và thất bại không chỉ một lần, lần nào cũng gắn với cà phê. Tôi có duyên với cây cà phê có lẽ ngay từ lúc phải bỏ học, xa nhà đi theo người cô làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi hai đứa em ăn học. Tôi cứ lăn lóc như thế, trải qua quá nhiều nghề lẫn những biến cố khi còn đang ở tuổi mới lớn. Năm 2000, tôi có tham vọng làm giàu và quyết tâm hùn vốn với một người bạn rang xay và đi bỏ mối cà phê. Thất bại là tất yếu, vì chúng tôi có quá ít kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu cũng như tất cả các kỹ năng cần thiết để làm kinh doanh. Rồi tôi vào đại học, vẫn tranh thủ làm thêm phiên dịch tiếng Nhật để kiếm sống và tích lũy, may là tôi kiếm cũng khá, thậm chí còn mua được một căn nhà nhỏ. Năm 2009, tôi lại nung nấu ý định khởi nghiệp, lần này là mở quán cà phê mang tên Bonsai. Khách hàng rất thích ý tưởng vừa uống cà phê vừa được ngắm những tác phẩm bonsai, nhưng tôi đã sớm nhượng lại quán cà phê đầu tiên này vì mặt bằng quán nhỏ, khó có tiềm năng phát triển.
Ngay sau đó, tôi cùng một người bạn mở quán mới, vẫn lấy cảm hứng từ bonsai, nhưng với quy mô lớn hơn và ở địa điểm khác. Nhưng rồi quán cũng không trụ được. Lý do là vì có quá nhiều khác biệt trong cách làm việc của hai đồng sáng lập, rất khó giải quyết bởi mối quan hệ bạn bè xen vào. Tôi mất dần động lực, công việc kinh doanh xuống dốc. Hệ quả của những lần khởi nghiệp ấy là tôi trắng tay, mất cả căn nhà phải rất vất vả mới mua được.
* Một số bạn trẻ khi gặp thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên thường nản chí, buông xuôi. Lựa chọn của anh trong thời điểm khó khăn đó là gì?
"Đến giờ tôi lại thấy, mấy chục triệu cũng đủ, mấy trăm triệu cũng thiếu và không cần phải kiếm tiền bằng mọi giá nữa."
Khi ấy, tôi không còn cách nào khác là phải lao vào kiếm tiền và lựa chọn tốt nhất đối với tôi có lẽ là “xuất khẩu lao động”. Đó là thời điểm năm 2010. Với vốn tiếng Nhật khá tốt và nhờ có sự động viên của cha nuôi người Nhật, tôi quyết định nộp đơn xin việc ở Nhật Bản rồi sang Nhật làm việc. Công việc thực sự chẳng có gì thú vị, tôi lao vào làm chỉ đơn thuần là để có thu nhập. Nhưng chính trong thời gian làm việc tại đất nước này, tôi được tiếp cận với văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu. Thế là trong tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo, và lần này phải mất tới 5 năm chuẩn bị.
* Cụ thể anh làm gì trong thời gian ở Nhật để ấp ủ giấc mơ cà phê?
Ngoài công việc chính là nhân viên kiểm soát chất lượng cho một nhà máy sản xuất phụ kiện cho Tập đoàn Toyota, tôi tìm mọi cơ hội để học hỏi về cà phê. Tôi tham gia bất cứ khóa học, hội thảo nào có liên quan tới cà phê nếu có thể. Thậm chí, có những lúc tôi phải “trốn việc” rồi tìm cách làm bù ngoài giờ hoặc nhờ đồng nghiệp hỗ trợ. Trong suốt thời gian ấy, tôi cũng dành tiền kiếm được để mua các mẫu cà phê từ khắp thế giới về nghiên cứu và trải nghiệm. Tôi đặc biệt hứng thú và đi sâu vào việc đánh giá chất lượng cà phê, cũng như tham gia những khóa huấn luyện và đào tạo chuyên gia cà phê được cấp chứng chỉ của Nhật Bản và Mỹ. Sau đó, tôi được một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu cà phê tại Nhật mời về làm quản lý chất lượng, nhờ đó tôi có cơ hội được kết nối và giao thương với các công ty và các quốc gia có thế mạnh về cà phê hàng đầu thế giới. Tôi nghĩ đó chính là lợi thế của mình, đặc biệt là sau này khi tôi quay trở lại khởi nghiệp ở Việt Nam.
* Tôi thấy khách hàng tới Shin Coffee toàn là doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng, chuyên gia cà phê hay ít nhất cũng phải là những người có “gu” và rất sành cà phê. Đó có phải là nhóm khách hàng mục tiêu anh xác định ngay từ ban đầu khi mở quán?
Tôi không có chủ đích lựa chọn và hướng tới việc chỉ phục vụ nhóm khách hàng sang trọng này. Nhưng tôi phải thừa nhận, việc Shin Coffee tập trung vào ý tưởng “Specialty” (tạm dịch là “Tinh hoa”) trong thời điểm này mới chỉ thu hút nhóm khách hàng nói trên. Tôi chọn phân khúc cao cấp nhất, tập trung giúp khách hàng Việt Nam nâng cao hiểu biết về giá trị và hương vị thuần khiết của những mẫu cà phê, đặc biệt từ các vùng trồng nổi tiếng trên thế giới. Cho nên bất cứ ai muốn tìm hiểu, muốn thưởng thức cà phê đúng nghĩa đều là khách hàng của tôi. Hơn thế nữa, tôi muốn Shin không chỉ là nơi người ta đến uống một tách cà phê hay vì không gian dễ chịu, mà giúp mọi người có cơ hội trải nghiệm những tinh hoa của hạt cà phê. Tất cả dụng cụ pha cà phê tại Shin thuộc nhiều phong cách và trường phái mà tôi góp nhặt trong suốt 5 năm ở Nhật, cũng như bộ sưu tập khoảng 120 loại cà phê của Việt Nam và thế giới cũng là để phục vụ mục đích đó.
Đánh thức cà phê việt
* Vậy mục đích anh mở Shin Coffee không chỉ để kinh doanh?
Nói vậy cũng không hẳn chính xác. Ý tưởng về Shin Coffee được hình thành khi tôi bắt đầu được tiếp xúc với những mẫu cà phê cao cấp trên thế giới khi ở Nhật. Hồi ấy, Việt Nam hoàn toàn không có một mô hình nào tương tự. Tôi tiếc vì chúng ta có nhiều điều kiện và cơ hội để trở thành một cường quốc cà phê, song cà phê Việt chưa được đánh thức và có vị trí xứng đáng trên bản đồ cà phê toàn cầu, dù có nhiều nỗ lực của những người đi trước. Và tôi thấy có thể bắt đầu thay đổi điều đó bằng việc cần có một không gian để mọi người tìm hiểu về cà phê, nâng cao hiểu biết về hương vị và sự đa dạng của cà phê. Đó cũng là nơi để cà phê Việt Nam có thể giao lưu và học hỏi từ thế giới. Tôi muốn Shin Coffee sẽ đánh thức nhu cầu ấy và xa hơn để những người nông dân Việt Nam quan tâm và hướng tới việc trồng và bán các giống cà phê có giá trị cao hơn, sản xuất theo đúng quy trình và tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tạo ra lợi ích lớn hơn cho họ khi xuất khẩu.
* Dù sao anh cũng chỉ là “lính mới” trong giới kinh doanh cà phê. Anh có e ngại các “đại gia” cà phê sẽ nhòm ngó mô hình này, trong khi họ có tiềm lực mạnh hơn nhiều. Nếu viễn cảnh đó xảy ra, Shin Coffee sẽ ra sao?
Tôi tự tin là mô hình của Shin Coffee sẽ không hoặc rất khó có đối thủ (cười). Chi phí cho Shin hiện tại khoảng 140 triệu đồng/tháng. Không kể các chi phí cố định, các mẫu cà phê cao cấp chúng tôi nhập về đều có giá rất cao từ 100 – 500 USD/kg. Ngoài ra, việc lựa chọn, bảo quản và rang xay theo những chuẩn mực rất nghiêm ngặt hơn 120 mẫu cà phê tại Shin cũng không hề đơn giản. Chúng tôi thay đổi menu liên tục hai ngày một lần, duy trì hoạt động cupping (buổi thử các mẫu cà phê mới) đều đặn và hoàn toàn miễn phí. Với giá bán như hiện nay và nếu mọi việc thuận lợi thì may mắn là chúng tôi hòa vốn (cười).
"Shin Coffee là nơi để tôi kết nối được với những chuyên gia, doanh nhân có cùng đam mê phát triển văn hóa thưởng thức và nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt Nam."
Khả năng franchise hầu như không thể, vì điểm đặc biệt của Shin Coffee là kỹ thuật pha chế, kiến thức về cà phê của nhân viên cũng như bộ sưu tập các loại cà phê khác nhau mà tôi tự tin nói rằng, nhiều nhất hiện nay. Tôi trộm nghĩ, các “đại gia” kinh doanh cà phê vì lợi nhuận sẽ thấy hụt hẫng nếu họ muốn thử và theo đuổi mô hình này. Nếu thuần túy chỉ là kinh doanh, có nhiều kênh đầu tư khác sinh lợi cho họ tốt hơn rất nhiều. Tôi cũng biết một số người ở Việt Nam (dù rất ít), thực sự đam mê cà phê và được đào tạo bài bản, có bằng cấp như tôi, nhưng lại chỉ muốn làm công việc chuyên môn mà không có quyết tâm khởi nghiệp.
* Cái tên Shin Coffee bắt nguồn từ đâu, thưa anh?
Tôi lấy tên viết tắt của cha nuôi người Nhật của tôi để đặt tên cho quán như một sự tri ân gửi đến ông. Tôi trải qua thời thơ ấu rất cơ cực, nghỉ học từ năm lớp 3 để phụ mẹ làm lụng nuôi gia đình. Tôi cũng lang bạt nhiều nơi, từ làm rẫy cà phê, khuân nước đá cho tới bưng bê trong quán ăn. Tôi gặp cha nuôi năm 18 tuổi khi đang chạy bàn cho một quán ăn ở TP.HCM. Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của ông mà tôi quyết tâm đi học lại. Sau 5 năm vừa đi làm vừa đi học buổi tối, tôi hoàn thành bằng bổ túc văn hóa để có đủ điều kiện thi đại học. Trước đó, ông cho tôi tiền học tiếng Nhật và nhờ có tiếng Nhật, tôi đã vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc sống và cả thời gian làm việc ở Nhật sau này. Đó cũng là lý do tôi không muốn nhượng quyền hay nhận tiền đầu tư của người khác, mặc dù có rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn từ các tập đoàn lớn.
* Kế hoạch tương lai của anh với Shin Coffee là gì, dù sao anh cũng phải kiếm tiền để có thể trang trải cho chi phí hoạt động lên tới 140 triệu đồng/tháng của quán chứ?
Vâng, vì vậy tôi dự định sẽ mở thêm hai cửa hàng theo mô hình Shin ở TP.HCM. Nhưng lúc nào tôi cũng tâm niệm phải làm theo tinh thần mà cha nuôi luôn nói với mình: “Muốn giúp đỡ người ta thì mình phải khá hơn mới giúp đỡ được”. Tôi không giàu tiền bạc, nhưng Shin Coffee có thể là nơi tôi giúp đỡ được mọi người theo cách của mình. Đó là xây dựng một thị trường cà phê cao cấp và an toàn cho Việt Nam, nâng cao kiến thức về cà phê và gu thưởng thức của người Việt Nam. Tôi sẵn lòng và vẫn đang chia sẻ tất cả các cách làm của mình với mọi người, đào tạo cho nhân viên, thậm chí cả với khách hàng hay đối thủ muốn tìm hiểu về cà phê. Rất nhiều chuyên gia cà phê cũng tới quán của tôi. Cuộc sống cơ cực lúc nhỏ khiến tôi sớm nhận thức rằng, mình phải có kinh tế mới giải quyết được vấn đề, nên lúc trẻ tôi chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền để thoát nghèo. Nhưng đến giờ, tôi lại thấy mấy chục triệu cũng đủ, mấy trăm triệu cũng thiếu và không cần phải kiếm tiền bằng mọi giá nữa, miễn là được sống với đam mê của mình và sẵn lòng chia sẻ với mọi người.
Ảnh: Người lao động
* Anh có bị áp lực về chuyện tài chính với gia đình không và liệu anh có sợ mình có thể gặp thất bại không? Trong kinh doanh không thể nói trước điều gì. Vậy anh có phương án dự phòng nếu chẳng may không thành công hay không?
Vợ tôi hiện sống cùng con trai ở Nhật Bản để hoàn thành bằng tiến sĩ dược. Vợ tôi thậm chí còn không biết uống cà phê và hoàn toàn không tham gia vào hoạt động kinh doanh của tôi, nhưng may mắn là cô ấy luôn ủng hộ tôi hết mình và không tạo áp lực tài chính cho tôi. Trước khi mở Shin, tôi cũng nhận thấy phân khúc cao cấp rất dễ thất bại, tuy nhiên tôi không lo sợ vì đã rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ. Lần này, ngay từ đầu tôi đã xác định mình phải đi đường dài. Tuy nhiên nếu có rủi ro xảy ra, tôi vẫn còn đường lùi cho mình, đó là trở thành chuyên gia tư vấn, quản lý chất lượng cà phê để chia sẻ kiến thức và hỗ trợ cho người khác. Tôi sẵn sàng đi làm thuê để có thể duy trì được đam mê và tâm nguyện lâu dài của mình. Tôi học được tính nhẫn nại theo đuổi đam mê của người Nhật và đặc biệt từ cha nuôi.
* Anh thích danh xưng nào hơn, chuyên gia cà phê hay doanh nhân khởi nghiệp Nguyễn Hữu Long với thương hiệu mới nổi Shin Coffee? Anh đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về cà phê của mình cho cộng đồng ra sao?
Tôi rất quyết tâm khi thành lập Shin Coffee và cũng chuẩn bị rất kỹ càng, để tránh những rủi ro không đáng có. Nhưng ngay từ đầu tôi đã xác định, lợi nhuận không phải là mục tiêu cuối cùng của mình. Thực sự thì Shin chính là nơi để tôi có thể kết nối được với những chuyên gia, doanh nhân có cùng đam mê phát triển văn hóa thưởng thức và nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt Nam. Khi quán hoạt động ổn định tôi sẽ tập trung vào mục tiêu lâu dài ấy. Hiện nay, tôi đã bắt đầu đi làm thuê trở lại dù Shin đang ổn (cười). Tôi đang tham gia một dự án kiểm soát chất lượng cà phê cho chuỗi quán The Coffee House đang có tốc độ phát triển hệ thống rất nhanh tại TP.HCM và đã mở một vài quán tại Hà Nội. Tôi hỗ trợ họ từ những khâu đầu tiên như tuyển chọn giống cà phê nào, trồng ở đâu, trồng theo phương pháp nào cho đến phát triển công thức rang, xay cho ra sản phẩm cuối cùng.
* Làm thế nào anh có thể vừa quản lý và phát triển Shin Coffee, vừa thực hiện những dự án bên ngoài? Anh đào tạo nhân viên như thế nào?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, quãng thời gian 5 năm ở Nhật và tính cách của người cha nuôi có ảnh hưởng rất nhiều tới cách tôi điều hành Shin Coffee. Tôi luôn phân định rõ lúc nào thì phải làm việc gì. Mỗi ngày tôi ngủ 5 tiếng đồng hồ, dành cho Shin 5 tiếng, còn lại là các công việc khác. Khi tuyển dụng nhân viên tôi quán triệt với các em rõ ràng: phải thực sự đam mê cà phê và có ý thức tự giác trong công việc. Tôi sẵn lòng đào tạo và tạo điều kiện để nhân viên phát triển, nhưng các em phải có trách nhiệm với công việc, luôn đúng giờ, đặt khách hàng và hiệu quả làm việc lên trên hết. Sáng nào tôi cũng họp nhân viên 10 phút để cập nhật và giải quyết tất cả các vướng mắc. Hiện nay, Shin mới chỉ có 4 nhân viên, gồm 2 thợ pha chế, 1 phục vụ bàn, 1 bảo vệ, nhưng làm việc rất hiệu quả.
* Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Hữu Long sinh năm 1982 và là 1 trong 2 người Việt Nam đầu tiên được nhận chứng nhận quản lý chất lượng cà phê Q Crader của Mỹ. Với chứng nhận này, Long được xem là một chuyên gia quản lý chất lượng cà phê tầm cỡ quốc tế, đồng thời anh còn là thành viên SCAJ, một tổ chức chuyên về cà phê ở Nhật Bản và được SCAJ cấp giấy chứng nhận “Coffee Meister” – người được đào tạo chuyên sâu kiến thức cà phê. Shin Coffee bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2015 và vẫn chưa khai trương chính thức.
Thu Hà - Thành Trung
Nguồn Doanh Nhân Online