Vì sao thị trường bán lẻ Việt Nam được ưa chuộng?

Với nhiều điều kiện thuận lợi như dân số trẻ, thu nhập đầu người tăng, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ đô thị hóa tốt và các Hiệp định thương mại mới sắp được ký kết... đã khiến nhà đầu tư nước ngoài tự tin khi đầu tư vào Việt Nam.

Nhân dịp chuyến công tác đến Việt Nam, ông Theodore Knipfing - Giám Đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á - Thái Bình Dương đã có một buổi chia sẻ với PV về thị trường bán lẻ Việt Nam, trong việc thu hút các thương hiệu nước ngoài gia nhập thị trường.

* Năm 2015 đã sắp kết thúc, ông có nhận định như thế nào về thị trường bán lẻ khu vực Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng?

Ông Theodore Knipfing: Năm vừa qua là một năm đầy thú vị cho thị trường bán lẻ nói chung, xét về khu vực Châu Á thì đây cũng chính là một trong những thị trường bán lẻ thành công nhất trên thế giới và khu vực Đông Nam Á cũng đóng góp lớn rất nhiều cho thành công này.

Thị trường bán lẻ Nhật Bản cũng có một năm thuận lợi trong khi Hàn Quốc thì cũng đang phục hồi tốt, kể từ khi tuyên bố đầy lùi được bệnh dịch MERS hồi giữa năm. Nhìn chung thì bán lẻ Châu Á có một năm thành công.

Ông Theodore Knipfing - Giám Đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á - Thái Bình Dương

Đối với Việt Nam, tôi thấy rằng các bạn đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển, những Hiệp định thương mại như TPP và Cộng đồng chung Châu Á đang đạt được những thỏa thuận tốt. Tất cả những điều kiện thuận lợi trên sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.

* Tại Việt Nam, có nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực này, đồng thời nguồn cung mặt bằng bán lẻ cũng tăng lên đáng kể tại các thành phố lớn, ông đánh giá sao về những thành công này?

Nói về các thương vụ M&A tôi nghĩ đó là những dấu hiệu tích cực, nó cho thấy các nhà bán lẻ nước ngoài thật sự quan tâm đến thị trường Việt Nam và muốn gia nhập vào thị trường một cách nhanh chóng, nên họ mới chọn hình thức M&A hơn là những hình thức khác vốn cần thời gian và nguồn lực.
Với số dân 90 triệu và cơ cấu dân số trẻ, lương đã tăng 15% trong năm 2015 và dự kiến còn tăng thêm hai con số trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô đang trên đà tăng trưởng và thị trường bán lẻ cũng hoạt động tốt là những điều kiện tốt, để các nhà bán lẻ yên tâm vào tiềm năng phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, có một vấn đề tại thị trường Việt Nam, đó là thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân vẫn chưa gắn liền với các hình thức bán lẻ hiện đại, nên dù cho lương có tăng lên 30% trong hai năm tới đi chăng nữa, thì người dân cũng sẽ không dùng phần lớn lương cho mua sắm tại các trung tâm thương mại. Đó là một những thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoại, kể cả khi họ đã mua lại các Công ty trong nước và gia nhập thị trường.

* Vậy làm sao để thu hút người dân đến các Trung tâm thương mại nhiều hơn vì theo như ông nói, người dân Việt Nam chưa có thói quen đến Trung tâm thương mại như các nước khác trong khu vực?

Trong bối cảnh thương mại điện tử vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với hình thức mua bán truyền thống tại Việt Nam, thì chúng ta phải tập trung vào cải thiện trải nghiệm của khách hàng khi đến trung tâm thương mại. Dù bạn là chủ thương hiệu nằm trong trung tâm thương mại hay là chủ của trung tâm thương mại, thì những khách hàng trẻ của bạn vẫn rất quan tâm và cần những trải nghiệm này. Bạn cần tạo được nhiều sự kiện và hoạt động để cho họ lí do để đến và lí do để quay lại.

Có một vấn đề tại thị trường Việt Nam, đó là thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân vẫn chưa gắn liền với các hình thức bán lẻ hiện đại.

Việc sáng tạo ra những hoạt động hoặc sự kiện mới lạ mỗi tuần hay mỗi tháng không phải là việc đơn giản, có thể thời gian đầu mọi việc diễn ra thuận lợi nhưng sau vài tháng không còn ý tưởng nữa và bạn cần những kế hoạch mới. Đó là lí do tại sao các chủ đầu tư/chủ trung tâm thương mại thường thuê chuyên gia nước ngoài để quản lý hoạt động của Trung tâm thương mại, vì họ có nhiều kinh nghiệm quản lý và tổ chức sự kiện.

Ví dụ như sự kiện ra mắt phim hàng tuần, mời ngôi sao giải trí đến giao lưu, thi nấu ăn...Việc này cũng mở ra cơ hội cho các công ty chuyên làm sự kiện tại Việt Nam.

* Nhưng có một thực tế là trong 2 năm trở lại đây, các thương hiệu bán lẻ quốc tế vẫn gia nhập vào thị trường Việt Nam rất mạnh mẽ. Theo ông lý do nào khiến các thương hiệu quốc tế lại lựa chọn Việt Nam?

Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, mọi thứ đang dần trở nên bão hòa tại nước của họ, buộc họ phải tìm các thị trường mới ở nước ngoài để mở rộng, thì Việt Nam đã và đang là điềm đến đầu tư yêu thích của các nhà đầu tư nói chung và các nhà bán lẻ nói riêng.

Các nhà bán lẻ trước khi gia nhập thị trường nào thì họ phải làm công tác nghiên cứu thị trường rất kỹ lưỡng, Việt Nam với nhiều điều kiện thuận lợi như dân số trẻ, thu nhập đầu người tăng, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ đô thị hóa tốt, các Hiệp định thương mại tự do mới sắp được ký kết...đã khiến họ tự tin khi đầu tư vào.

Ngoài ra, việc Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế bằng Hội nghị cấp cao CLMV (Hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - Myanma - Việt Nam), đã giúp thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đến kinh doanh tại những thị trường này nhiều hơn trước.

* Vậy trước ngưỡng cửa của Hiệp định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có những thuận lợi gì thưa ông?

Theo quan sát của tôi, các nhà bán lẻ quốc tế thật sự quan tâm đến thị trường Châu Á, cụ thể là Myanmar, Campuchia, đặc biệt là Việt Nam. Nguyên nhân là do thị trường bán lẻ Việt Nam lớn và tiềm năng hơn hai nước còn lại, và Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng của mình trong cộng đồng Châu Á.

Về Hiệp định TPP, rất nhiều người hào hứng và trông đợi Hiệp định này sẽ làm thay đổi và phát triển thị trường bán lẻ. Tôi đồng ý là Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, tuy nhiên chắc chắn không phải doanh số bán lẻ đột nhiên tăng đột biến hay sự gia nhập rầm rộ của các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ sau một đêm.

Tôi nghĩ thông điệp của TPP mang đến chính là “cơ hội và thách thức”, rất nhiều thứ sẽ thay đổi, không chỉ đơn thuần các rào cản thương mại, hàng rào thuế quan...mà còn là vấn đề thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân sẽ tác động rất lớn đến thị trường bán lẻ, kể cả việc cải thiện sức khỏe nền kinh tế.

* Xin cảm ơn ông!

Yến Nhi
Nguồn VNMedia