Người Việt sẽ đến BigC để mua...hàng tiêu dùng Thái?

Có lẽ, người tiêu dùng sẽ sớm phải làm quen với việc thấy nhiều nhãn hàng Thái hơn trên các kệ hàng trong siêu thị này.

Sau khi công ty mẹ, tập đoàn Casino Group của Pháp ngỏ ý muốn bán BigC tại một số thị trường không trọng điểm, trong đó có BigC Việt Nam, đã có tới hai "đại gia" ngỏ ý muốn mua lại.

Tuy nhiên, một điều đặc biệt cả hai cái tên này đều đến từ Thái Lan, và đều là những cái tên không mấy xa lạ, Berli Jucker (BJC) và Central Group.

Đây cũng chính là những cái tên đứng sau hàng loạt các vụ thâu tóm các thương hiệu bán lẻ đình đám mới đây tại Việt Nam như Nguyễn Kim, FamilyMart hay Metro.

Hồi đầu tháng 8/2014, BJC đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam, tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với giá trị 655 triệu euro.

Theo đó, một khi thương vụ mua Metro Việt Nam thành công, hệ thống bán sỉ lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam sẽ rơi vào tay người Thái.

Trước đó, hồi giữa năm 2013, BJC cũng đã thực hiện một thương vụ thâu tóm đình đám khác là mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart của Nhật và đổi tên thành B'mart.

Tính đến cuối năm 2015, B'smart có khoảng 123 điểm bán hàng trên toàn quốc và BJC dự định sẽ tăng con số này lên 300 cửa hàng trước năm 2018 với chi phí đầu tư 1 tỷ Bath.

Trở lại câu truyện của BigC Việt Nam, có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, năm 1998, hệ thống chuỗi siêu thi Big C là một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam với khoảng 31 siêu thị trên cả nước.

Với slogan quen thuộc "Giá rẻ cho mọi nhà", từ lâu thương hiện này đã tạo được một chỗ đứng nhất định trong tâm trí người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, có lẽ, người tiêu dùng sẽ sớm phải làm quen với việc thấy nhiều nhãn hàng Thái hơn trên các kệ hàng trong siêu thị này.

Bởi, sau khi mua lại các chuỗi siêu thị, người Thái đã không dấu tham vọng "Thái hóa" các mặt hàng bày bán khi tuyên bố, hơn 70% hàng hóa tại FamilyMart và khoảng 60% tại Metro sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam.

Sau khi mua lại các chuỗi siêu thị, người Thái đã không dấu tham vọng "Thái hóa" các mặt hàng bày bán.

Và một tương lai tương tự cũng đang chờ đợi BigC, cho dù hệ thống bán lẻ này rơi vào tay ai trong hai ứng viên.

Theo một báo cáo mới đây, thì hiện ở các siêu thị, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam chiếm tỷ trọng lên tới trên 90%. Tuy nhiên, một khi các "gã khổng lồ" Thái chính thức bước vào "sân chơi", tỷ trọng này sẽ bị thay đổi một cách đáng kể khi họ nắm trong tay từ những cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đến các siêu thị hoành tráng.

Với lợi thế chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, hàng Thái đang dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Trong khi đó, khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ càng làm cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới.

Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh việc doanh nghiệp bị mất thị phần thì người lao động bị mất việc làm.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để không bị thua ngay trên sân nhà, tự bản thân các doanh nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn, từ khâu sản xuất đến tiếp thị, lưu thông hàng hóa. Có như vậy, người tiêu dùng mới bị thuyết phục và khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt" sẽ phát huy hiệu quả hơn.

Trần Thúy
Nguồn Biz Live