Dư luận phản ứng sau tuyên bố của 'vua cà phê' Trung Nguyên
Sau tuyên bố của “sếp” cà phê Trung Nguyên về việc Starbucks "không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”..., dư luận bắt đầu “dậy sóng” phản đối người được coi là “vua” cà phê Việt này.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Reuter, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên, người được coi là “vua cà phê” của Việt Nam đã từng tuyên bố: “Starbucks thật giỏi trong vấn đề in sâu một câu chuyện vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của họ, những gì mà họ đang làm dở tệ”, ông Vũ nhận xét. “Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Không dừng lại ở đó, ông Vũ còn cho rằng: “Họ đang ca những bài ca tuyệt vời về phát triển bền vững, nhưng rốt cục, thứ mà họ quan tâm chỉ là lợi nhuận từ đầu tư. Họ không trồng cà phê phải không? Chúng tôi thì có”, ông Vũ nói về lợi thế của mình.
Ngay sau khi bài báo lên trang, những phát ngôn “sốc” này của “sếp” cà phê Trung Nguyên ngay lập tức bị cộng đồng mạng cũng như những ai yêu cà phê “ném đá”.
Hãy bán cái người ta thích
Trên một diễn đàn của Yahoo Việt Nam, một bạn gái có tên là Lan Anh nhận xét: “Trung Nguyên có thể hãnh diện với cà phê trong nội địa Việt Nam, cà phê rất thật trộn ít tạp chất, có một ít hương và một ít vị.
Mình nói một ít là vì so với cà phê 7-11 tại Mỹ nó thơm hơn nhiều hay Starbucks cho rất nhiều vị khác nhau tùy khẩu vị từng người. Tuy nhiên, ngay tại Việt Nam, Trung Nguyên bị cà phê Hoàng Tuấn (HT) cạnh tranh ráo riết. HT đậm và đặc hơn hợp với khẩu vị ngoài miền Trung Việt Nam, có mùi khen khét của cà phê rang theo lối Pháp, khó cưỡng!”
"Hãy bán cái người ta thích, đừng bắt người ta thích cái bạn thích. Đó là nghệ thuật kinh doanh"
Bạn Lan Anh cho rằng: Nếu muốn vươn ra thế giới thì các hãng chế cà phê Việt Nam nên nghiên cứu khẩu vị của từng thị trường. “Người nào nhận xét về Starbucks như thế thì còn hạn chế về kiến thức, khó thành công lắm! Hãy bán cái người ta thích, đừng bắt người ta thích cái bạn thích. Đó là nghệ thuật kinh doanh” – Lan Anh nhấn mạnh.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, một thành viên khác có nick name là Maddy nhận định: “Cà phê là thức uống mang khẩu vị địa phương, người Mỹ, người Pháp, người Ý… mỗi con người ở mỗi đất nước sẽ uống và cảm nhận vị ngon khác nhau.
Người ta chỉ cần nhập cà phê hột vì không trồng được để chế biến theo cách của người ta, nên việc chế biến đóng gói xuất sang nước khác rất khó thành công.
Ở chợ Mỹ có hơn một chục loại cà phê rang sẵn khác nhau, muốn thứ nào mua thứ đó tự bỏ vào máy xay, điều chỉnh theo ý mình mang về. Đa số người Mỹ "sành" cà phê uống theo dạng đó mỗi sáng, còn ra quán chỉ vì không khí, tán dóc, uống nhanh thì vô mấy tiệm Stop & Go qua đường, vì thế nên đừng đem cà phê ở Starbucks mà so với cách người ta uống cà phê”.
Trung Nguyên với Starbucks chẳng khác nào so KFC với gà ta
Cũng bình luận về phát ngôn “sốc” của CEO Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, nhiều độc giả đều cho rằng: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã hơi phiến diện khi tuyên bố như vậy.
Trên diễn đàn voz, bạn melon cat cho biết: “Thức uống của Starbucks ban đầu là lấy Expresso và Cappuchino từ Ý về, sau đó mới nghiên cứu ra thêm những thức uống khác phù hợp theo mùa và khẩu vị của người Mỹ. Việt Nam mình uống cà phê theo phong cách khác. Vì vậy, nhận xét như ông Vũ, theo mình là hơi phiến diện”.
Có kinh nghiệm về cà phê, bạn duonghoanglan85 cũng bật mí: Gu cà phê ở nước ngoài khác Việt Nam. “Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận xét như vậy không đúng, nước ngoài họ thích cà phê có vị hơi chua, không đắng quá, nhưng phải thật thơm, cà phê có màu nâu, rang chưa cháy quá, còn Việt Nam thì ngược lại”.
Nhiều ý kiến khác cũng quả quyết: Không phải ngẫu nhiên mà Starbucks trở thành một thương hiệu nổi tiếng như vậy nếu họ chỉ “bán nước có mùi cà phê pha với đường”. Starbucks được coi là người khổng lồ trong lĩnh vực cà phê của Mỹ Starbucks, hiện tại hãng này có 11.000 cửa hàng ở Mỹ và Canada, 6.000 cửa hàng khác đang nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới, đủ để biết sức lan tỏa của Starbucks khủng khiếp như thế nào!
Bạn Nguyễn Tuấn - một độc giả đã có một so sánh rất hay khi cho rằng: So Trung Nguyên với Starbucks chẳng khác nào so KFC với gà ta.
Bạn Tuấn lý giải: “Ngon là một tính từ cảm nhận. Bạn bảo gà ta ngon nhưng rất nhiều người nước ngoài bảo gà ta cứng. Rất nhiều người Việt Nam thích ăn đùi gà nhưng Mỹ họ lại thích thịt lườn gà hơn. Tốt nhất không nên nhận xét về khẩu vị của từng quốc gia vì nó phụ thuộc vào thói quen tiêu dùng và văn hoá, cách uống trà và cà phê cũng vậy.
Tốt nhất bác Vũ muốn vươn ra thế giới thì nên tìm hiểu người tiêu dùng ở các nước khác nhau trên thế giới, xem họ uống cà phê thế nào, hơn là nói họ "không có giá trị cốt lõi", chỉ đơn giản vì họ uống cà phê khác kiểu với bác.