Báo chí nước ngoài: Nhắm vào Starbucks, mục đích của ông Vũ là gì?

Starbucks và “Vua cà phê” Việt: Bên nào sẽ chiến thắng?

Trên trang Foodbeast.com (một chuyên trang tin tức ẩm thực nổi tiếng thế giới của Mỹ) bàn luận về những phát ngôn đanh thép của CEO Trung Nguyên trong cuộc quyết đấu với Starbucks bằng một câu hỏi mở đầu khá ấn tượng: Starbucks và “Vua cà phê” Việt – bên nào sẽ chiến thắng?

Trang Foodbeast diễn giải: Starbucks thống trị thế giới và ai cũng biết điều đó. Logo nàng tiên cá màu xanh của hãng hiện diện ở khắp mọi nơi như logo hình vòng cung màu vàng của McDonald hay hình mắt bò của Target. Bạn có thể than vãn khi thiếu những quán cà phê thuần túy (nơi người ta sẽ nhìn bạn ngạc nhiên nếu bạn hỏi mua một ly sữa đậu nành), nhưng có lẽ không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi vốn có của cửa hiệu cà phê Starbucks – chỉ riêng xung quanh nhà tôi trong bán kính 3 km có đến 7 địa điểm Starbucks.

Báo chí nước ngoài: Nhắm vào Starbucks, mục đích của ông Vũ là gì?

Starbucks và “Vua cà phê” Việt: Bên nào sẽ chiến thắng?

Ông Vũ là chủ tịch của tập đoàn Trung Nguyên với chuỗi quán cà phê lớn nhất Việt Nam và ông hy vọng sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Starbucks. Ông Vũ tin rằng bí quyết thành công của Starbucks nằm ở cách họ làm thương hiệu, chứ không phải nằm ở sản phẩm của họ.

“Starbucks rất giỏi trong việc gieo một câu chuyện vào đầu khách hàng nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của Starbucks, những gì họ đang làm thật tệ hại. Họ không bán cà phê, họ đang bán thứ nước mang mùi vị cà phê với đường trong đó”, ông nói.

Chúng ta phải thừa nhận rằng ông nói có lý. Có ai thật sự đến Starbucks để thưởng thức hương vị thơm nồng tinh khiết của cà phê không? Không, bạn đến đó để gọi những loại thức uống trái cây có vẻ lạ lẫm, ngồi trên những chiếc ghế nệm êm nhấp nháp một loại thức uống, hay để nghe những bài hát đúng mốt. Người ta đến để được trải nghiệm, chứ không phải vì sản phẩm hay dịch vụ của nó, bởi vì chúng ta đang sống trong một nền kinh tế với những trải nghiệm.

Trung Nguyên cho biết, toàn bộ cà phê của công ty ông đến từ những hộ trồng cà phê nhỏ hơn được chứng nhận về phát triển bền vững, nơi những người trồng cà phê nhận được mức giá có đảm bảo.

Ông gọi đó là một sáng tạo có trách nhiệm vì sự hài hòa và phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp cải thiện tình hình kinh tế cho những người nông dân trồng cà phê ở khu vực cao nguyên Việt Nam vì mặc dù là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), nhưng Việt Nam chỉ thu về được một phần nhỏ trong khoản thu nhập được tạo ra từ hạt cà phê đã được chế biến, đóng gói và tiêu thụ ở nước ngoài.

Vua cà phê Việt dự định sẽ mở rộng kinh doanh và thâm nhập vào thị trường Mỹ trong năm tới. Biết đâu chừng sẽ có một cửa hiệu Trung Nguyên ở gần nhà bạn!

Nhắm vào Starbucks: Mục đích chính của ông Vũ là gì?

Mới đây, Brand Channel – kênh thông tin danh tiếng nhất của giới làm thương hiệu toàn cầu đã bình luận về cuộc "chạm trán" giữa Trung Nguyên và Starbucks sau buổi phỏng vấn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên cùng Reuters tại Thụy Sỹ vừa qua:

Điều gây bất ngờ với hầu hết những người dân phương Tây đó chính là Việt Nam hiện đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê. Và cũng ngay lúc này, một doanh nhân trong nước đang rất kỳ vọng và nỗ lực chuyển đổi vị thế của đất nước, từ một nhà cung cấp cà phê nhân thô sớm vươn lên trở thành một thương hiệu toàn cầu có giá trị cao như Starbucks, đó chính là Đặng Lê Nguyên Vũ.

Đặng Lê Nguyên Vũ, “vua cà phê” Việt Nam xem ra không hề ảo tưởng về việc theo đuổi mô hình Starbucks trong một sớm một chiều. Ông chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên này đã chia sẻ với Reuters rằng chuỗi quán cà phê Starbucks của Mỹ luôn được ông xem như một mô hình tiếp thị cho Việt Nam, giúp Việt Nam có thể đưa cả phương thức pha chế và thương hiệu của mình ra thế giới, chứ không chỉ dừng lại ở loại hạt cà phê.

“Tham vọng của chúng tôi là trở thành một thương hiệu toàn cầu”, ông Vũ chia sẻ. Hiện công ty của ông đang sở hữu chuỗi quán cà phê lớn nhất Việt Nam, và mục đích mà ông hướng tới chính là xây dựng một thương hiệu có tầm ảnh hưởng lớn trong thị trường cà phê tại Mỹ cũng như các quốc gia phát triển khác trên toàn thế giới.

Báo chí nước ngoài: Nhắm vào Starbucks, mục đích của ông Vũ là gì?

Đặng Lê Nguyên Vũ, “vua cà phê” Việt Nam xem ra không hề ảo tưởng về việc theo đuổi mô hình Starbucks trong một sớm một chiều.

Ông Vũ cho rằng Starbucks không phải là cà phê thực sự - hay đúng như những lời hoa mỹ về trách nhiệm xã hội mà họ đang cam kết. Cũng trong lần phỏng vấn với Reuters, ông đã “giễu” cà phê Starbucks với nhận định: “Họ không bán cà phê, họ đang bán thứ nước mang mùi vị cà phê với đường trong đó”. Ngoài ra, “họ hát rất hay về phát triển bền vững nhưng cuối cùng thì lợi nhuận thu về là điều mà họ quan tâm. Họ đâu có trồng cà phê, có phải không? Còn chúng tôi thì trồng cà phê".

Trong khi ông Howard Schultz – Chủ tịch Starbucks có thể không đồng tình hoặc đi ngược với lời nhận định trên, thì ông Vũ vẫn tiếp tục khẳng định con đường đưa thương hiệu Trung Nguyên thâm nhập vào thị trường phương Tây chính là từ những nỗ lực giúp cải thiện đời sống của người dân vùng cao nguyên trồng cà phê và cái mà ông gọi là “sáng tạo có trách nhiệm vì sự hài hòa và phát triển bền vững”. “Những người tiêu dùng Mỹ không cần một sản phẩm khác. Họ cần một câu chuyện khác”, ông Vũ chia sẻ thêm.

Suy cho cùng, mục đích chính của những phát biểu trên từ ông Vũ đều nhằm nâng cao hình ảnh quốc gia, mang đến một vị thế mới cho thương hiệu Việt trên toàn thế giới.

Nguồn Báo Giáo Dục