Tọa đàm “Innovation in digital challenge” – Thách thức sáng tạo nội dung số

Vào 18h00 ngày 09/03/2016 vừa qua, tại Hội trường D201 trường Đại học Ngoại Thương, tọa đàm “Innovation in digital challenge” do CLB Sở hữu trí tuệ ĐH Ngoại Thương tổ chức đã diễn ra với nội dung về sáng tạo số và vai trò của sở hữu trí tuệ trong sự phát triển của ngành công nghiệp số trong tương lai.

Nắm bắt được những nhu cầu đang ngày càng thiết thực về sự đột phá trong sáng tạo nội dung số cũng như vấn đề bản quyền, CLB Sở hữu trí tuệ trường Đại học Ngoại Thương (IPC) tổ chức buổi tọa đàm “Innovation in Digital Challenge” – Thách thức sáng tạo số. Nội dung của buổi tọa đàm hướng tới những đổi mới sáng tạo trong ngành công nghệ số như truyền thông, digital marketing,… đồng thời thể hiện vai trò của sở hữu trí tuệ trong bảo hộ bản quyền nội dung số. Tọa đàm là sự kiện nằm trong khuôn khổ gameshow IPChallenge® 2016 - Sáng tạo vì cộng đồng – sân chơi thường niên về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên lớn nhất miền Bắc.

Còn chưa đến giờ khai mạc buổi tọa đàm, nhưng hội trường D201 đã chật kín các bạn sinh viên quan tâm và đến tham gia. Để hâm nóng không khí, MC đã cùng giao lưu với khán giả bằng các câu hỏi thú vị và hấp dẫn liên quan đến các vấn đề về công nghệ số, đổi mới sáng tạo nội dung số, về diễn giả của buổi tọa đàm.

Phòng hội trường D201 đã chật kín người

Ban tổ chức còn hân hạnh đón tiếp sự có mặt của các vị khách mời đến từ phía Cục sở hữu trí tuệ, Hội truyền thông số, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trường Đại Học Ngoại Thương, và các chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

1. Phát biểu khai mạc tọa đàm

Đại diện khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trường Đại học Ngoại Thương – cô Trịnh Thu Hương đã lên phát biểu khai mạc tọa đàm và hướng tới Gameshow IPChallenge 2016 – Sáng tạo vì cộng đồng. Cô cho rằng, “Innovation in Digital Challenge” là một tọa đàm bổ ích cho sinh viên và doanh nghiệp về hướng đi của ngành công nghiệp nội dung số trong tương lai. Cùng với đó, Gameshow IPChallenge là một sân chơi trí tuệ được đánh giá là có uy tín, mang tính thực tiễn với cộng đồng. Đến với gameshow, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, cùng các chuyên gia tư vấn đưa ra biện pháp giải quyết các vấn đề , khó khăn của chính các doanh nghiệp đó.

Cô Trịnh Thu Hương phát biểu khai mạc tọa đàm

Ông Trần Đăng Tuấn phát biểu nội dung tổng quan về công nghệ số

Bên cạnh đó, ông Trần Đăng Tuấn – đại diện Hội truyền thông số cũng có những ý kiến chia sẻ tổng quan về lĩnh vực nội dung số và sự phát triển mạnh mẽ của nó trong xã hội ngày nay. Công nghiệp số là một ngành kinh tế có tiềm năng to lớn, tuy nhiên xã hội vẫn chưa nắm bắt được một cách rõ ràng công nghệ số là gì. Và đây cũng chính là mục đích và nội dung mà tọa đàm hướng tới.

2. Chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh-Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus về ứng dụng Nội dung số để đổi mới sáng tạo trong việc truyền tin tức và khai thác tin tức kinh doanh.

VietnamPlus là một trong 5 tòa soạn nhỏ sáng tạo nhất thế giới , có nhiều dự án và chương trình hướng tới sáng tạo vì cộng đồng như Photography4Teachers.

Dưới góc nhìn của một nhà báo đã có nhiều sáng tạo trên nội dung số ở lĩnh vực truyền thông – thông tin, Nhà báo Lê Quốc Minh đã có những chia sẻ về sáng tạo nội dung số, xu hướng truyền thông năm 2016. Với sự phát triển mạnh mẽ và rộng rãi của các trang mạng xã hội, sự phổ biến của mobile và các trang nội dung số, anh đã đưa ra rằng, xu hướng truyền thông ngày nay là dựa vào các nền tảng truyền thông xã hội để tăng mức độ phủ sóng tin tức và phát triển doanh thu. Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay là không có một biện pháp pháp lý nào để quản lý thông tin bản quyền, và đó là một hạn chế trong việc phát triển ngành công nghiệp này.

Nhà báo Lê Quốc Minh và xu hướng truyền thông 2016

3. Phát biểu tại buổi tạo đàm, Luật sư Lê Quang Vinh- Văn phòng luật BROSS & PARTNER đưa ra các vấn đề về quyền Sở hữu trí tuệ trong Digital Content

Ngoài các vấn đề về đổi mới sáng tạo, các bạn sinh viên còn nhận được nhiều kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ trong công nghệ số, một số thách thức trong môi trường số và các biện pháp giải quyết. Các nội dung số đều là những nội dung rất dễ bị sao chép và phát tán trái phép. Điều này đang dẫn tới một thực tế rằng cuộc chiến bản quyền trong lĩnh vực Nội dung số đang ngày một gay gắt và gây áp lực rất lớn cho Pháp luật các nước. Luật sư cho rằng, pháp luật Việt Nam hiện hành không đủ khả năng phản ứng với thách thức đó và đưa ra một số giải pháp cần thiết như xây dựng các tòa án chuyên trách về Sở hữu trí tuệ, hình thành cơ chế “tiền lệ án”,…

Luật sư Lê Quang Minh và vấn đề sở hữu trí tuệ trong Digital Content

4. Tham luận tọa đàm: Sáng tạo nội dung số - Triển vọng và thách thức trong các lĩnh vực liên quan

Đến phần tham luận của buổi tọa đàm, các vị diễn giả cùng giao lưu, giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của thính giả.

Ông Trần Trọng Thành- Chủ tịch HĐQT Vinapo – đơn vị sáng tạo và phát triển thẻ sách điện tử Alezaa đã đưa ra nhiều ý kiến của mình về các vấn đề bảo hộ bản quyền, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong phát triển ngành công nghiệp nội dung số, và hướng phát triển của Alezaa tới sinh viên trong tương lai. Ông cho biết, hiện nay các Công ty liên quan đến nội dung số, đặc biệt là truyền thông và công nghệ - thông tin đều đang phải đối mặt với vấn đề ăn cắp bản quyền. Trước những vấn đề phức tạp ấy, các doanh nghiệp vừa phải cố gắng cho ra đời những sản phẩm độc đáo mang dấu ấn riêng vừa mần có những biện pháp xử lí thích đáng từ pháp luật Việt Nam. Ông Tuấn Hà – CEO của Vinalink, chủ tịch CLB SEO Việt Nam cũng đồng tình rằng doanh nghiệp về công nghệ số cần phải nhận được nhiều sự bảo hộ về bản quyền hơn nữa, và có nhiều hướng phát triền mới mẻ trong tương lai.

Diễn giả tham gia giao lưu cùng khán giả về vấn đề sáng tạo nội dung số

Cũng trong khuôn khổ phần giao lưu thảo luận với các diễn giả, nhiều bạn sinh viên đã đưa ra những câu hỏi thú vị về các vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và bảo hộ bản quyền. Một trong vấn đề được đề cập đến nhiều nhất hiện nay đó là những vụ việc vi phạm bản quyền, những vấn đề liên quan đến quyền sáng chế, luật nhãn hiệu, bảo vệ người tiêu dùng, và những tranh chấp giữa hai “ông lớn” Facebook và YouTube.

Kết thúc buổi tọa đàm, Chủ tịch CLB Sở Hữu trí tuệ, chị Nguyễn Thị Thúy lên trao hoa và gửi lời cảm ơn tới các diễn giả đã đến chia sẻ những thông tin bổ ích đồng thời cảm ơn sự có mặt của các đại biểu và các bạn sinh viên. Tọa đàm “Innovation in Digital Challenge” với chủ đề sáng tạo nội dung số, nằm trong khuôn khổ hướng tới gameshow IPChallenge 2016 – Sáng tạo vì cộng đồng. Với bốn vòng thi gay cấn và mang nhiều tính cạnh tranh, IPChallenge® 2016 đã trở lại và chính thức kết thúc vòng đơn vào ngày 17-3.

Lời cảm ơn: Ban tổ chức xin cảm ơn các vị diễn giả, các vị khách mời, cùng các đơn vị truyền thông và các bạn sinh viên đã đến tham dự buổi tọa đàm “Innovation in Digital Challenge” , hướng tới Gameshow IPChallenge 2016- Sáng tạo vì cộng đồng.

Mọi thông tin chi tiết, xin liên hệ:

CLB Sở hữu trí tuệ trường Đại học Ngoại Thương , P. H103 , số 91 phố Chùa Láng – Đống Đa – Hà Nội
Website:
http://ipc-ftu.com/ipchallenge/
Email: [email protected]
Fanpage:
https://facebook.com/shtt.ftu
Hotline: 0982 702 195 (Ms.Thúy)

Nguồn CLB Sở hữu trí tuệ trường Đại học Ngoại Thương