Nữ tướng đứng sau hiện tượng Traphaco

Khi được hỏi về thông tin rằng bà có thể rời cương vị hiện tại ở đại hội cổ đông diễn ra cuối tháng 3 này, khiến một số nhà đầu tư hoang mang, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Traphaco chỉ mỉm cười và trả lời một cách đơn giản: “Tôi tin rằng các cổ đông của Traphaco luôn là những nhà đầu tư sáng suốt nhất khi quyết định”.

Áp lực “thuyền trưởng”

Nhiều cán bộ trong ngành dược, nhà đầu tư trên thị trường tài chính chưa quên một “hiện tượng Traphaco” đã phát triển rất nhanh những năm qua.

Xuất phát điểm của Traphaco khá thấp: một công ty Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 300 nhân viên và vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng khi tiến hành cổ phần hóa năm 1999.

Nhưng sau 16 năm, đây đã là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam với 1.600 nhân viên và giá trị vốn hoá thị trường lên đến gần 2.500 tỷ đồng.

“Lúc đó, nào ai hiểu cổ phần hóa nghĩa là gì. Ai dám tự tin rằng thoát khỏi bầu sữa mẹ là sẽ trưởng thành, sẽ sống tốt? Nếu giả sử không đứng vững được thì hàng trăm nhân viên Traphaco sẽ sống sao. Áp lực rất lớn, nhưng lúc đó, tôi chỉ có một khát khao: muốn được tự chủ hơn”, bà Thuận nhớ lại thời điểm 1999.

Nữ tướng đứng sau hiện tượng Traphaco

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Traphaco - Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Khi cổ phần hóa đến như một bước ngoặt, Traphaco thành doanh nghiệp đầu tiên của Bộ Giao thông Vận tải cổ phần hóa và là một trong số ít những doanh nghiệp trên cả nước làm cuộc chuyển mình đó.

Tính tới nay, bà Thuận đã làm “thuyền trưởng” con tàu Traphaco được 16 năm trong hành trình 37 năm gắn bó với công ty, kể từ lúc tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội.

“Tôi nghĩ muốn Traphaco lớn mạnh được, công ty phải có quyền tự quyết. Cứ mỗi quyết định lại đợi chờ, lại họp hành….thì cơ hội sẽ trôi qua. Traphaco phải cổ phần hóa. Tôi đã đi vận động từng con người của Traphaco ủng hộ cổ phần hóa. May mắn thay, những nỗ lực của tôi đạt được kết quả”.

Kể từ đại hội cổ đông lần đầu tiên năm 1999, từ vị trí Phó giám đốc, bà Thuận trở thành Giám đốc. Hai nhiệm kỳ liền, từ năm 2003 - 2011, bà giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc và Bí thư Đảng bộ.

Thời gian này cũng là giai đoạn đánh dấu tầm nhìn cũng như những cột mốc của bà trong việc dẫn dắt Traphaco thành công ty dược hàng đầu ở Việt Nam.

Vị nữ Chủ tịch Traphaco có gì đó tương đồng với “nữ tướng” Mai Kiều Liên của Vinamilk, khi xuất phát điểm của bà cũng bắt đầu từ một người giỏi chuyên môn - cán bộ kỹ thuật, rồi lên đến quản đốc phân xưởng.

Quyết định quan trọng

Năm 2006, Traphaco cho ra đời nhà máy sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GMP - WHO lớn nhất Việt Nam.

Trong vòng 10 năm kể từ khi cổ phần hoá, dưới sự dẫn dắt của bà Thuận, doanh thu của công ty tăng hơn 20 lần, từ 50 tỷ lên đến trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2011.

Năm 2007, Traphaco IPO, năm 2008 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, năm 2011 đứng hàng đầu ngành dược. Những sản phẩm thuốc đông dược của Traphaco như Cebraton (hoạt huyết dưỡng não) hay Boganic trở thành thương hiệu thuốc dẫn đầu phân khúc thị trường.

Trong vòng 10 năm kể từ khi cổ phần hoá, dưới sự dẫn dắt của bà Thuận, doanh thu của công ty tăng hơn 20 lần, từ 50 tỷ lên đến trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2011.

“Ban đầu, chúng tôi sống được chủ yếu bằng việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm của nhiều hãng dược trên thế giới. Ngày xưa, không phải doanh nghiệp nào cũng được tự do nhập khẩu. Nhưng tôi biết Traphaco phải đi bằng hai chân”, bà Thuận nhớ lại một cột mốc quan trong của Traphaco.

“Tôi đến Hưng Yên xin đất xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đông dược tại Văn Lâm. Lúc đó, khu vực ASEAN đã có chuẩn nhà máy GMP. Tôi nghĩ rằng, tiêu chuẩn của ASEAN cũng đâu có quá cao, làm được theo chuẩn thì phải làm mới mong thương hiệu tốt được, mới mong đi ra thế giới được. Và nhà máy Hưng Yên được khánh thành năm 2007”.

Giữa lúc công ty đang có đà phát triển mạnh thì bà Thuận đưa ra một quyết định khiến nhiều người bất ngờ, khi chủ động thôi kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc, cắt giảm công tác quản lý và tập trung vào hoạch định chiến lược phát triển.

Lý giải của bà, đó là sự trưởng thành của Traphaco theo mô hình tiến bộ của công ty cổ phần cần có sự tách biệt giữa Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc điều hành.

Traphaco với bà Thuận trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ 2012 tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hệ thống phân phối, trong bối cảnh cạnh tranh của ngành dược ngày càng gay gắt. Hiện tại, đây đã là tổng công ty với sáu công ty thành viên. Lên sàn chứng khoán có vốn hóa 80 tỉ đồng tháng 11/2008, nay vốn hóa của công ty gần 2.500 tỉ đồng.

Trong 5 năm qua, Traphaco có tốc độ tăng trưởng bình quân 12%, cao nhất ngành dược và tốc độ tăng trưởng năm 2015 trên 20% với doanh thu trên 1.900 tỉ đồng.

Nữ tướng đứng sau hiện tượng Traphaco

Traphaco có tốc độ tăng trưởng bình quân 12%, cao nhất ngành dược và tốc độ tăng trưởng năm 2015 trên 20% với doanh thu trên 1.900 tỉ đồng. Ảnh: Traphaco

Nhưng không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng. Trong thời kỳ khát vốn để lớn nhanh, Traphaco phải vay nợ ở mức khá cao. Dù rằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ nhiều năm liền cũng lên tới 70-80%, nhưng người phụ nữ đứng đầu Traphaco đã nhận ra một nguy cơ lâu dài, nếu tiếp tục duy trì tình trạng này. Bà Thuận tiếp tục đưa ra một quyết định lớn cho Traphaco: chấp nhận giảm tăng trưởng nóng, dành tiền trả nợ ngân hàng.

“Nếu bạn nhìn thấy báo cáo tài chính năm 2014, 2015 của công ty sẽ thấy, hàng trăm tỷ đồng nợ ngân hàng năm 2011 đã gần như sạch trơn. Dư nợ ngân hàng cuối năm 2015 đâu đó chỉ còn 15 tỷ, không còn đáng kể đối với Traphaco. Hiện Traphaco rất khỏe mạnh về tài chính”, bà Thuận nói.

Tâm huyết tiếp theo

“Khi mà các sản phẩm chủ lực dường như đang đi vào chu kỳ bão hoà, Traphaco cần có sự chú trọng vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, cả đông dược và tây dược”, bà Thuận nói. “Đa dạng hoá sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, tối ưu hoá phân phối, và tiếp tục xây dựng uy tín thương hiệu sẽ là những bước đi chiến lược quan trọng”.

Nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của tập thể và văn hoá doanh nghiệp, bà coi “con người” chính là yếu tố nền tảng cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

“Lo cho nồi cơm nhà mình khó một thôi. Là doanh nhân, lo cho nồi cơm của hàng nghìn con người khác, tôi mới thấu hiểu rằng mỗi quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn gia đình”, bà nói.

Năm nay 60 tuổi, “nữ tướng” có phong thái nhanh nhẹn của Traphaco chưa hài lòng với những gì hiện có. Với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ phát triển doanh thu ở mức trên 10%/năm trong 5 năm tới, bà Thuận vẫn nung nấu mục tiêu xây dựng một chiến lược phát triển đồng bộ hơn, toàn diện hơn.

Chiến lược phát triển của Traphaco, theo đó, không còn là “hàng đầu”, mà nhắm tới vị trí dẫn đầu trong ngành dược Việt Nam.

Huy Minh
Nguồn VN Economy