Giá trị sáp nhập nằm ở đâu?

M&A trong ngành truyền thông không phải là mới. Nhưng với thương vụ AVC-Edelman, có thể hiểu thêm về bản chất của ngành này. Mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành truyền thông bắt đầu nổi lên từ khi Công ty T&A Việt Nam kết hợp với Công ty O&M của tập đoàn chuyên về quảng cáo và marketing WPP (Mỹ) hình thành nên Công ty T&A Ogilvy 2 năm về trước.

Cuối tháng 2 vừa qua, thị trường lại chứng kiến một sự kiện nổi bật khác. Đó là việc Công ty Tiếp thị Truyền thông AVC bán cổ phần cho Edelman, để hình thành công ty mới là AVC Edelman. Edelman là công ty của Mỹ được thành lập năm 1952 với 60 văn phòng và 4.000 nhân viên.

Không phải cứ muốn M&A là được. Bởi trong lĩnh vực truyền thông, không khó để thấy, sau gần một thập niên phát triển nóng đã hình thành khá nhiều công ty theo dạng trăm hoa đua nở. Đồng thời, cũng rất nhiều công ty âm thầm rút lui khỏi thị trường, dù rằng thị trường này vẫn còn dư địa tăng trưởng (3 năm tăng 3 lần). Vấn đề nằm ở chất lượng. Phần lớn các công ty không thấy rõ định hướng hoặc mờ nhạt trên thị trường, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng.

Nhưng Tổng giám đốc Richard Edelman, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Edelman, cho rằng ông đã tìm thấy một đối tác ưng ý hiếm hoi tại Việt Nam. Theo ông, đối tác này có chiến lược rõ ràng và được lèo lái bởi một nhà điều hành có nhiều năm kinh nghiệm. “Tôi đánh giá rất cao năng lực của ông Ngọc Anh, lãnh đạo AVC”, ông Edelman nói.

Vượt trên những lời tán dương, điều quan trọng là cả 2 đối tác AVC và Edelman rõ ràng đều đã tìm thấy những lợi điểm của nhau.

Đối với ông Bùi Ngọc Anh, Tổng Giám đốc AVC, đây chính là cơ hội để công ty ông có thể học hỏi kinh nghiệm của Edelman trên lĩnh vực truyền thông, tiếp thị, đặc biệt là tiếp thị số, một lĩnh vực thời thượng mà AVC còn đang mò mẫm. Chiến lược từ bấy lâu của AVC là tăng cường các giải pháp cho PR, marketing, và mấy năm nay, ông Ngọc Anh cũng nỗ lực hướng đến chiến lược tiếp thị số (các giải pháp marketing trên internet, mạng xã hội…).

Đó là chưa kể đến AVC có thể tận dụng những khách hàng nước ngoài của Edelman đã và sẽ đặt chân đến Việt Nam. Edelman có khá nhiều khách hàng đa quốc gia như Microsoft, HP, Novatis, Unilever, Diageo, Samsung và sắp tới là Starbucks.

Trong khi đó, hạn chế của một công ty nước ngoài là ít am hiểu văn hóa nội địa cho các hoạt động PR, vốn được xem là thế mạnh của doanh nghiệp bản địa. Tận dụng lợi thế này là cách Edelman tiến vào thị trường nhanh và đỡ tốn sức nhất.

Sự kết hợp của cả 2 khiến ông Edelman tin rằng, công ty mới sẽ đạt tăng trưởng 20-30%/năm trong năm đầu tiên hoạt động. Tuy nhiên, giá trị thương vụ không được tiết lộ và tương lai của liên minh này sẽ nghiêng về ai vẫn còn là câu hỏi lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia truyền thông, giá trị của một công ty hoạt động trong lĩnh vực PR Việt Nam nằm ở tên tuổi người lãnh đạo và lượng khách hàng hiện có hơn là đội ngũ nhân viên và giá trị tài sản của công ty. Vì đây cũng là ngành dịch chuyển nhân sự lớn và chi phí hoạt động không cao.

Trong khi đó, nói về tương lai của liên minh, ông Bob Grove, Giám đốc điều hành Edelman Đông Nam Á, cho rằng Edelman bước đầu rút ngắn khoảng cách văn hóa với AVC bằng cách thức ông đã từng làm với một công ty Indonesia. “Tôi áp dụng kinh nghiệm của mình để hướng dẫn cho họ”, ông Bob Grove cho biết.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư